Phiên họp Thường trực Ủy ban Xã hội mở rộng

Sáng 12.9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Thường trực Ủy ban Xã hội đã họp phiên mở rộng, thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; kết quả thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Nghị quyết số 24/2021/QH15 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội Khóa XV thông qua ngày 28.7.2021. Theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 2 của Nghị quyết, hàng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, ngày 20.7.2022, Ủy ban đã tổ chức cuộc họp nghe Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng) báo cáo sơ bộ kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; đồng thời tổ chức các đoàn khảo sát về nội dung này tại 5 địa phương (Điện Biên, Cao Bằng, Bắk Kạn, Sóc Trăng và Cà Mau).

Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24.9.2021 và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 ngày 1.8.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện đúng đắn, kịp thời quan điểm nhất quán của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và ban hành các chính sách nhằm góp phần hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vượt qua khó khăn. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Ủy ban Xã hội đã tổ chức khảo sát tại các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Long An, Đồng Nai; tổ chức 3 Hội thảo khu vực, tổ chức Phiên họp nghe Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan báo cáo về tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid -19, tổ chức 7 đoàn giám sát (các TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và các tỉnh Bình Dương, Đồng Tháp, Hải Dương, Vĩnh Phúc) về các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, trong đó có việc thực hiện hai Nghị quyết này.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu

Nhấn mạnh đây là hai nội dung quan trọng, cấp bách, có tầm ảnh hưởng rộng lớn, được cử tri và Nhân dân quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, tại phiên họp này, Thường trực Ủy ban thẩm tra sơ bộ các báo cáo của Chính phủ về hai nội dung, báo cáo thẩm tra sơ bộ sẽ được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 này.

Nguồn vốn ngân sách bổ sung thực hiện Chương trình thấp, bố trí vốn chậm

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ tháng 7.2021 đến hết năm 2021 và năm 2022, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình còn một số tồn tại, hạn chế. Trong 7 tháng đầu năm 2021 chưa có cơ sở pháp lý quy định việc tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; năm 2021, chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình. Nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung thực hiện Chương trình năm 2021 còn thấp, bố trí vào cuối năm nên không thực hiện được trong năm 2021. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến đời sống người nghèo; chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 không phản ánh đúng thực trạng khách quan tình trạng nghèo của các hộ gia tại thời điểm năm 2021.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24.9.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 ngày 11.8.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chi trả cho hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24.9.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, quá trình xây dựng chính sách, dự báo đối tượng thụ hưởng và dự tính số tiền thực tế chi trả cho người lao động thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 được tính toán nhanh, khá sát thực tế, thời gian thực hiện trong vòng một tuần với số lượng đối tượng thụ hưởng lớn. Mặc dù vậy, còn hạn chế do sự đa dạng và phức tạp của đối tượng thụ hưởng chính sách. Do đó, khi triển khai thực hiện chính sách, số tiền thực tế chi trả hỗ trợ người lao động vượt quá 30.000 tỷ đồng (Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 cho phép sử dụng khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động). Quá trình thực hiện hỗ trợ cho người lao động còn chậm ở một số địa phương, một bộ phận người lao động vẫn chưa được thực hiện chính sách hỗ trợ mặc dù đã hết thời hạn thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24.9.2021. Do đó, làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ đối với một số người lao động ở thời điểm gặp khó khăn, cần được hỗ trợ…

Khẩn trương rà soát, xây dựng, ban hành văn bản, hướng dẫn

Ghi nhận các kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ tháng 7.2021 đến hết năm 2021 và năm 2022, một số ý kiến cũng cho rằng, việc bố trí vốn thấp và phân bổ vốn chậm làm ảnh hưởng tới kết quả thực hiện Chương trình, tạo áp lực lớn cho việc thực hiện Chương trình trong những tháng cuối năm 2022. Có ý kiến đề nghị đánh giá lại tính khả thi của việc đạt kết quả giảm nghèo năm 2022, bởi đến thời điểm này, việc thực hiện Chương trình còn chậm, nhiều địa phương chưa bố trí được vốn. Các đại biểu đề nghị, cần xác định trách nhiệm trong việc chậm triển khai Chương trình. Đồng thời, cần tăng cường công tác giám sát việc thực hiện, bảo đảm Chương trình được tiến hành hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra.

Quang cảnh Phiên họp

Quang cảnh Phiên họp

Thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 03 và Nghị quyết số 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các đại biểu khẳng định những kết quả tích cực của chính sách hỗ trợ này. Một số đại biểu đề nghị, cân nhắc bổ sung một số bài học kinh nghiệm trong thực hiện chính sách hỗ trợ như: huy động nguồn lực thực hiện chính sách; hoàn chỉnh chính sách pháp luật trong bối cảnh dịch bệnh; quản lý dữ liệu và thủ tục hành chính để người lao động được hưởng chính sách...

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sau cuộc họp này, Ủy ban sẽ có báo cáo thẩm tra sơ bộ để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 này. Tiếp đó, Ủy ban sẽ tổ chức thẩm tra chính thức báo cáo của Chính phủ và hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu thành viên Ủy ban để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư (tháng 10.2022).

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát các văn bản, hướng dẫn, nhằm bảo đảm đúng mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc thực hiện Chương trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị, Chính phủ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định vốn sự nghiệp thực hiện cho một số dự án, tiểu dự án chưa được phân bổ vốn; tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện, đẩy mạnh giải ngân cho các dự án, tiểu dự án chưa được thực hiện.

Tin và ảnh: Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/phien-hop-thuong-truc-uy-ban-xa-hoi-mo-rong-i300345/