Phim kinh dị Việt được đầu tư hơn 5 triệu USD, kỳ vọng đem về doanh thu gấp 10 lần
'Mật mã ma đói' là dự án phim điện ảnh kinh dị do đạo diễn Lương Đình Dũng thực hiện với kinh phí sản xuất lên tới 5,3 triệu USD. Phim được tiết lộ là có sự phối hợp giữa nhà đầu tư Việt Nam với đối tác nước ngoài.
Theo tiết lộ mới nhất từ nhà sản xuất thì "Mật mã ma đói" (tên tiếng Anh "Hunger: The Code 45) sẽ được khởi quay vào năm 2022 tại Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác. Phim có sự tham gia của nhiều nhà làm phim Việt Nam, Hàn Quốc, Mỹ, Estonia, Nhật Bản, dự kiến sẽ được phát hành cùng lúc tại các thị trường phim ảnh lớn trên thế giới.
Đặc biệt với kinh phí đầu tư "khủng" lên tới 5,3 triệu USD, bộ phim được kỳ vọng sẽ đem về doanh thu gấp 10 lần, vào khoảng 50 triệu USD sau khi công chiếu, trở thành điểm sáng của điện ảnh Việt Nam trong dòng chảy điện ảnh quốc tế mỗi khi nhắc tới dòng phim kinh dị.
Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ, anh thai nghén kịch bản bộ phim này từ cách đây 3 năm và đã gặp gỡ thảo luận với nhiều nhà làm phim kinh dị ở một s thị trường quốc tế trước khi quyết định bắt tay hợp tác và triển khai sản xuất. Đây cũng là lần đầu tiên anh thử sức với thể loại phim kinh dị với mong muốn không chỉ tạo ra một bộ phim “dọa” người xem đơn thuần bằng âm thanh hay hình ảnh, mà còn mang lại những nỗi sợ hãi chứa đựng thông điệp ý nghĩa về cuộc sống.
Cũng theo đạo diễn Lương Đình Dũng, phim được xây dựng dựa trên một kịch bản lớn và cực kỳ phức tạp với mục tiêu đặt ra là chinh phục được thị trường quốc tế, đạt doanh thu cao. Vì vậy việc có một êkip quốc tế phối hợp trong mọi khâu là điều cần thiết để đảm bảo cho bộ phim đạt được tiêu chí chất lượng cũng như một số yêu cầu khắt khe khác của điện ảnh quốc tế, bên cạnh việc chinh phục khán giả trong nước. Để làm được điều này, một trong những bài toán được êkip đặt ra là làm sao vừa đảm bảo được yếu tố phương Đông, vừa tiếp cận được đông đảo khán giả ở khắp nơi trên thế giới. Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, trong dự án này, anh chỉ đảm nhận vai trò biên kịch kiêm đạo diễn, song bản thân câu chuyện đã mang chất bí ẩn của phương Đông nên anh không cần cố giữ thì chất liệu đó đã đủ đậm đặc, tạo nên nét riêng khi đến với khán giả.
“Nhà sản xuất đã tìm ra khe hở bí ẩn cực hiếm còn sót lại trong dự án phim này để chúng tôi thấy đây là một dự án cần đầu tư lớn.” - một nhà sản xuất phim quốc tế phát biểu khi quyết định tham gia cùng đầu tư cho dự phim này.
Theo thông tin từ đơn vị sản xuất thì "Mật mã ma đói" khai thác một câu chuyện nguyên bản, một ý tưởng hoàn toàn mới, độc đáo nhưng cuốn hút, thần bí gây tò mò về một thế giới kinh dị vùng đất phương Đông - nơi từ lâu nay vẫn được cho là ẩn chứa nhiều câu hỏi chưa có lời giải đối với khán giả toàn thế giới. Ở đó, hình tượng "ma đói" lần đầu tiên được khai thác trên phim ảnh.
Những thước phim xoay quanh biến cố của một gia đình khi họ quyết định dành cả mùa hè để tham gia vào chuyến du lịch khám phá con tàu bỏ hoang. Chuyến đi tưởng chừng vui vẻ lại hóa địa ngục kinh hoàng khi những người trên tàu bắt đầu có những biểu hiện kỳ lạ. Muốn sống sót, họ bắt buộc phải tìm ra quy luật khắc nghiệt phía sau, và đó cũng là lúc họ nhận ra một chuyện kinh khủng đang ẩn chứa sau đó.
Đạo diễn Lương Đình Dũng đứng sau các dự án điện ảnh lớn như: “Cha cõng con” – đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự giải Oscar lần thứ 90. Giải “ Phim châu Á xuất sắc nhất” tại LHP quốc gia Iran lần thứ 36, giải thưởng kịch bản xuất sắc nhất tại LHP Quốc gia Việt Nam, phim được chiếu nhiều LHF hạng A và được chiếu gần 20 quốc gia
Anh cũng được mời tham gia với vai trò cố vấn quốc tế về nội dung phim tại LHF Black Nights, Giám khảo LHF Quốc tế Pune (Ấn Độ). Giams khảo LHF Quốc gia Việt Nam lần thứ 22.
Đạo diễn Lương Đình Dũng không ngần ngại bày tỏ, anh chọn đề tài phim kinh dị còn bởi sức hút rất lớn về lợi nhuận mà dòng phim này có thể mang lại. Theo đó các phim thuộc dòng này luôn nằm trong Top các tác phẩm điện ảnh mang về doanh thu cao cho nhà sản xuất, mặc dù chi phí đầu tư có thể không quá cao, ví dụ như: “Ringu” (Vòng tròn ác nghiệt) có doanh thu lên tới 137 triệu USD trong khi kinh phí sản xuất chỉ khoảng 1,2 triệu USD; “The blair witch project” ( Phù thủy rừng Blair) đạt thành công bất ngờ với doanh thu 248 triệu USD trong khi kinh phí sản xuất chỉ vỏn vẹn 60 nghìn USD); “Saw” (Lưỡi cưa) có doanh thu lên tới 103,9 triệu USD, gấp nhiều lần so với kinh phí sản xuất ban đầu là 1,2 triệu USD…
Nói thêm về việc thực hiện dự án phim này, đại diện êkip sản xuất chia sẻ, con người sinh ra ai cũng có nỗi sợ, đó là bản năng, nhưng ngược đời ở chỗ càng sợ thì người ta lại càng tò mò. Đây chính là lý do dòng phim kinh dị luôn lọt Top phim được khán giả trên thế giới yêu thích vì họ có thể trải nghiệm nỗi sợ ấy trên màn ảnh, chân thực nhưng vẫn có thể trở về nhà an toàn sau khi bộ phim kết thúc. Việt Nam tiềm ẩn những hấp dẫn kỳ bí có thể tạo ra những câu chuyện điện ảnh đến với khán giả quốc tế như một số quốc gia châu Á có phát triển điện ảnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Cùng với sự thành công về doanh thu, các dự án phim này đã trở thành niềm tự hào của điện ảnh một quốc gia. Nếu biết kết hợp cùng sự sáng tạo thì các nhà làm phim Việt Nam hoàn toàn có khả năng đem tới một câu chuyện mang đậm bản sắc Việt, có yếu tố bản địa và có độ lan tỏa cao.
Nằm trong tầm nhìn chiến lược mang đầy khát vọng này, “Mật mã 45: Ma đói” (Hunger: The Code 45) là dự án tiên phong trong chuỗi các phim kinh dị giả tưởng với slogan xuyên suốt: “Món quà sợ hãi được chuyển phát bí ẩn từ phương Đông đến khán giả”.
Với việc khai thác đề tài về ma đói, đạo diễn Lương Đình Dũng cũng tin rằng anh đã tìm ra khoảng trống lớn trong địa hạt đề tài phim kinh dị để đưa bộ phim của mình vào đó. Trên thực tế, các bộ phim làm về đề tài trong khu vực châu Á nói riêng và cả thế giới nói chung đã khai thác rất nhiều hình tượng nhân vật “ma” kinh điển khiến người xem ám ảnh: từ ma cà rồng, ma búp bê, quỷ dữ… song hình tượng ma đói thì hầu như chưa được khai thác một cách trực diện trên phim ảnh.