Phim Nhà nước đặt hàng: Giải pháp nào để phát hành rộng rãi

Từ thành công của bộ phim 'Đào, phở và piano' với doanh thu gần 21 tỷ đồng sau hơn 2 tháng công chiếu, việc phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước tiếp tục được 'xới xáo', thúc đẩy cơ quan quản lý có những cơ chế phù hợp giải quyết điểm nghẽn này.

Từ thành công của bộ phim "Đào, phở và piano" với doanh thu gần 21 tỷ đồng sau hơn 2 tháng công chiếu, việc phát hành, phổ biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước tiếp tục được “xới xáo”, thúc đẩy cơ quan quản lý có những cơ chế phù hợp giải quyết điểm nghẽn này. Đâu là giải pháp để các bộ phim do Nhà nước đặt hàng được phát hành rộng rãi trên toàn quốc? Bước đi nào để những bộ phim này không còn mang danh “chiếu xong cất kho” hay “ra rạp là lỗ”? Các nhà quản lý, chuyên gia điện ảnh đề xuất lời giải cho bài toán này.

Phim "Hà Nội mùa đông năm 46"

Phim "Hà Nội mùa đông năm 46"

Trung bình từ năm 2020 đến nay, mỗi năm Nhà nước đặt hàng 2-3 phim truyện, 30 phim tài liệu, khoa học và gần 20 phim hoạt hình để phục vụ nhiệm vụ chính trị kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước từ nguồn ngân sách Nhà nước. Từ năm 2011 đến năm 2022, ngân sách Nhà nước cấp cho đặt hàng sản xuất phim và tài trợ phổ biến phim trung bình là 65.6 tỉ/năm (trong đó có 500 triệu đồng dành cho việc in các bản phim, tuyên truyền phục vụ các tuần phim, làm phụ đề và in bản phim…). Khoản ngân sách này không dành cho việc quảng bá một tác phẩm.

Tính riêng năm 2023, kinh phí sản xuất và tài trợ phổ biến phim Nhà nước cấp là 98 tỉ trong đó có 500 triệu đồng dành cho tài trợ phổ biến phim để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, kinh phí dành riêng cho công tác quảng bá, phát hành phim lại chưa được quy định. Theo đạo diễn Đào Thanh Hưng, sẽ rất đáng tiếc khi một tác phẩm Nhà nước đặt hàng có kinh phí sản xuất lớn, chất lượng tốt nhưng lại hạn chế trong khâu phát hành.

Đạo diễn Đào Thanh Hưng chia sẻ: “Nhà nước phải thực sự chú trọng và đầu tư về mặt tiền bạc, về chiến lược để các bộ phim đó chạm được đến đông đảo khán giả hơn.Đầu tiên là vấn đề đầu tư, các cụm rạp hoặc các hệ thống phát hành của Nhà nước phải được chú trọng, được xây dựng đầu tư. Thứ hai, đầu tư về ngân sách trong quá trình phát hành. Mình sẽ tuyên truyền bộ phim như thế nào trên các phương tiện thông tin đại chúng hay là ra mắt báo chí ra sao trên mạng xã hội. Phần thứ ba, là sự kết hợp, mình có thể bắt tay vào ngay những hệ thống rạp của các đơn vị ngoài quốc doanh hay là những đơn vị tư nhân để phát hành rộng rãi ngay từ ban đầu”.

Phim "Bình minh đỏ"

Phim "Bình minh đỏ"

Để tháo gỡ những khó khăn cho việc phát hành, phổ biến, quảng bá phim sử dụng ngân sách Nhà nước, theo bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục điện ảnh, Cục đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho thí điểm cơ chế chi trả cũng như xây dựng một khung cơ chế rõ ràng, nguồn ngân sách cụ thể về phổ biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước.

Bà Lý Phương Dung nói: “Chúng tôi có 3 kiến nghị. Thứ nhất là đề xuất có quy định kết hợp được sản xuất phim từ nguồn ngân sách Nhà nước với nguồn xã hội hóa. Chúng ta rất thiếu các quy định về câu chuyện xã hội hóa, thành ra từ năm 2015 đến nay, xã hội hóa sản xuất phim cũng đang bị dừng lại. Thứ hai là câu chuyện phát hành và phổ biến phim nói chung. Chúng tôi tiếp tục có đề xuất một nghị định về phát hành phổ biến, trong đó có phổ biến phim từ ngân sách Nhà nước. Nội dung thứ ba, là quy định nguồn ngân sách để cấp cho phát hành phổ biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước. Các đơn vị phát hành phổ biến phim cả nước nói chung, các cơ sở điện ảnh có chức năng phát hành phổ biến phim sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để họ hỗ trợ cho việc phát hành phổ biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước”.

Các chuyên gia điện ảnh cũng cho biết, xu hướng xã hội hóa trong phát triển điện ảnh là phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Luật Điện ảnh hiện hành cũng đề cập đến xã hội hóa trong sản xuất phim do Nhà nước đặt hàng nhưng trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật lại chưa có quy định cụ thể nào về xã hội hóa. Để rồi sự thành công của bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”- tác phẩm do Nhà nước đặt hàng và trực tiếp mời đạo diễn Victor Vũ thực hiện, từng là điểm sáng trong xu hướng xã hội hóa đã tạm dừng từ năm 2015. Đây là nút thắt cần được tháo gỡ bằng những cơ chế phù hợp.

Phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"

Phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"

Bên cạnh những ý kiến về cơ chế kết hợp với các đơn vị phát hành tư nhân để quảng bá phim, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đề xuất kênh quảng bá để phim Nhà nước đặt hàng đến gần hơn với khán giả: “Đó là đề xuất với truyền hình. Trước đây sóng truyền hình có dành cho điện ảnh chiều thứ 7, là kênh sóng giới thiệu những phim mới, những bộ phim do các nghệ sĩ điện ảnh làm nhưng sau đấy không biết những lý do gì đã bị giảm đi. Chúng tôi luôn muốn đề nghị sóng truyền hình dành thường xuyên một buổi nào đó một giờ nào đó để các nghệ sĩ điện ảnh, các tác phẩm điện ảnh có thể được phổ biến, phổ cập nhiều hơn với màn ảnh nhỏ, với công chúng, với những người xem màn hình. Nó chính là hiệu quả hữu hiệu để phổ biến phim do Nhà nước đặt hàng đến với công chúng”.

Đầu tư cho sản xuất phim nhưng không đầu tư cho quảng bá, phát hành là không đồng bộ và đây cũng là điểm nghẽn nhiều năm qua trong khâu phát hành phim do Nhà nước đặt hàng. Việc bắt tay với những đơn vị sản xuất phim tư nhân, những đơn vị phát hành có vốn đầu tư nước ngoài không chỉ giúp cân bằng chi phí sản xuất phim mà còn tạo điều kiện để tác phẩm điện ảnh do Nhà nước đặt hàng, đầu tư đến được với số đông công chúng, phát huy được hết những giá trị vốn có.

Thủy Tiên/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/phim-nha-nuoc-dat-hang-giai-phap-nao-de-phat-hanh-rong-rai-post1088969.vov