Phiên thứ nhất 'Nhận diện, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống tại di sản thế giới Tràng An'

Ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu đã tham dự Phiên thảo luận thứ nhất tại hội thảo với chủ đề 'Nhận diện, bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống tại di sản thế giới Tràng An. Kinh nghiệm quốc tế' do đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Bùi Văn Mạnh, TUV, Giám đốc Sở Du lịch và PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia Việt Nam đồng chủ trì.

Các đồng chí chủ trì phần tham luận.

Các đồng chí chủ trì phần tham luận.

Cùng tham gia thảo luận có: GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc; PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục; PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường; GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính; TS.KTS. Emmanuel Cerise.

Phiên thảo luận đã tập trung vào các nội dung: Vai trò và giá trị các làng truyền thống trong vùng lõi di sản Tràng An; Tiếp cận cư trú Việt- di sản làng xã truyền thống trong văn hóa kiến trúc; Bảo tồn kiến trúc truyền thống- Từ góc nhìn di sản văn hóa làng; Đánh giá các di sản kiến trúc và cảnh quan nông nghiệp, nông thôn để tạo lập tiềm năng khai thác du lịch; Ngôi nhà truyền thống trong không gian sinh kế và môi trường sinh thái trong vùng lõi di sản Tràng An; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế: quảng bá và phát huy giá trị di sản nông thôn tại Vùng Ile-de-France (Pháp).

Các giá trị của làng quê vùng lõi di sản Tràng An tạo dựng động lực phát triển ngành công nghiệp văn hóa

GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tham luận.

GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có góc nhìn sâu hơn về giá trị lịch sử - văn hóa của các làng truyền thống trong vùng lõi di sản Tràng An. Trong đó, các làng truyền thống trong vùng lõi di sản Tràng An có những giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc được hội tụ từ quá trình lịch sử lâu đời, truyền thống văn hóa của vùng đất kinh đô xưa.

Giá trị văn hóa vật thể ở các làng truyền thống trong vùng lõi di sản Tràng An tồn tại với nhiều loại hình, thành tố nhưng nổi bật là cảnh quan, văn hóa sản xuất, di tích lịch sử - văn hóa. Giá trị phi vật thể của các làng truyền thống vùng lõi di sản Tràng An gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, địa danh, truyện kể dân gian.

Trong khu Quần thể danh thắng Tràng An, vai trò và giá trị của các làng xã truyền thống ở vùng lõi di sản là tiêu biểu hơn cả. Sự đan xen, hòa quyện các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong tiến trình lâu dài của lịch sử và văn hóa đã tạo ra các giá trị nổi bật của các làng xã truyền thống vùng lõi di sản Tràng An.

Sự hiện tồn của các giá trị lịch sử - văn hóa tại các làng xã truyền thống vùng lõi Tràng An cho thấy quá trình bảo vệ, lưu giữ di sản của biết bao thế hệ. Các giá trị lịch sử - văn hóa ấy ngày nay không còn khép kín trong mỗi con người, mỗi ngôi làng quê, mà đang tạo dựng động lực cho quá trình phát triển mạnh mẽ mà ngành công nghiệp văn hóa đang là đích hướng tới để vừa gìn giữ, làm giàu và phát huy các giá trị của các làng quê vùng lõi di sản Tràng An.

Bảo tồn kiến trúc truyền thống- từ góc nhìn di sản văn hóa làng

PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia Việt Nam phát biểu tham luận.

PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia Việt Nam đã nêu quan điểm: Qua đợt khảo sát thực tế do Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức tại hai thôn Xuân Sơn và Tam Kỳ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư tôi thấy rõ: cộng đồng cư dân ở đây có lịch sử cư trú lâu đời, ít nhất cũng là từ lúc Vua Đinh Tiên Hoàng lập kinh đô Tràng An. Hai thôn/hai làng phân bố trong vùng lõi của quần thể di tích, danh thắng Cố đô Hoa Lư, ngay sát cạnh hai di tích quan trọng nhất là đền thờ Đinh Tiên Hoàng và đền thờ Lê Đại Hành. Tại đây còn lưu giữa được quỹ kiến trúc truyền thống khá phong phú: Đình, đền, miếu, nhà thờ tổ, đặc biệt là các kiến trúc truyền thống - nhà ở dân dụng tiêu biểu. Cả hai thôn có cấu trúc làng xã khá điển hình: đường làng, ngõ xóm, cổng làng, giếng làng, ao làng...

Hơn nữa, với thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới, cả hai thôn vùng Di sản văn hóa Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An" đều có cơ sở hạ tầng kỹ thuật tươm tất, hoàn chỉnh với diện mạo kiến trúc có sự hiện tồn đan xen giữa truyền thống và hiện đại, giữa cũ và mới.

Theo quan điểm và cách tiếp cận bảo tàng học hiện đại có thể khẳng định, các điều kiện sinh thái - nhân văn, nhất là hiện trạng bảo tồn quỹ kiến trúc truyền thống của huyện Hoa Lư hoàn toàn đáp ứng yêu cầu xây dựng bảo tàng sinh thái như một dạng thức bảo tồn DSVH làng, gợi lại "hình bóng xưa" của khu thị dân - một hợp phần quan trọng của Cố đô Hoa Lư.

Di sản làng xã truyền thống trong văn hóa kiến trúc

PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tham luận.

PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đóng góp một số luận cứ để hình thành Khung đánh giá đặc điểm và giá trị cho loại hình Làng và Nhà vùng Đồng bằng Bắc Bộ đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và liên tục công bố khoa học.

Theo đó Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An đã mang lại nền kinh tế du lịch sinh thái cho Ninh Bình, các giá trị của nó đã được nhiều chuyên gia nghiên cứu. Việc bổ sung cho nó Quỹ di sản làng xã - nhà dân gian truyền thống trong vùng lõi Tràng An gắn di sản định cư trải dài hàng ngàn năm là một việc cần làm cần thiết.

Muốn làm điều này cần nghiên cứu "hồi quy" và "cộng sinh giá trị" của Cố đô Hoa Lư (300 ha) với Di sản thiên nhiên thế giới kép Tràng An (hơn 120 km2) từ các nghiên cứu liên ngành để đảm bảo giá trị toàn hệ thống. Đặc biệt, lần này đã khơi một nhận thức mới, một tiếp cận mới để hình thành Quỹ di sản định cư truyền thống thiên niên kỷ tại Ninh Bình, bắt đầu từ Cố đô Hoa Lư, đô thị thành Hoa Lư cho đến làng xã quần tụ xung quanh, trong đó vai trò đặc biệt của các làng cổ nằm trong lõi Tràng An, còn giữ gìn nguyên vẹn cấu trúc, hình thái và kiến trúc cổ.

Chuỗi giá trị Quĩ di sản Thành - Thị - Làng/ Nhà được bao bọc bởi di sản thiên nhiên Tràng An thực sự phải được nhìn nhận bảo tồn và khai thác du lịch như một hệ thống kết nối, một tổng thể, một chuỗi ngọc quí của tỉnh Ninh Bình trong các chiến lược phát triển tương lai. Có như vậy, từng bước di sản này có thể hoàn chỉnh về mặt khoa học và hạ tầng để phát triển bền vững, đa dạng, hiệu quả, thích hợp, kế thừa và độc đáo.

Xây dựng Trường Yên theo mô hình "Làng DI SẢN - DU LỊCH".

Sau khi nghiên cứu tiềm năng di sản kiến trúc và cảnh quan nông nghiệp, nông thôn để phát triển du lịch tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, PGS.TS Phạm Hùng Cường, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã khẳng định: xã Trường Yên có lợi thế, tiềm năng để phát triển thành mô hình "Làng DI SẢN - DU LỊCH".

Việc đánh giá giá trị, bảo tồn cần thực hiện theo định hướng này. Việc đánh giá các giá trị kiến trúc, cảnh quan cần được thực hiện trên quy mô xã (không gian ngoài làng) và không gian làng (điểm dân cư). Các giá trị qua khảo sát sơ bộ cho thấy Trường Yên có nhiều giá trị về kiến trúc, cảnh quan, có thể chuyển đổi thành các sản phẩm du lịch.

Có thể lựa chọn một thôn tích hợp các giá trị cao nhất để phát triển mô hình làng di sản- du lịch (có thể là thôn Trường An) Các giá trị cần được đánh giá là: Cấu trúc không gian toàn làng; kiến trúc công trình tôn giáo tín ngưỡng, công trình công cộng truyền thống và nhà ở kiến trúc cảnh quan trong và ngoài làng; không gian hộ gia đình. Có các giá trị văn hóa phi vật thể lồng ghép trong đó.

Giá trị sinh thái và văn hóa nông nghiệp truyền thống cũng là yếu tố quan trọng trong đánh giá giá trị của cảnh quan nông nghiệp và cảnh quan ngoài làng. Hộ ở gia đình cần nhìn nhận giá trị không chỉ ở kiến trúc nhà cổ còn ở các ngôi nhà khác tuy không có kiến trúc cổ. Đó là các giá trị văn hóa đương đại và các dấu ấn lịch sử, tinh thần của ngôi nhà, của con người, đó cũng là giá trị để khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch.

Nguyễn Thơm- Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phien-thu-nhat-nhan-dien-bao-ton-kien-truc-nha-o-truyen/d20231103120241241.htm