Philippines có thể nhập khẩu 4,5 triệu tấn gạo, Việt Nam thêm cơ hội
Tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2024 có thể lên tới 4 triệu tấn, thậm chí 4,5 triệu tấn - đây là cơ hội cho gạo Việt Nam gia tăng xuất khẩu.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết Philippines là nước tiêu thụ gạo lớn và là một trong số các quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Trong những năm qua, lượng gạo nhập khẩu của Philippines hằng năm luôn ở mức cao, đạt kỷ lục 3,82 triệu tấn vào năm 2022. Năm 2023, tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này là 3,6 triệu tấn, giảm 5,9% so với năm 2022.
Tháng 6.2024, Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. đã ký Sắc lệnh số 62 điều chỉnh mức thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng, trong đó có mặt hàng gạo, từ mức 35% xuống còn 15% với thời hạn áp dụng cho tới năm 2028. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp cho giá gạo trên thị trường giảm khoảng 6 - 7 peso/kg, làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước.
Theo số liệu thống kê của Cục Cây trồng (Bộ Nông nghiệp Philippines), nếu trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt 1,86 triệu tấn, thì trong 6 tháng đầu năm 2024, con số này là 2,32 triệu tấn, tăng 24,7%. Điều này cho phép dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2024 có thể trên 4 triệu tấn, thậm chí 4,5 triệu tấn, cao hơn con số dự báo trước đây là khoảng 4 triệu tấn.
Cũng theo số liệu của Cục Cây trồng, trong 6 tháng đầu năm 2024, Philippines nhập 1,72 triệu tấn gạo từ Việt Nam, tiếp theo sau là từ Thái Lan với 352.331 tấn.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cũng cho biết nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước của Philippines hằng năm từ khoảng 14,5 triệu đến 15 triệu tấn. Nhu cầu dự trữ tối thiểu đảm bảo đủ lương thực cho 30 ngày để đảm bảo an ninh lương thực trong nước của Philippines khoảng trên 1,2 triệu tấn.
Vì vậy, tổng nhu cầu gạo hằng năm của Philippines khoảng 15,5 - 17 triệu tấn. Trong khi đó, thống kê của Hiệp hội Gạo, cũng như của Bộ Nông nghiệp Philippines, sản xuất lúa nội địa của Philippines năm 2022 đạt khoảng 19,75 triệu tấn, tương đương với khoảng 12,74 triệu tấn gạo. Năm 2023, Philippines lần đầu sản xuất lúa nội địa cán mốc trên 20 triệu tấn (cụ thể là 20,06 triệu tấn).
Sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên hằng năm Philippines phải nhập khẩu từ khoảng trên 3 - 4 triệu tấn gạo. Từ năm 2019, khi Philippines ban hành và thực thi Luật số 11203 cho phép tự do xuất nhập khẩu và thương mại gạo, dỡ bỏ hạn ngạch và các hạn chế nhập khẩu gạo thì Việt Nam đã vượt qua Thái Lan trở thành nhà cung ứng gạo quan trọng, luôn giữ vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại thị trường Philipines cho biết gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng vừa phải, phù hợp với thị hiếu, thói quen tiêu dùng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp cho đến các tầng lớp giàu có, giá cả phải chăng nên có tính cạnh tranh. Không những vậy, nguồn cung gạo Việt Nam ổn định cả về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hằng năm của Philippines. Khoảng cách địa lý gần nên chi phí thấp và thuận tiện trong chuyên chở.
Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tăng xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm do nhu cầu thị trường vẫn tăng cao. Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 565 - 570 USD/tấn vào ngày 12.7, mức thấp nhất trong hơn nửa năm trở lại đây.
Tuy giá gạo xuất khẩu được chào bán giảm hơn so với một số thời điểm, nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng gần 10%. Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sau thời gian dài tăng trưởng về giá thì giai đoạn điều chỉnh giảm này của gạo Việt Nam nằm trong xu hướng giảm chung của giá gạo thế giới.
Nếu việc nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ được thông qua trong thời gian tới, nguồn cung dự báo sẽ gia tăng, giá gạo ở châu Á có khả năng hạ nhiệt, do Ấn Độ vẫn là nơi xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với trên 20 triệu tấn/năm.
Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, tính đến đầu tháng 7, các địa phương thu hoạch được khoảng 388.000ha trên 1,46 triệu hecta đã xuống giống vụ hè thu, năng suất ước đạt 6,2 tấn/ha. Nguồn cung dồi dào luôn là trợ lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Bộ dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn, với sản lượng này sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, và có thể thu về hơn 5 tỉ USD.
Thị trường chủ lực mua gạo Việt trong những tháng cuối năm vẫn là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore...