Phim ảnh về văn hóa dân tộc: Đặt 'điểm nhìn' ở đâu để 'đúng, trúng, hay?'
Theo các chuyên gia, để thực hiện một bộ phim chuẩn chỉnh về văn hóa dân tộc, nhà làm phim cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng về phong tục, tập quán, cách thực hành tâm linh tín ngưỡng của đồng bào.
Người Dao mặc lễ phục khi đi chăn trâu, đãi khách trong bếp, phụ nữ ngồi quay lưng vào bàn thờ, nam giới mặc yếm nữ… là những “hạt sạn” được giới chuyên môn và cộng đồng người Dao “nhặt ra” trong bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ” mới lên sóng “giờ vàng” VTV.
Một sản phẩm văn hóa nhiều 'sạn'
“Đi giữa trời rực rỡ” là câu chuyện về Pu, một cô gái người Dao luôn khao khát được học đại học, được bước ra thế giới chứ không quanh quẩn mãi ở ruộng nương, rồi lấy chồng sớm như nhiều bạn bè cùng lứa.
Bộ phim từng được kỳ vọng là một dự án có nhiều mới mẻ, đột phá, với những cảnh quay hùng vĩ và nên thơ của thiên nhiên vùng cao kết hợp với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Dao.
Song, ngay từ tập đầu tiên, chị Ma Thị Luyến, người Dao Tuyên Quang cư trú ở Tây Nguyên đã nhận thấy những “hạt sạn” lớn, sai hoàn toàn với cách người Dao thực hành văn hóa.
Theo chị Luyến, nhân vật nữ mặc lễ phục người Dao, tương tự áo dài lễ phục của người Kinh, đi chăn trâu. Nhân vật Chải (nam chính) đeo yếm nữ nhảy múa. Đó là những điều không hợp lý trong văn hóa người Dao.
“Dân tộc Dao có hơn 25 loại hình trang phục khác nhau của các nhóm dân tộc. Sự đa dạng ấy của người Dao xứng đáng được tôn vinh ở góc nhìn bản sắc, góc nhìn tích hợp các sáng tạo trong lịch sử của tiền nhân. Bản thân người Dao cũng như nhiều dân tộc khác, có sự phân biệt rành mạch giữa thường phục, lễ phục, chứ không bao giờ tùy tiện sử dụng lễ phục trong lao động và thường phục trong các kỳ lễ hội,” chị Luyến cho hay.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về vấn đề này, Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng, Ủy viên Ban thường vụ Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Trưởng Ban đại diện nhóm "Người Dao Việt Nam-Gắn kết từ bản sắc" chỉ ra nhiều lỗi sai về mặt văn hóa trong bộ phim. Chẳng hạn như các nhân vật mặc bộ áo có ngù bông màu đỏ là lễ phục đi chăn trâu, đi làm đồng là không hợp lý. Người Dao cũng không có quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường. Nếu không có con trai thì họ đổi họ cho con rể để thành con trai của mình.
Ông thông tin thêm rằng người Dao không đãi khách trong bếp, cũng không xưng hô "mày-tao" với cán bộ giống trên phim.
Cùng quan điểm đó, nhà nghiên cứu Dương Thị Thanh, cộng tác viên của Viện Nghiên cứu người Dao quốc tế, Đại học Nagakawa (Nhật Bản) cho rằng bộ phim đang có nhiều lỗi sai về mặt trang phục, lối sống, ngôn ngữ và tâm linh tín ngưỡng của người Dao.
Bà Thanh lưu ý người Dao là một dân tộc tiến bộ và văn minh. Họ có chữ viết, giỏi về nghề thuốc, họ cũng có một cộng đồng kết nối rất mạnh trên thế giới. Bà cho rằng nhà làm phim không nên áp đặt điểm nhìn của mình để nhìn văn hóa của cộng đồng dân tộc.
Hiện bộ phim đã phát sóng tập 6, dự kiến sẽ có hơn 100 tập. Nhà nghiên cứu Dương Thị Thanh cho rằng nhà sản xuất và VTV nên tạm dừng bộ phim để chỉnh sửa cho phù hợp với văn hóa và tôn giáo của người Dao, “không nên để câu chuyện về những sai lệch đi quá xa.”
'Làm đúng trước, làm đẹp sau'
Lâu nay, phim Việt giờ vàng trên VTV thường xoay quanh đề tài hôn nhân-gia đình, hình sự, nông thôn, vì vậy, một bộ phim dài hơi về cuộc sống của đồng bào dân tộc miền núi, thể hiện qua “lát cắt” ước mơ, cuộc sống của giới trẻ đang rất được kỳ vọng. Đáng tiếc, phim lại vấp phải sự phản đối của chính cộng đồng người Dao, chủ thể văn hóa được phản ánh trong đó.
Vậy, cần có giải pháp như thế nào để các nhà làm phim triển khai dự án của mình một cách đúng đắn, thể hiện sự tôn trọng và hiểu biết đối với văn hóa dân tộc?
Bà Triệu Mùi Say, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc, từng chỉ ra rằng việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của tộc người Dao đang gặp nhiều khó khăn. Lý do là các nghệ nhân, người am hiểu, cử hành được những nghi lễ ngày càng ít đi. Một bộ phận lớp trẻ người Dao lại thờ ơ với văn hóa truyền thống. Nhiều nghi lễ được giản tiện, để tiết kiệm thời gian, chính vì vậy mà ý nghĩa giáo dục, truyền tải văn hóa tộc người đến cộng đồng bị hạn chế.
Trong các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, nhiều người không hiểu rõ văn hóa các dân tộc thiểu số thường chắp vá lung tung, “râu ông nọ cắm cằm bà kia,” thậm chí một bộ trang phục dùng nhiều hoa văn của nhiều dân tộc.
Bà Triệu Mùi Say nhìn nhận nỗ lực và thiện chí của đội ngũ sản xuất phim “Đi giữa trời rực rỡ” khi đề cập đến văn hóa dân tộc Dao, cụ thể là nhóm Dao đỏ huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng và các vấn nạn như: Tảo hôn, trọng nam khinh nữ…
Tuy nhiên, bộ phim đã đụng chạm đến nhiều điều cấm kỵ trong thực hành văn hóa, tín ngưỡng của người Dao như đã phân tích ở trên.
Theo đó, bà Triệu Mùi Say cho rằng nhà làm phim cần xin ý kiến các chuyên gia nghiên cứu ngay từ khâu xây dựng kịch bản.
Cùng chung quan điểm, Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng cho rằng với phong tục truyền thống của đồng bào, êkip nên tìm hiểu, “lăn lộn” thì mới hiểu được. Ngoài ra, phim cần có sự tham gia của các chuyên gia tộc người để văn hóa dân tộc thiểu số được truyền tải không chỉ đẹp mà đúng, để cộng đồng chủ thể văn hóa nhận ra mình, nhận là tác phẩm văn học nghệ thuật này là của mình mà quan tâm tới tác phẩm đó.
Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng cho biết khi làm phim về đề tài dân tộc thiểu số, ngoài tư duy hình ảnh, êkip cần có thêm các kiến thức tối thiểu về dân tộc học (các phong tục đặc trưng, các cấm kỵ cơ bản trong đời sống-phong tục…).
"Có thể, khi quay, êkip đã hỏi người dân sở tại nhưng người dân quan niệm rằng họ được đóng phim, tức là làm ‘giả vờ’ nên mới có những hình ảnh sai lệch như vậy,” Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng nói.
Theo ông Năng, trong nghiên cứu dân tộc học, để hoàn thành một sản phẩm nghiên cứu luôn cần đến các thao tác: Quan sát, tham dự, ghi chép, chụp ảnh, quay phim và phỏng vấn…, sau đó mang hình ảnh, video hỏi lại các thầy cúng và cộng đồng thì mới có những kiến giải chuẩn xác được.
“Người Dao cư trú ở nhiều quốc gia trên thế giới: Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Myanmar và cả ở Mỹ… Do đó, việc xây dựng các tác phẩm chuẩn xác trên các kênh truyền thông chính thống là vô cùng quan trọng,” ông Năng nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Chu Triều Đương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Cao Bằng, người Dao ở Nguyên Bình (Cao Bằng), cho rằng các nhà làm phim cần thận trọng nghiên cứu phong tục tập quán, hỏi rất kỹ chuyên gia từ khâu xây dựng kịch bản đến khi thực hiện, không nên áp đặt lối sống, phong tục của dân tộc này vào dân tộc khác.
“Tất nhiên tác phẩm văn học nghệ thuật, phim ảnh cần có sự bay bổng, cần có yếu tố thẩm mỹ, song nhà sản xuất cần tôn trọng sự thật trước tiên, nếu không yếu tố nghệ thuật chưa đạt mà yếu tố nội dung thì sai. Chúng ta cần làm đúng trước, làm đẹp sau,” ông Đương nói./.
Bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ” dự kiến bao gồm 110 tập, mỗi tập sẽ kéo dài khoảng 35 phút. Phim phát sóng lúc 20h00 thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần trên kênh VTV3. Phim có sự tham gia của nhiều diễn viên kỳ cựu: Nghệ sỹ Ưu tú Đức Khuê, Nghệ sỹ Ưu tú Hoàng Hải; và các diễn viên trẻ: Thu Hà Ceri (vai Pu), Long Vũ (vai Chải), Võ Hoài Vũ (vai Quang), Vương Anh Ole (vai Thái).
Trước phản ứng của cộng đồng người Dao và giới chuyên môn, SK Pictures - đơn vị sản xuất phim cho biết sẽ trả lời bằng văn bản.