Phim Việt chiếu trên Netflix: Ai đứng sau vụ mua bán 'bóng đêm' này?
Mới đây, ĐD Bùi Tuấn Dũng bức xúc cho rằng, hai bộ phim của anh bỗng nhiên bị bán cho kênh truyền hình quốc tế Netflix mà anh không hay biết. Vậy chuyện này ra sao?
Cục Điện ảnh khẳng định không bán phim cho kênh quốc tế
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho hay: “Tôi rất ngạc nhiên khi phim của mình được giới thiệu trình chiếu trên kênh Netflix nhưng bản thân tôi lại không biết gì cả, không biết ai đã bán phim? Phim chiếu được trên mạng, cá nhân những người làm phim và nhà quản lý rất mừng. Tuy nhiên, anh chị em Hãng phim truyện của tôi đang bị cắt lương và những nguồn thu từ tài sản trí tuệ của Hãng nên được trả cho cơ quan quản lý, để những người từng lao động thực sự có quyền lợi. Nếu Hãng hoạt động bình thường thì việc mua - bán gì sẽ thông báo ở cuộc họp giao ban. Nhưng hiện tại Hãng phim đã được giao về cho bộ VH,TT&DL nên không hiểu ai đã mua bán phim âm thầm như vậy?”.
Sự việc này đã gây niên nhiều bức xúc cho các đạo diễn, nhà quay phim. Đạo diễn Minh Thành cho hay: “Sao lại có chuyện phim bán cho kênh nước ngoài mà đạo diễn không biết? Một bộ phim được chiếu trên màn anh là công sức của nhiều người từ diễn viên, đạo cụ, bối cảnh, đạo diễn, quay phim… Đó là công sức của tập thể mà sao bán- mua lặng lẽ vậy? Vậy cục Điện ảnh có biết điều này không? Theo tôi biết, việc mua bán phim phải có bên A đứng ra đại diện, nếu không phải là Hãng phim thì là cục Điện ảnh chăng? Vậy không biết việc mua bán này diễn ra thế nào mà người trong cuộc lại không hay biết gì?”.
Chia sẻ với PV, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng cục Điện ảnh (bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Bản thân tôi cũng khá ngạc nhiên trước thông tin hai bộ phim được bán cho kênh Netflix. Tôi khẳng định, Cục không bán. Vũ điệu tử thần và Những người viết huyền thoại là 2 phim thuộc sở hữu nhà nước, cụ thể là thuộc sở hữu của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên phải được sự đồng ý của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì mới được đưa lên các nhà phát hành trong nước cũng như nước ngoài. Nếu không tuân thủ điều trên là đã sai rồi”.
Ông Kiến Thành cho biết thêm: “Ngay khi biết thông tin về hai bộ phim này, chúng tôi đã làm công văn gửi thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thanh tra bộ vào cuộc kiểm soát, kiểm tra nguồn cung cấp 2 bộ phim trên cho kênh. Hiện tại thanh tra đang làm việc với các bên liên quan. Đồng thời, tôi cũng gửi công văn lên phía VFS - Công ty Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (tiền thân là Hãng Phim truyện Việt Nam) để yêu cầu họ kiểm tra, xem xét xem có việc cung cấp hai bộ phim Nhà nước đặt hàng cho đơn vị phát hành Netflix không?
Theo Luật Điện ảnh, chủ sở hữu mới có quyền cho phép khai thác, sử dụng các phim Nhà nước đặt hàng, sử dụng 100% vốn Nhà nước. Trong sự việc này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và cục Điện ảnh là chủ sở hữu nhà nước đối với hai bộ phim này đều không có thỏa thuận cấp phép hay văn bản nào đồng ý cho Netflix khai thác, sử dụng. Để truy được nguồn gốc phim bán từ đâu chắc cần thời gian, bởi ngoài nguồn ở Hãng phim, cục Điện ảnh thì Viện phim Việt Nam cũng giữ, những phim của Hãng phục vụ các tuần phim thì cũng được gửi về sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh. Khi tìm ra được nguồn cung cấp phim, chúng tôi sẽ xử lý”.
Nhà sản xuất phim Tiến Thành gay gắt: “Phải tìm ra bên cung cấp phim cho phía kênh sóng quốc tế Netflix, xem họ lấy phim qua nguồn nào, ngoài các phim kể trên còn có phim nào được chuyển giao nữa không? Phim ảnh là nghệ thuật, càng nhiều người xem, càng tuyên truyền được nhưng cái gì cũng cần rõ ràng, đến đơn vị quản lý, đạo diễn mà không biết phim đã bị bán thì nực cười quá. Tình hình hoạt động Hãng phim truyện Việt Nam vẫn chưa giải quyết xong. Trước đây, Hãng phim truyện là đơn vị nhà nước, kinh phí làm phim do Nhà nước cấp. Bây giờ hãng đã được cổ phần, tư nhân hóa, nhưng lại giao cho bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý thì quyền sở hữu bản quyền sẽ được phân định ra sao để bảo vệ toàn vẹn ý nghĩa, giá trị của bản quyền, rồi quyền tài sản, quyền cho phép, quyền khai thác như thế nào? Tất cả cần được làm rõ nếu không sẽ có nhiều phim bị mua bán kiểu “đi đêm” khiến người trong cuộc hoang mang”.
Có đơn vị xác nhận bên cung cấp phim là VFS (tiền thân là Hãng Phim truyện Việt Nam)
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đơn vị cung cấp phim cho kênh truyền hình quốc tế Netflix là Tfilm Studio. Theo đó, đại diện Tfilm Studio chia sẻ, họ được nhận phim từ VFS - Công ty Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (tiền thân là Hãng Phim truyện Việt Nam). Cụ thể, Tfilm Studio là nhà phân phối được ủy quyền phát hành phim và mang những tác phẩm điện ảnh nghệ thuật như: Vũ điệu đam mê, Những người viết huyền thoại, Mùi cỏ cháy lên nền tảng Netflix.
Trong thông báo gửi truyền thông, đại diện Tfilm Studio khẳng định đã có sự nhầm lẫn, bởi trên thực tế bộ phim Vũ điệu tử thần của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng không được phát trên kênh Netflix mà bộ phim hiện được phát hành trên kênh này là Vũ điệu đam mê. “Với vai trò là đơn vị phát hành nội dung phim Việt tại thị trường Việt Nam và nước ngoài trên mọi nền tảng, Tfilm Studio tự hào được góp phần quảng bá những bộ phim có giá trị lịch sử, nhân văn tiếp cận tới đông đảo khán giả thông qua một nền tảng chiếu phim có bản quyền như Netflix” - Đại diện Tfilm Studio bày tỏ.
Cũng theo phía Tfilm Studio thì đơn vị này làm việc với kênh Netflix dựa trên cơ sở bản quyền được cấp phép từ VFS - Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam và cam kết tuân thủ đúng các quy định về bản quyền, cũng như các giấy tờ bản quyền liên quan để có đầy đủ tư cách pháp lý phát hành các bộ phim này trên Netflix. Đại diện Tfilm Studio cho hay, thông qua giấy phép phổ biến phim do Cục Điện ảnh cấp, đơn vị này được biết VFS là chủ sở hữu bản quyền, đồng thời là đơn vị được quyền chính thức phân phối, phát hành các bộ phim này. Do vậy đại diện Tfilm Studio cho rằng việc làm việc với VFS để xin cấp quyền phát hành các bộ phim này trên nền tảng Netflix là đúng với quy định của pháp luật.
“Chúng tôi mong muốn sự việc được sáng tỏ, Tfilm Studio mong muốn VFS có những giải pháp để giải quyết các khúc mắc liên quan đến việc trình chiếu các bộ phim này trên Netflix và đảm bảo các quyền đã cấp cho Tfilm Studio theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên. Chúng tôi hiện đã gửi công văn đề nghị VFS có phản hồi chính thức cho chúng tôi về các vấn đề mà truyền thông và cục Điện ảnh đang đưa ra." - đại diện Tfilm Studio nói rõ.
Đạo diễn Ngọc Tuấn cho hay: “Việc VFS - Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam cung cấp phim cho phía Netflix cần được làm rõ là cũng cấp khi nào, thời gian nào, gửi bao nhiêu phim cho các đơn vị bên ngoài. Nếu họ cung cấp phim cho bên ngoài trong thời gian Hãng phim được giao về cho bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là sai rồi. Còn nếu bán phim cho phía Tfilm Studio lúc đang quản lý Hãng phim thì vì lý do gì mà không thông báo cho đạo diễn Bùi Tuấn Dũng? Dù bán 1 phim hai 3 phim thì cũng phải rõ ràng chứ không im ỉm, nhập nhèm như vậy được”.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nói thêm: “Tôi là người làm nghệ thuật nên tôi không quan tâm nhiều đến chuyện bên ngoài. Nhưng đó là “Đứa con tinh thần” của mình nên cần rõ ràng. Sau khi sự việc xảy ra, phía cục Điện ảnh và Bộ có nhắn tin hỏi tôi và có nói là đang thanh tra việc này, nhưng sự việc chưa ngã ngũ. Tôi có nhắn tin cho những người từng làm quản lý ở Hãng phim nhưng họ nói là họ đã nghỉ rồi, và trong thời gian còn làm việc, họ không bán phim của tôi cho Netflix. Làm phim đã vất vả quá rồi mà còn để ý mất chuyện này nữa thì mệt mỏi quá”.