Philippines xóa nợ hơn 1 tỉ USD cho nông dân để thúc đẩy sản xuất lương thực
Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr. đã ký đạo luật xóa khoản nợ trị giá 57,56 tỉ peso (gần 1,03 tỉ USD, tức gần 24.161 tỉ đồng) liên quan tiền sử dụng đất cho hơn 600.000 nông dân nước này, nhằm thúc đẩy sản xuất lương thực.
Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr. ngày 7-7 đã ký đạo luật xóa khoản nợ trị giá 57,56 tỉ peso (gần 1,03 tỉ USD, tức gần 24.161 tỉ đồng) liên quan tiền sử dụng đất cho hơn 600.000 nông dân nước này, nhằm thúc đẩy sản xuất lương thực, theo hãng tin AFP.
Cụ thể, Đạo luật giải phóng nông nghiệp mới sẽ miễn trừ tất cả khoản nợ về đất cho những nông dân đã nhận đất của chính phủ và được yêu cầu thanh toán trong thời hạn 30 năm theo chương trình cải cách ruộng đất năm 1988 nhưng không có khả năng thanh toán.
Vào năm 1988, Philippines đã phân bổ khoảng 4,8 triệu ha đất (tương đương 16% diện tích nước này) cho 3 triệu nông dân không sở hữu đất.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết đạo luật ở dinh tổng thống, ông Marcos nói: “Chúng tôi biết những người nông dân không có điều kiện để trả khoản nợ khổng lồ này. Vì vậy, để chính phủ giải quyết việc này là điều đúng đắn”.
Ông cho biết việc xóa các khoản vay sẽ mang lại lợi ích cho hơn 610.000 người, đồng thời nhấn mạnh rằng chính phủ của ông “đang làm mọi thứ để nuôi sống người dân”.
Bên cạnh đó, chính phủ Philippines cũng sẽ chi thêm 206 triệu peso (3,6 triệu USD, khoảng 87 tỉ đồng) để bồi thường cho những chủ sở hữu đất đã chuyển giao tài sản cho người khác.
Ngoài vai trò tổng thống, ông Marcos còn đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines. Ông cho biết cho biết sự việc xóa nợ nhằm “giúp các trang trại hoạt động hiệu quả hơn và cải thiện cuộc sống của nông dân”.
Nhà lãnh đạo Philippines cũng cam kết sẽ thúc đẩy canh tác, đẩy nhanh việc giải quyết các vụ án nông nghiệp và đào tạo các thế hệ nông dân trẻ nhằm “hồi sinh ngành nông nghiệp” nước này.
Philippines đã lâm vào tình trạng thiếu hụt lương thực từ năm 2022. Vào tháng 1 năm nay, giá lương thực tăng cao do thiếu hụt nguồn cung đã đẩy lạm phát ở quốc gia này lên mức cao nhất trong 14 năm.