Phim 'Kỳ án trên đồi tuyết: Một cuộc 'giải phẫu' hôn nhân
Ta có gì trong tình yêu? Ta còn gì trong hôn nhân? Tôi đã tự hỏi như vậy bao nhiêu lần trong suốt thời gian xem phim. 'Kỳ án trên đồi tuyết' (tựa gốc: Anatomy of a Fall) đối với tôi là bộ phim hay.
Một bộ phim quá nhiều lớp lang ẩn dụ - ý nghĩa, chạm mạnh đến nhiều vấn đề tôi trăn trở. Tất nhiên, thêm một phần rất lớn khiến tôi yêu thích bộ phim chính là việc hai nhân vật trong phim đều là những nhà văn.
Ở bài viết này, tôi chỉ xin được viết về một khía cạnh nhỏ nhưng xuyên suốt và gây đau đáu đối với bất kì người xem nào. Đó là mối quan hệ giữa vợ và chồng trong một cuộc hôn nhân.
Bộ phim của đạo diễn Justine Triet bắt đầu từ một cái chết của người chồng, ở một căn nhà gỗ hẻo lánh. Người vợ trở thành nghi can duy nhất. Cô bị điều tra, ra tòa và đối diện với nhiều câu hỏi khó khăn. Từ những điều tra ấy, từng lớp của câu chuyện bắt đầu được bóc tách.
Dưới vẻ ngoài là một cuộc hôn nhân hạnh phúc, thì hai người họ có gì? Những vấn đề về trách nhiệm, tài chính, sự nghiệp… đã khiến hai vợ chồng họ sống trong mâu thuẫn triền miên.
Dưới mặt nước bình lặng, sóng dữ dội hơn bao giờ hết. Phân cảnh hay nhất phim, cũng là phân đoạn căng thẳng, trần trụi phơi bày cuộc sống hôn nhân của cặp đôi. Ở đầu phim, tôi từng nghĩ người chồng thật bất hạnh, bởi anh không có được sự ủng hộ của vợ trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp.
Xem thêm nữa, tôi mới nhận ra, rốt cuộc họ đều là hai kẻ bất hạnh trong cuộc hôn nhân bắt đầu bằng tình yêu của chính mình. Họ từng yêu nhau đến mức bất chấp khoảng cách địa lý xa xôi, bất chấp sự khác biệt về mặt quan điểm… để đến với nhau.
Vào thời khắc đó, hai người tin tưởng rằng, tình yêu sẽ làm lành mọi thứ, làm hài hòa mọi thứ. Thế nhưng, rốt cuộc chỉ có bất hạnh đến bi thương.
Tôi xem "Kỳ án trên đồi tuyết" là một cuộc "giải phẫu" không khoan nhượng. Nó buộc người xem phải nhìn thẳng vào nỗi bất an trong hôn nhân. Nó không tô hồng bất cứ một chi tiết nào. Nhiều người cho rằng bộ phim nặng về nữ quyền. Tôi thì suy nghĩ hoàn toàn ngược lại.
Tôi cho rằng, đạo diễn Justine Triet vốn không đưa ra một khẳng định nào trong bộ phim của mình. Cô chỉ đơn giản đưa cho người xem một câu chuyện và để mỗi người tự có đoán định của riêng mình.
Các nhân vật trong phim ai cũng có tiếng nói của mình. Người chồng - người vợ, họ đều được đưa ra những lời biện giải nhưng họ đều thất bại. Họ thất bại trong việc tìm thấy kết nối thực sự của hôn nhân.
Tôi đoán có nhiều người xem sẽ có gặp gỡ với bộ phim ở khía cạnh này. Họ có thể thấy họ trong hình ảnh người vợ, hoặc người chồng. Hoặc họ thấy chính gia đình mình phản chiếu trong câu chuyện của hai nhân vật trong phim.
Cuối cùng, mọi nỗ lực để yêu thương, thấu hiếu, chia sẻ đều không có kết quả. Có người chọn dừng lại, có người chọn tiếp tục trong khi tình yêu thực sự ở cả hai tình huống đều đã cạn nguồn.
Một bộ phim thực sự khiến tôi vừa yêu vừa sợ. Nó khơi dậy những mối bất an, sợ hãi, đồng thời nó cũng gieo vào trong ta một chút hi vọng về việc tiếp tục sống. Dù bằng cách này hay cách khác, dù cuộc sống thật trớ trêu nhưng chúng ta vẫn có thể tiến về phía trước.
Như người vợ trong bộ phim, dù cho cô ấy đã kiệt sức nhưng cô ấy có cậu con trai thân yêu và chú chó nhỏ bên cạnh làm bạn. Hai nhân vậy ấy cũng chính là điểm sáng, nâng đỡ, an ủi tinh thần tôi suốt chiều dài theo dõi bộ phim.
Bộ phim "Kỳ án trên đồi tuyết" của Justine Triet nhận Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes, tháng 5/2023.