Phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối: Bản hùng ca về chiến tranh nhân dân
Phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được chiếu ở các cụm rạp trên cả nước trong những ngày tháng 4 lịch sử đang nhận được nhiều lời ngợi khen của khán giả yêu phim Việt.

Một cảnh trong phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Ảnh: TL
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối lấy bối cảnh của năm 1967, khi chiến tranh Việt Nam đang diễn ra ác liệt. Tại Củ Chi, Đội Du kích Bình An Đông với 21 con người quả cảm, là những nông dân chân chất, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chiến trường của họ chủ yếu ở trong lòng đất, chật hẹp, tăm tối nhưng đó chính là nơi ra đời của những kế hoạch, trận đánh khiến đế quốc Mỹ phải khiếp đảm, run sợ.
Địa đạo là chiến tranh nhân dân
Khác với phim về đề tài chiến tranh, lịch sử có bối cảnh hoành tráng trước đây, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chọn địa đạo Củ Chi cho bộ phim mà ông thai nghén trong 10 năm. Khi trả lời báo chí về lý do chọn Củ Chi, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, ông bị ám ảnh bởi cuộc chiến trong lòng đất nơi đây khi những người nông dân ở Củ Chi đã đào hàng trăm km địa đạo và nhờ có địa đạo, họ đã chiến đấu chống lại một kẻ thù hùng mạnh gấp trăm lần. Nhưng để làm phim về địa đạo không đơn giản, đoàn làm phim đã mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu, lựa chọn bối cảnh sao cho chân thật nhất dù phải đầu tư nhiều kinh phí. Và Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đã làm được điều này.
Suốt 128 phút của bộ phim, hầu hết đều là những cảnh quay trong địa đạo. Ở đó, Đội trưởng du kích Bảy Theo (diễn viên Thái Hòa thủ vai) thường xuyên gặp gỡ, bàn bạc kế hoạch tác chiến với cấp trên và trực tiếp chỉ huy du kích ở từng nhiệm vụ. Cuộc sống của 21 con người dưới lòng đất có đủ cung bậc cảm xúc, từ rưng rưng xúc động khi được chú Sáu (Nghệ sĩ Ưu tú Cao Minh đóng) động viên, quan tâm, truyền cảm hứng, khi rộn rã tiếng cười, đến sợ hãi, tức giận… Nhưng dù là ở trạng thái cảm xúc nào thì ở nơi lòng đất tối tăm, tình yêu nước vẫn nồng nàn. Họ sẵn sàng nhận nhiệm vụ của cấp trên kể cả khi không biết nhiệm vụ ấy chính xác là gì.
Trong địa đạo, những du kích tự chế tạo vũ khí, tìm cách đánh để tránh tổn thất khi đối diện với trang thiết bị, vũ khí tối tân của giặc. Đó là Tư Đạp (diễn viên Quang Tuấn đóng) - nguyên mẫu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tô Văn Đực - người được mệnh danh “cỗ máy phá tăng”. Chỉ bằng những chất liệu rất thô sơ nhưng Tư Đạp đã chế ra mìn gài, mìn giật chống tăng, súng trường và súng ngắn, giúp đội du kích nhiều phen khiến giặc Mỹ khiếp đảm.
Chú Sáu khi bị bắt trước hầm địa đạo đã bình thản kể với bọn địch rằng: “Chắc tụi bây không biết sức mạnh của Việt Cộng là ở đâu phải không? Trước tụi bây là tụi thực dân Pháp, cũng tàu to súng lớn thiện chiến lắm…, nhưng đánh nhau lúc nào và như thế nào là do tụi tao quyết định. Biến hóa khôn lường. Chiến tranh nhân dân, địa đạo là chiến tranh nhân dân. Tụi bây không cách chi thắng được”.
Là một bộ phim về đề tài chiến tranh lịch sử nhưng Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối không sử dụng ngân sách nhà nước, mà hoàn toàn do tư nhân đầu tư. Phim được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên ấp ủ kịch bản trong 10 năm, trải qua nhiều lần chỉnh sửa kịch bản trước khi chính thức bấm máy vào tháng 2-2024.
Chân thật và trần trụi
Xem Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, khán giả cảm nhận được rõ nét sự chân thật, trần trụi từ câu chuyện, từng bối cảnh đến các nhân vật trong phim. Theo tiết lộ của Nghệ sĩ Ưu tú Cao Minh, tất cả các cảnh bom đạn, địa đạo, khói lửa… trong phim đều được làm thật nhằm tạo hiệu ứng tốt nhất, sát thực với lịch sử nhất. Bên cạnh đó, các diễn viên phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của đạo diễn, giảm ký, nhuộm da, hóa trang lem luốc, tham gia huấn luyện trong quân đội để nhập vai thuần thục.

Nghệ sĩ Ưu tú Cao Minh (giữa) - người thủ vai chú Sáu trong phim, chụp ảnh giao lưu với khán giả tại rạp Beta Biên Hòa. Ảnh: M.Ngọc
Khó khăn, vất vả là thế nhưng theo chia sẻ của các diễn viên tham gia phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, ai cũng muốn được nhận vai vì kịch bản phim quá hay và ý nghĩa. Như diễn viên Quang Tuấn, anh đã phải giảm 14kg, da đen đúa để vào vai Tư Đạp. Hay diễn viên Hồ Thu Anh, vai nữ du kích Ba Hương, là một người mẫu nhưng không ngại lăn xả vì vai diễn. Ba Hương đã mang đến cho cô nhiều trải nghiệm thú vị khi được hóa thân thành một nữ du kích lì lợm, thông minh và cũng rất tình cảm. Cô và Tư Đạp có tình cảm với nhau, nhưng trong chiến tranh, giữa làn ranh của sự sống và cái chết, tình yêu của họ chỉ là ánh nhìn trìu mến, cái nắm tay vội vàng. Thế nhưng, tình yêu ấy có lúc đã bùng lên mãnh liệt, dữ dội ở thời khắc mà bom rơi, đạn nổ liên hồi. Họ yêu như không cần biết bên ngoài đang xảy ra chuyện gì và chưa biết ngày mai còn sống hay sẽ chết.
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối còn có những cảnh quay lãng mạn ở trên địa đạo, khi im tiếng súng. Tiếng ca của Út Khờ gợi nhớ bao ký ức về đất và người Nam Bộ hay những phút giây đùa giỡn, vui cười hiếm hoi giữa những trận càn của địch trong lòng đất.
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối cũng phơi bày sự thật trần trụi về chiến tranh khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong tích tắc. Có quyết tâm đánh giặc nhưng cũng có những phút giây sợ hãi, yếu mềm. Có lời chửi tục, chửi thề của Bảy Theo, nhưng cũng có những lời động viên ngọt ngào từ chú Sáu.
Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là một bộ phim lịch sử, dù không thật sự hoành tráng và một số phân đoạn còn có những ý kiến khác nhau, nhưng xem phim để thấy được mức độ tàn khốc của chiến tranh và những hy sinh của người nông dân cầm súng ra chiến trận cho hòa bình, độc lập ngày hôm nay.