Phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Internet

Cách đây 21 năm, nhiều người yêu nhạc tiếc nuối bởi nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn qua đời. Những ca khúc của ông là đốm lửa nhóm trong vườn khuya, và nhạc của ông vẫn sống mãi trong lòng mọi người. Vì vậy, Trịnh Công Sơn, Em và Trịnh là 2 bộ phim điện ảnh về cố nhạc sĩ này được người hâm mộ ông mong đợi.

Hiện nhà sản xuất chỉ trình chiếu bản phim Em và Trịnh. Tuy nhiên, tác phẩm tái hiện chân dung, cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã và đang nhận nhiều phản ứng trái chiều từ khán giả yêu phim.

Chưa toát lên cái hồn của cố nhạc sĩ

Với độ dài 136 phút, Em và Trịnh cho chúng ta gặp gỡ nhạc sĩ cùng những nàng thơ đi qua cuộc đời ông theo một cách rất thực với đầy đủ hỉ nộ ái ố. Bộ phim bắt đầu tại cột mốc cuối những năm 1980, khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở độ trung niên (Trần Lực thủ vai) gặp gỡ cô gái trẻ là nghiên cứu sinh người Nhật Michiko (Nakatani Akari thủ vai) tại một đêm nhạc ở Paris. Từ đây, sự gắn kết tình cảm giữa hai con người xa lạ bắt đầu nảy nở.

Qua những cuộc trò chuyện thân tình giữa Trịnh Công Sơn và Michiko, câu chuyện dang dở của chàng Trịnh với những nàng thơ Thanh Thúy, Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly dần được hé lộ. Trong đó, không thể không kể đến mối tình đẹp lãng mạn như màu Nắng thủy tinh của ông và nàng thơ Ngô Vũ Dao Ánh, em gái của Ngô Vũ Bích Diễm - mối tình đầu của cố nhạc sĩ: “Màu nắng” hay “màu mắt em” đều lung linh cả, anh xao xuyến đến nỗi mỗi khi nhìn em, anh đều thấy rạng rỡ ngập tràn. Từ khi yêu nhau, Dao Ánh đã trở thành nàng thơ cho những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ lúc còn là chàng trai trẻ đến khi tuổi xế chiều, người nhạc sĩ tài hoa đã viết rất nhiều ca khúc dành cho cô. Mối tình lãng mạn, tinh tế và sâu đậm đó được tái hiện trong phim.

Tuy nhiên, cách xây dựng câu chuyện của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các bóng hồng trong cuộc đời ông làm dấy lên nhiều tranh cãi. Người hâm mộ nhạc sĩ họ Trịnh không mấy hài lòng khi thấy hình tượng trên phim của ông được xây dựng theo hơi hướng đa tình. Thậm chí họ khó chịu khi xem phim, vì qua bộ phim, nhiều khán giả chưa nhìn thấy được cốt cách ý nhị, tâm hồn sâu sắc hơn người mà cố nhạc sĩ sở hữu ngoài đời. Em và Trịnh khai thác chưa đủ sâu tính cách và chưa thực sự hiểu về con người Trịnh Công Sơn ở cả hai phiên bản lúc trẻ và trung niên trong phim. Bộ phim cho thấy Trịnh Công Sơn luôn khoác trên mình khuôn mặt ngơ ngác, thậm chí có phần ngờ nghệch khi nhìn thấy nàng thơ.

Một số khác nhận định sự ôm đồm của kịch bản, chưa lột tả hình ảnh cao đẹp, sâu lắng của ông; cách sắp xếp các thời điểm trong phim quá sít sao, chồng chéo, khiến nhiều khán giả không chấp nhận được một Trịnh Công Sơn đa tình, vô tâm và dễ thay lòng đổi dạ qua việc ông đang đau đáu vì Bích Diễm lại có thể quay sang phải lòng ngay với Dao Ánh, từ đang quấn quýt với Michiko hiện diện trước mặt lại có thể lãng quên ngay khi Dao Ánh trở về.

Sau khi chăm chú theo dõi tình tiết trong phim, chị Đặng Thị Hà (phường 7, TP Tuy Hòa) cho rằng, đây là bộ phim với đề tài khá mạo hiểm khi làm về một người quá nổi tiếng như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Dù đã dự đoán trước nhưng chị Hà cũng hơi hụt hẫng và thất vọng. Phim còn mờ nhạt, nhịp buồn. Xem phim, người xem chỉ thấy một chàng Trịnh mập mờ trong tình cảm, thiếu dứt khoát, luôn cố vớt vát mọi thứ khi đã lỡ mất rồi. Đúng như lời nhân vật người bố của Dao Ánh trong phim, Trịnh Công Sơn không xứng với những tình cảm mà Dao Ánh dành cho ông, cũng như không xứng với tất cả hy sinh mà những người phụ nữ khác như Khánh Ly, như Michiko dành cho ông. “Nhìn chung, phim có thể làm người ta hiểu sai đi giá trị về con người của Trịnh Công Sơn ngoài đời thực. Dẫu rằng, tôi không dám khẳng định con người ông thực sự là như thế nào, nhưng chắc chắn không phải là một gã khù khờ, nhập nhằng như ở trong phim”, chị Hà nói.

Hai chị em Dao Ánh và Bích Diễm - những nàng thơ trong cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: NSX

Hai chị em Dao Ánh và Bích Diễm - những nàng thơ trong cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: NSX

Dấu ấn đẹp trong bộ phim

Việc làm phim về cuộc đời của một tượng đài âm nhạc quá lớn như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một sự liều lĩnh. Thật quá khó để làm được một bộ phim điện ảnh về một con người có thật, về một cuộc đời thật mà lột tả đúng tính cách, tư duy, phong thái của người đó; nhất là với một người mang quá nhiều chiều sâu như Trịnh Công Sơn. Đứng trước một nhân vật lớn và có sự nghiệp âm nhạc đồ sộ như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chọn khoảng nào trong cuộc đời và âm nhạc của ông để kể đã là một thách thức. Ở đây, đoàn phim Em và Trịnh dường như đã tự làm khó chính họ khi kể tuốt chuyện đời cố nhạc sĩ, trải dài qua ba thập niên và thậm chí là có tới hai phiên bản Trịnh Công Sơn khác nhau. Như đã lường trước hệ quả, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh từng chia sẻ anh chuẩn bị sẵn tinh thần nhận “gạch đá” khi bắt tay thực hiện bộ phim này.

Mặc dù, nhận nhiều lời chê trong khâu kịch bản song phim ghi điểm ở phần âm nhạc, hình ảnh. Nhạc sĩ Đức Trí, Giám đốc âm nhạc của dự án cho biết từ gia tài 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn, ê kíp chắt lọc gần 40 bài để đưa vào phim. Màu sắc âm nhạc đồng điệu với cuộc đời cố nhạc sĩ ở mỗi giai đoạn: nồng nhiệt, lãng mạn thuở thanh xuân; day dứt, bùng nổ thời bom đạn và bình thản, sâu lắng ở tuổi trung niên.

Điểm ấn tượng nhất của Em và Trịnh chính là phần hình ảnh. Phim có những cảnh bày ra trước mắt khán giả rất đẹp, bối cảnh trau chuốt, hình ảnh xuất hiện đều chỉn chu, kỹ lưỡng trong từng chi tiết và sự duy mỹ tuyệt đối trong từng khung hình. Bên cạnh đó, người xem như được thực sự du hành về quá khứ nhờ bối cảnh đồ sộ, những quán Văn, cà phê Tùng, gác Trịnh, nhà hàng Mỹ Cảnh... xuất hiện trong phim khiến người xem bồi hồi.

Với đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, bộ phim là cả tâm huyết của anh và các thành viên trong đoàn được ấp ủ suốt một thời gian dài. Chính vì vậy, xem phim, khán giả thấy được những khung hình đắt giá, sự trau chuốt trong hình ảnh. Bên cạnh đó, đạo diễn còn tăng cường sử dụng kỹ thuật kể chuyện bằng hình ảnh qua việc tiết giảm thoại, để âm nhạc tự nói lên những dụng ý cần truyền tải. Ngoài ra, các mô típ, biểu tượng trong Em và Trịnh cũng được dàn dựng, duy trì nhất quán xuyên suốt bộ phim.

Nhờ vậy, bộ phim mang đến cho khán giả trải nghiệm lãng mạn đúng nghĩa. Tình yêu của Trịnh trong phim lúc thì nên thơ, khắc khoải, khi thì mãnh liệt, nồng cháy. Sự lãng mạn không chỉ đến từ câu chuyện giữa các nhân vật mà còn được biểu đạt qua từng câu thoại, góc máy, âm thanh, ánh sáng. Phim có nhiều khoảnh khắc dạt dào tình cảm khiến khán giả phải ngẩn ngơ. Cái lãng mạn không gói gọn riêng trong tình yêu đôi lứa mà lãng mạn trong cả không gian, nếp sống, tư tưởng của cả một thế hệ.

Trịnh Công Sơn (28/2/1939-1/4/2001) là một nhạc sĩ nổi tiếng người Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm hay. Hiện chưa có thống kê chính xác về số tác phẩm ông để lại (ước đoán khoảng 600 ca khúc), còn số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc (cả lời và nhạc). Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là ca sĩ Khánh Ly. Ngoài ra, nhạc sĩ còn được xem là một nhà thơ, họa sĩ, diễn viên và ca sĩ (ông từng biểu diễn một số bài hát do chính mình sáng tác).

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/279992/phim-ve-nhac-si-trinh-cong-son.html