Phim phát hành online, việc phân loại khán giả thế nào?
Tại các rạp chiếu phim, việc phân loại khán giả đã được thực hiện, vậy với các tác phẩm chiếu online, sẽ được tiến hành thế nào?
Dịch COVID-19 dẫn tới những thay đổi lớn về thói quen và nhu cầu giải trí của khán giả trên toàn thế giới. Do không thể tới rạp, họ tìm tới những ứng dụng xem phim trên mạng.
Tại Việt Nam, trong năm 2020, ứng dụng xem phim online Galaxy Play thực hiện và công chiếu ba phim gồm Thiên Linh Cái – Chuyện chưa kể, Tam Thái Tử và Gái Ngàn Đô. Các phim trên đã thu hút được lượng lớn người xem. Trong năm 2021, ứng dụng sẽ cho ra mắt hơn 20 dự án phim bộ độc quyền.
Điều khiến công chúng băn khoăn là việc phân loại khán giả xem phim. Những bộ phim có nhiều tình tiết giật gân, nhiều cảnh nóng, cảnh hành động đã được gắn mác 18+ và chỉ cho phép những khán giả trên 18 tuổi vào rạp. Tuy nhiên, điều này rất khó thực hiện nếu khán giả xem phim trên ứng dụng online.
Trước thắc mắc này, Bà Lưu Thị Thanh Lan - CEO của ứng dụng xem phim online cho hay: Tất cả các phim phát hành onine đều có kiểm duyệt trước. Một số phim cũng sẽ được gắn mác 18+. Chỉ ít tuần nữa, ứng dụng xem phim online sẽ có chức năng tạo profile cho khán giả. Khi truy cập vào, họ sẽ có một danh sách phim phù hợp với lứa tuổi.
Trần Bửu Lộc, đạo diễn phim Suger Daddy & Sugar Baby được phát hành online cho hay, một số cảnh được coi là nóng trong phim đã được cắt bớt khi trình chiếu online. Tuy nhiên, ê-kíp thực hiện vẫn giữ lại tinh thần của bộ phim để khán giả xem phim có thể cảm nhận được.
Còn Lê Bình Giang, đạo diễn phim Trong màn đêm, không chớp mắt cho hay, các cảnh trong phim của anh khi phát hành online đều không bị cắt: "Khi thực hiện bộ phim, tôi và ê-kíp sản xuất đều đã nghiên cứu kỹ các góc quay để tránh những tình tiết không hợp thuần phong mỹ tục".
Cũng theo đạo diễn này, các phim kinh dị dù phát hành online hay ngoài rạp chắc chắn sẽ bị gắn mác 18+. Là người sáng tạo, anh và các đồng nghiệp phải cố gắng làm cho tới thể loại đó. Khán giả và đơn vị phát hành cần phối hợp với nhau trong việc phân loại người xem.
Trên thế giới thường có xu hướng các nhà sản xuất khi có ý tưởng, họ thường làm những web drama để thu hút khán giả trước. Sau đó dựa vào lượt xem, độ chú ý cao thì họ sẽ làm phim điện ảnh.
Tuy nhiên, theo quan sát của Trần Bửu Lộc, xu hướng này không phù hợp ở Việt Nam. Vị đạo diễn này nói: "Ở Việt Nam, các tác phẩm phim truyền hình hay webdrama chuyển thể thành phim điện ảnh, khán giả thường không thích lắm. Một bộ phim truyền hình dài 20-30 tập với những tình tiết trải dài khiến khán giả thấy đã nhưng với nội dung đó gói gọn lại trong 90 phút của phim điện ảnh thì khán giả lại thấy hụt hẫng".
Các phim được phát hành onilne trên mạng, rất nhiều phim khai thác những đề tài nóng bỏng, thậm chí là đang gây tranh cãi trong xã hội. Do đó, nhiều người lo ngại bộ phim sẽ vấp phải phản ứng trái chiều từ khán giả.
Trước vấn đề này, bà Lưu Thị Thanh Lan cho hay, tiêu chí làm phim mà bà và ê-kíp đặt ra cho các nhà sáng tạo Việt Nam gồm: Chất lượng, tính giải trí và tính sáng tạo, để đóng góp vào sự phát triển ngành giải trí Việt Nam. "Các phim được chiếu online của chúng tôi đều có bản quyền và được kiểm duyệt. Các bộ phim trước khi được công chiếu online đều có đi qua vòng test khán giả trước, nếu trên điểm 7 thì mới công chiếu", bà Lan nói.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/phim-phat-hanh-online-viec-phan-loai-khan-gia-the-nao-ar585868.html