Phiên livestream bán sách thu gần hai trăm triệu của sếp FPT

Trong hai tiếng tối ngày 17/7, tác giả Hoàng Nam Tiến và đội ngũ Thái Hà Books đã livestream bán được 820 đơn hàng, thu về gần 200 triệu đồng.

 Ông Hoàng Nam Tiến (Phó chủ tịch Hội đồng trường, trường Đại học FPT) tại phiên livestream tối ngày 17/7. Ảnh: Thái Hà Books.

Ông Hoàng Nam Tiến (Phó chủ tịch Hội đồng trường, trường Đại học FPT) tại phiên livestream tối ngày 17/7. Ảnh: Thái Hà Books.

Vào tối ngày 17/7, Thái Hà Books cùng ông Hoàng Nam Tiến (Phó chủ tịch Hội đồng trường, trường Đại học FPT) đã tổ chức phiên livestream bán sách.

Cũng tại phiên live, 7 bộ sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh trị giá 3 triệu đồng cùng 100 bộ sách, do ông Hoàng Nam Tiến tuyển chọn, trị giá 600.000 đồng đã được bán hết. Ông Hoàng Nam Tiến cam kết mỗi cuốn sách bán ra, ông sẽ tặng một cuốn cho trẻ em vùng cao ở Nghệ An.

Căng thẳng trong phiên live lần đầu

Trong phiên live, tác giả Hoàng Nam Tiến thừa nhận rằng bản thân không có quá nhiều kinh nghiệm. Vì vậy không thể tránh khỏi việc phiên live còn thiếu sót, chẳng hạn việc tương tác với khán giả chậm hay sử dụng một số từ vi phạm quy định của nền tảng TikTok.

Dẫu vậy, đội ngũ livestream cũng đã cố gắng để khắc phục và đảm bảo buổi phát trực tiếp không bị gián đoạn, đặc biệt khi mới mở livestream lượng đơn đặt hàng có dấu hiệu tăng rất nhanh.

Cụ thể, trong 35 phút đầu, 200 đơn đã được đặt, cứ cách khoảng 10 phút, Thái Hà Books lại nhận về 100 đơn. Phiên livestream từ 20h đến 22h đã có tổng cộng 68.000 lượt xem, với tổng số đơn bán ra là 820 đơn hàng, đạt 190 triệu đồng. Lượng người xem tại một thời điểm cao nhất của phiên phát sóng rơi vào khoảng 1.100-1.500 người.

 Hậu trường của phiên livestream.

Hậu trường của phiên livestream.

So với các phiên live khác, con số này là một cột mốc ấn tượng với Thái Hà Books nói riêng và xuất bản nói chung. Trước đó, để hưởng ứng không khí Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đội ngũ Sbooks đã tổ chức livestream tại gian hàng ở đường sách Nguyễn Văn Bình. Phiên livestream cũng đạt lượt xem cao nhất tại một thời điểm là 1.000 lượt với tổng mức doanh thu là 250 triệu đồng.

Quá trình livestream, ông Hoàng Nam Tiến cũng nhiệt tình giao lưu cùng người xem. Khi được người xem đặt câu hỏi làm sao để bản thân hứng thú với sách, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ: “Trước kia, tôi đọc tất cả mọi thứ có chữ, có những cuốn sách tôi đọc đến hai, ba lần. Giờ đây các bạn trẻ đã có nhiều sự lựa chọn hơn, nhưng phải chọn sách sao cho thật phù hợp. Nếu cảm thấy khó đọc, hãy bắt đầu từ những cuốn truyện tranh. Rồi một lúc nào đó, bạn có thể gặp cuốn sách thay đổi của đời mình”.

Trong phiên phát sóng, các voucher liên tục được người mua hàng sử dụng, đội ngũ đã phải tạo thêm voucher mới. Có thể thấy các voucher kích thích tâm lý của người tiêu dùng rất tốt, thôi thúc họ mua sắm để sử dụng ưu đãi miễn phí. Ngoài ra, đội ngũ Thái Hà Books cũng chuẩn bị thêm những miếng giấy gấp kẹp ở góc sách dành riêng cho những người mua hàng trong phiên phát sóng. Trên miếng giấy có ghi những câu nói tâm đắc của ông Hoàng Nam Tiến.

Những yếu tố còn thiếu trong phiên livestream

Dù buổi live của Thái Hà Books có thể được coi là thành công trong ngành sách nhưng so với các phiên live khác của những KOL lớn, tính giải trí chưa được khai thác triệt để.

Yếu tố giải trí là một phần trong khái niệm “shoppertainment” đang được phổ biến rộng rãi hơn thời gian gần đây trên nền tảng TikTok. Shoppertainment là khái niệm kết hợp giữa shopping (mua sắm) và entertainment (giải trí). Thay vì chỉ tập trung vào việc bán hàng, shoppertainment tạo ra một trải nghiệm mua sắm thú vị và hấp dẫn hơn thông qua các hoạt động giải trí.

 Gian hàng TikTok Shop.

Gian hàng TikTok Shop.

Với việc áp dụng khái niệm shoppertainment, đội ngũ livestream có thể tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ và trải nghiệm tích cực cho khách hàng. Khi người tiêu dùng tham gia vào một buổi livestream có tính giải trí cao, họ không chỉ đơn thuần là người mua hàng mà còn trở thành một phần của một sự kiện thú vị.

Những trải nghiệm này giúp tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ, làm cho việc mua sắm trở nên thú vị và đặc biệt hơn. Khách hàng có xu hướng chia sẻ những trải nghiệm tích cực này trên mạng xã hội, từ đó giúp lan tỏa và thu hút thêm nhiều người tiêu dùng mới.

Ý nghĩa của hình thức shoppertainment gắn liền với các buổi phát sóng trực tiếp. Livestream cho phép người xem tham gia trực tiếp thông qua các bình luận, câu hỏi và phản hồi ngay lập tức. Người bán hàng có thể trả lời các câu hỏi, giải đáp thắc mắc và thậm chí tương tác trực tiếp với người xem, tạo cảm giác gần gũi và tin cậy. Sự tương tác này giúp người tiêu dùng có thêm thông tin về sản phẩm và tạo ra một kết nối cảm xúc với thương hiệu, từ đó tăng cường sự trung thành của khách hàng.

Bên cạnh đó, phiên live vẫn còn thiếu những “deal hời”, “deal sốc” vào từng khung giờ. Điều này có thể phần nào lý giải trong việc số người xem giữa buổi phát sóng có dấu hiệu giảm đi. "Deal sốc" là một trong những hình thức quan trọng giúp duy trì lượng người xem tại một thời điểm ổn định.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/phien-live-ban-sach-tram-trieu-trong-hai-tieng-post1486812.html