Phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 11: Cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng
Ngày 11.11, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 11.2021. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cùng các Phó Chủ tịch Võ Đức Trong, Dương Văn Thắng, Trần Văn Chiến chủ trì phiên họp.
Linh hoạt, tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội để phát triển đô thị và nhà ở
Tại phiên họp, lãnh đạo Sở Xây dựng trình 3 nội dung gồm: Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, giai đoạn 2026-2030 và định hướng sau năm 2030; Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Tờ trình về việc ban hành danh mục cây trồng sử dụng công cộng, cây trồng sử dụng hạn chế trong đô thị và cây cấm trồng trong đô thị trên địa bàn tỉnh.
Việc trình phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh đến năm 2030 trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2014-2020 và định hướng đến năm 2030 (phê duyệt tại Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 19.8.2014 của UBND tỉnh).
Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh phân vùng phát triển đô thị tỉnh làm 4 vùng, có lồng ghép các trục phát triển trong từng vùng, cụ thể: Vùng trung tâm gồm thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành kết nối tạo động lực phát triển các vùng qua Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, các trục giao thông huyết mạch như quốc lộ 22B, các tuyến đường tỉnh ĐT.793, ĐT.785; vùng II qua trục ĐT.790, ĐT.781; vùng III qua trục ĐT.781, ĐT. 786.
Vùng I (vùng phía Bắc), bao gồm các huyện Tân Châu, Tân Biên kết nối giao thoa phát triển vùng thông qua trục phát triển đô thị ĐT.785. Tạo tiền đề phát triển các đô thị vệ tinh (thành lập thị trấn mới) xung quanh lõi thị trấn hiện hữu cho giai đoạn sau 2025 gồm các xã Tân Hưng, Tân Đông, Suối Dây (huyện Tân Châu) và Mỏ Công, Tân Lập, Thạnh Tây (huyện Tân Biên).
Vùng II (vùng Đông Nam), bao gồm đô thị Dương Minh Châu, Gò Dầu và thị xã Trảng Bàng kết nối giao thoa phát triển vùng thông qua trục phát triển đô thị ĐT.782-784, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài và Gò Dầu - Xa Mát.
Vùng III (vùng Tây Nam), bao gồm đô thị Bến Cầu - Mộc Bài và Châu Thành kết nối giao thoa phát triển vùng thông qua trục phát triển đô thị quốc lộ 14C, ĐT.786; kết nối thị xã Gò Dầu qua trục đường cao tốc Hồ Chí Minh - Mộc Bài và đường Xuyên Á.
Đối với nội dung thứ hai, qua rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình phát triển nhà ở tỉnh giai đoạn 2016-2020, Sở Xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh đến năm 2030, làm cơ sở triển khai các nhiệm vụ về quản lý, phát triển đô thị, nhà ở trên địa bàn tỉnh cho thời kỳ mới để hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, dân cư nông thôn và nhà ở, hoàn thành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, triển khai xây dựng đồng bộ Chương trình phát triển đô thị và nhà ở Tây Ninh đến năm 2030 theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, chương trình phát triển đô thị và nhà ở phải thể hiện tư duy và tầm nhìn dài hạn, phải linh hoạt, tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vềđiều kiện tự nhiên, hạ tầng kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đầu tư trong thời gian qua, vềđiều kiện xã hội và nhu cầu (cả trước mắt và lâu dài) đểđịnh hướng.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, hai chương trình trên rất quan trọng cho định hướng phát triển đô thị và nhà ở trong giai đoạn tới, không chỉ giai đoạn 5 năm mà hướng đến 10 năm.
Chương trình lần này khắc phục những hạn chế của các chương trình phát triển đô thị và nhà ở giai đoạn trước, đồng thời, đáp ứng được nhu cầu phát triển và dân sinh, đặc biệt là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư.
Từ chương trình này, tỉnh sẽ định ra một cơ chế mới về sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển đô thị; đề ra định hướng phát triển đô thị và nhà ở, trong đó, chủ yếu huy động nguồn lực từ xã hội, Nhà nước sẽ tập trung đầu tư những hạ tầng trọng điểm, trọng tâm, mang tính kết nối lan tỏa. Như vậy, sẽ thu hút đầu tư rất lớn và giải quyết được vấn đề vừa tăng độ phủ của đô thị, vừa bảo đảm huy động được nguồn lực.
Đại biểu tham dự phiên họp thống nhất với nội dung hai tờ trình trên. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng tiếp thu các ý kiến để tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh các chương trình. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, chương trình phát triển đô thị và nhà ở phải thể hiện tư duy và tầm nhìn dài hạn, phải linh hoạt, tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội. Bên cạnh đó, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đầu tư trong thời gian qua, về điều kiện xã hội và nhu cầu (cả trước mắt và lâu dài) để định hướng.
Hai chương trình này phải gắn kết và liên thông với nhau, khắc phục được những hạn chế, bất cập của các chương trình trước đây; đặc biệt, phải gắn kết với chương trình phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông.
Trong chương trình phát triển đô thị, phải bảo đảm được hai yếu tố cơ bản: mở rộng, nâng cấp phát triển đô thị hiện hữu để nâng hạng xếp loại đô thị từ nay đến năm 2025, đến 2030 và sau năm 2030 của các đơn vị hành chính huyện, thị xã, thành phố; định hướng hình thành các trục, khu vực đô thị mới.
Cụ thể, phải định hướng cho các địa phương theo tinh thần phát huy tối đa phát triển các trục đô thị kết nối giữa các đơn vị hành chính, nhất là dọc các trục đường giao thông trọng điểm đã được kết nối. Mặt khác, xác định một số đô thị mới. Hiện nay, đô thị mới có hai loại: một là, phát triển đô thị mới ở trong cùng đơn vị hành chính; hai là, đô thị mới giao thoa về không gian phát triển giữa các địa phương. Hai phần này nếu xác định rõ sẽ tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng quy hoạch về đô thị, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất để làm cơ sở mời gọi, thu hút nguồn lực xã hội.
Các đối tượng được điều chỉnh thụ hưởng chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt gồm hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, cá nhân, hộ gia đình sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp và thủy sản an toàn thuộc danh mục sản phẩm được hỗ trợ theo quy định.
Về tổ chức thực hiện, cần ghi rõ trách nhiệm của từng ngành theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Sau khi được thông qua, trên cơ sở hai chương trình này, địa phương phải cụ thể hóa chương trình phát triển đô thị và nhà ở của tỉnh thành quy hoạch phát triển đô thị của địa phương, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất để bảo đảm cho việc triển khai đồng bộ và khả thi, có hiệu quả nhất.
Phiên họp cơ bản thống nhất đối với Tờ trình về việc ban hành danh mục cây trồng sử dụng công cộng trong đô thị, danh mục cây trồng sử dụng hạn chế trong đô thị và danh mục cây cấm trồng trong đô thị trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp với các đơn vị có liên quan để hoàn chỉnh, sớm ban hành nội dung này.
Tạo điều kiện để người dân sớm tiếp cận chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt
Tại phiên họp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trình 3 nội dung, gồm: Tờ trình ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Tờ trình việc đề nghị phê duyệt phương án chuyển đổi diện tích rừng giao khoán theo Nghị định số 01/CP sang Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27.12.2016 của Chính phủ; Nghị quyết về giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi đến năm 2021. Về cơ bản, các địa phương và sở, ban, ngành, thành viên UBND tỉnh thống nhất với 3 nội dung trên. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tiếp thu các ý kiến, hoàn chỉnh lại nội dung để trình HĐND tỉnh.
Trong đó, đối với chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản, cần căn cứ vào mức hỗ trợ để đưa đối tượng áp dụng phù hợp. Các đối tượng được điều chỉnh thụ hưởng chính sách gồm hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, cá nhân, hộ gia đình sản xuất các loại sản phẩm nông nghiệp và thủy sản an toàn thuộc danh mục sản phẩm được hỗ trợ theo quy định.
Ngành Nông nghiệp cần rà soát lại, tách bạch rõ nhóm sản phẩm thuộc Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg, những nhóm sản phẩm đặc thù của địa phương. Về tổ chức thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh giao các địa phương, ngành chức năng có liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện để các đối tượng được sớm tiếp cận chương trình hỗ trợ.
Đối với Tờ trình việc đề nghị phê duyệt phương án chuyển đổi diện tích rừng giao khoán theo Nghị định số 01/CP sang Nghị định số 168/2016/NĐ-CP, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc giao Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, rà soát; chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh lại hợp đồng từ Nghị định số 01 sang Nghị định số 168 của Chính phủ, bảo đảm đúng đối tượng, nội dung, hình thức, hạn mức khoán và xác định rõ thời hạn nhận khoán.
Mặt khác, thực hiện nghiêm việc xử lý như thanh lý, thu hồi diện tích đất khoán đối với những đối tượng vi phạm như: bên nhận khoán không thực hiện đúng hợp đồng nhận khoán, sử dụng diện tích nhận khoán sai mục đích, chuyển nhượng diện tích nhận khoán trái pháp luật…
Ngoài ra, phiên họp còn cho ý kiến đối với các nội dung: Nghị quyết về việc giao biên chế công chức đối với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố năm 2022; Nghị quyết quy định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh, dự toán chưa phân bổ và nguồn phát sinh năm 2020; Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2021 và dự kiến kế hoạch tài chính năm 2022 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do tỉnh quản lý.