Philippines, Trung Quốc đạt thỏa thuận về hoạt động tiếp tế ở Bãi Cỏ Mây

Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, nước này và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận tạm thời về hoạt động tiếp tế cho nhóm lính đồn trú trên con tàu gỉ sét ở Bãi Cỏ Mây.

Tàu chiến cũ BRP Sierra Madre neo đậu ở Bãi Cỏ Mây. (Ảnh: Reuters)

Tàu chiến cũ BRP Sierra Madre neo đậu ở Bãi Cỏ Mây. (Ảnh: Reuters)

Bộ Ngoại giao Philippines không cung cấp thông tin cụ thể về thỏa thuận, nhưng cho biết đây là kết quả đạt được sau “các cuộc thảo luận thẳng thắn và mang tính xây dựng” giữa hai bên theo cơ chế tham vấn song phương hồi đầu tháng này.

“Hai bên tiếp tục nhận thấy sự cần thiết phải giảm leo thang tình hình ở Biển Đông và giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời nhất trí thỏa thuận sẽ không gây phương hại đến quan điểm của nhau ở Biển Đông”, thông cáo đưa ra ngày 21/7 của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa phản hồi đề nghị bình luận về thông tin này.

Manila chủ ý neo đậu còn tàu chiến cũ Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây từ năm 1999 để củng cố yêu sách của họ, đồng thời duy trì một nhóm lính đồn trú ở đó.

Ngày 21/7, các quan chức an ninh Philippines cho biết nước này sẽ tự thực hiện các nhiệm vụ tiếp tế, dù nhận được lời đề nghị giúp đỡ của Mỹ.

Trước đó, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết, Mỹ “sẽ làm những gì cần thiết” để đảm bảo đồng minh của nước này ở Đông Nam Á có thể tiếp tế cho tàu Sierra Madre.

Người đồng cấp Philippines Eduardo Ano cho biết, việc tiếp tế sẽ vẫn là "hoạt động thuần túy của Philippines".

“Vào thời điểm này chưa cần bất kỳ sự tham gia trực tiếp nào của lực lượng Mỹ vào nhiệm vụ RORE (tiếp tế)”, ông Ano nói.

Trong mấy năm qua, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc ở khu vực Bãi Cỏ Mây ngày càng nóng lên, với hàng loạt vụ chạm trán giữa lực lượng công vụ hai nước. Tháng trước, một lính Philippines bị thương trong cuộc đụng độ mà Manila cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc cố ý đâm vào tàu của Philippines với tốc độ cao.

Người phát ngôn của quân đội Philippines cho biết Philippines “sẽ dùng mọi biện pháp trước khi tìm kiếm sự tham gia của nước ngoài” vào nhiệm vụ tiếp tế của họ.

Manila và Washington ràng buộc bởi Hiệp ước phòng thủ chung từ năm 1951. Hiệp ước này có thể được kích hoạt trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang nhằm vào binh lính, tàu hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông.

Bình Giang

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/philippines-trung-quoc-dat-thoa-thuan-ve-hoat-dong-tiep-te-o-bai-co-may-post1656889.tpo