Philippines điều tra vụ rơi máy bay quân sự

Hiện trường vụ rơi máy bay đã được phong tỏa nhằm ngăn các tay súng Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf cản trở điều tra

Quân đội Philippines hôm 5-7 bắt đầu điều tra vụ tai nạn rơi máy bay chết chóc nhất lịch sử nước này. Ít nhất 50 người đã thiệt mạng khi chiếc máy bay vận tải quân sự Lockheed C-130 gặp nạn trước đó 1 ngày, trong lúc cố hạ cánh xuống một đường băng ngắn ở thị trấn Patikul thuộc tỉnh Sulu - thành trì của các tay súng Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf.

Một đoạn video cho thấy các phi công đã cố hủy hạ cánh nhưng vì một lý do nào đó không thể nâng máy bay trở lại và khiến nó rơi xuống gần ngôi làng cách thủ đô Manila hơn 900 km về phía Nam. Thời điểm gặp nạn, máy bay chở 96 binh sĩ, trong đó có 3 phi công.

Khoảng 47 thành viên, chủ yếu là binh sĩ mới tham gia khóa huấn luyện 6 tháng và 3 người dân trên mặt đất thiệt mạng. Các nhân chứng cho hay một số binh sĩ đã nhảy ra khỏi máy bay trước khi nó rơi và bốc cháy.

Quân đội được điều động đến hiện trường vụ rơi máy bay Lockheed C-130 ở tỉnh Sulu - Philippines hôm 4-7 Ảnh: REUTERS

Quân đội được điều động đến hiện trường vụ rơi máy bay Lockheed C-130 ở tỉnh Sulu - Philippines hôm 4-7 Ảnh: REUTERS

Trung tướng Edgard Arevalo, phát ngôn viên quân đội, tuyên bố: "Chúng tôi quyết tìm hiểu xem điều gì thực sự đã xảy ra... để bảo đảm những sự cố tương tự không tái diễn". Theo ông Arevalo, cả 3 phi công đều dày dạn kinh nghiệm điều khiển loại máy bay này và máy bay C-130 tuân theo quy trình cụ thể về tốc độ tiếp cận, điểm hạ cánh và một phần đường băng nơi nó hạ cánh.

Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến máy bay trượt khỏi đường băng. Các nhà điều tra cũng đã tìm kiếm thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay và thiết bị ghi âm buồng lái, thu thập thông tin từ nhân chứng và dữ liệu từ trạm kiểm soát không lưu.

Ông Arevalo nói thêm hiện trường vụ rơi máy bay đã được phong tỏa nhằm ngăn Abu Sayyaf cản trở điều tra. Quan chức Philippines này cũng bác bỏ đồn đoán cho rằng đường băng và sân bay nơi chiếc C-130 hạ cánh tiềm ẩn rủi ro tai nạn cũng như kịch bản máy bay chở quá nặng, với gần 100 binh sĩ và 5 phương tiện trên khoang.

Theo AP, chỉ huy quân sự khu vực Corleto Vinluan cho rằng không có khả năng máy bay bị những đối tượng thù địch bắn hạ. Một quan chức thuộc lực lượng không quân tiết lộ đường băng ở Jolo ngắn hơn hầu hết các đường băng khác trong nước, khiến phi công khó điều chỉnh nếu máy bay bỏ lỡ điểm hạ cánh.

C-130 là máy bay vận tải có động cơ tua-bin cánh quạt do Mỹ chế tạo, được quân đội nhiều nước sử dụng và phục vụ trong nhiều thập kỷ. Không quân Philippines có 4 máy bay loại này, bao gồm chiếc gặp nạn. Hai chiếc khác đã được đưa đến Bồ Đào Nha để sửa chữa từ năm ngoái. Mỹ sẽ sớm gửi thêm một chiếc khác cho Philippines.

Trong diễn biến thảm họa khác tại Nhật Bản, lực lượng cứu hộ 1.500 người đang tiếp tục tìm kiếm những người sống sót 2 ngày sau vụ sạt lở ở thành phố ven biển Atami, cách thủ đô Tokyo 90 km về phía Tây Nam.

Theo Thị trưởng Sakae Saito, có 4 người thiệt mạng và khoảng 80 người mất tích. Thủ tướng Suga Yoshihide cho hay cảnh sát, lính cứu hỏa và quân đội đang làm hết khả năng.

Trận lở đất xảy ra sáng 3-7 (giờ địa phương) do mưa lớn, thậm chí một số nơi chứng kiến lượng mưa trong 24 giờ nhiều hơn so với mức bình thường trong cả tháng 7. Khoảng 130 tòa nhà bị ảnh hưởng ở Atami, thành phố có 36.000 dân.

Người phát ngôn Hiroki Onuma của TP Atami nói với Reuters rằng hiện tại mưa đã tạnh nhưng dự báo những trận mưa sắp tới làm tăng nguy cơ lở đất.

Current Time0:00/Duration3:19auto720p480p360p240p144pautoPhilippines điều tra vụ rơi máy bay quân sự00:03:19Philippines điều tra vụ rơi máy bay quân sự

XUÂN MAI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/philippines-dieu-tra-vu-roi-may-bay-quan-su-20210705213139874.htm