Phình Hồ phát huy giá trị chè Shan tuyết
Bao đời nay, giữa bạt ngàn núi rừng, mặc cho khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, người Mông ở Phình Hồ, huyện Trạm Tấu vẫn luôn gắn bó mật thiết với cây chè Shan tuyết. Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Phình Hồ tiếp tục đưa cây chè trở thành một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng.
Gắn bó với cây chè cổ thụ Shan tuyết bao đời nay, hầu hết người dân ở Phình Hồ đều trồng, chăm sóc và bảo vệ cây chè cổ thụ như một thứ tài sản quan trọng của gia đình. Hộ ít có vài cây, hộ nhiều vài chục cây, thậm chí có hộ có cả trăm cây chè Shan tuyết. Đời này qua đời khác, chè cổ thụ đã trở thành nguồn sinh kế lâu bền cho người dân. Phình Hồ là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, diện tích tự nhiên trên 3.000 ha với hơn 300 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 90%.
Ông Sùng A Rùa - Chủ tịch UBND xã Phình Hồ cho biết: "Chúng tôi xác định chè là cây thế mạnh ở địa phương, phát triển cây chè là nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Phình Hồ đã tích cực khai thác tiềm năng lợi thế vùng chè, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân”.
Được biết, toàn xã hiện có gần 200 ha cây chè Shan tuyết cổ thụ, tập trung ở các thôn Tà Chử, Phình Hồ, Chí Lư. Chè ở đây sạch hoàn toàn vì bà con không bón phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu. Nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù đã tạo cho chè Shan tuyết mang chỉ dẫn địa lý Phình Hồ có những đặc điểm riêng biệt.
Đó là, chè xanh có cánh to, đều, xoăn chặt, lộ tuyết, mùi thơm mạnh, đặc trưng; khi pha có màu nước xanh và vàng sáng, vị chè xanh chát, đắng nhẹ và có vị ngọt hậu rõ. Hồng trà có cánh to, xoăn chặt, màu nâu đỏ, mùi thơm mát, khi pha nước có màu đỏ cam, vị hồng trà chát dịu, ngọt sâu; chè trắng có cánh to, đều, không gãy, có cánh bạc lộ tuyết, lá chè khô, mùi thơm nhẹ tự nhiên; khi pha nước có màu trắng đục, vàng nhẹ, vị ngọt, thanh.
Ngoài điều kiện tự nhiên phù hợp, kinh nghiệm sản xuất của người dân địa phương cũng góp phần tạo nên danh tiếng, yếu tố đặc thù của chè Shan Phình Hồ. Chè được thu hái hoàn toàn bằng tay với tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá non, mỗi năm chỉ thu hái 3 - 4 lần, không tận thu. Để tạo màu trắng đục của chè trắng, người dân chỉ phơi dưới nắng nhẹ đến khoảng 10 giờ vào buổi sáng.
Để bảo vệ tốt diện tích chè cổ thụ, huyện Trạm Tấu đã xây dựng chỉ dẫn địa lý vùng chè Phình Hồ, đồng thời tập huấn kỹ thuật cho người dân canh tác theo hướng hữu cơ. Toàn bộ quá trình cải tạo và trồng mới cây chè Shan tuyết được người dân dùng chế phẩm sinh học để chống mối, mọt, nấm gây hại; tổ chức đánh dấu những cây đầu dòng bảo tồn nguồn gen quý.
Do vậy, ngày nay cây chè Shan cho thời gian thu hoạch khá dài. Với giá bán chè búp tươi hiện tại là 25.000 đồng mỗi kilôgam, chè Shan đang là nguồn thu nhập chính, tạo việc làm, thu nhập cho gần 200 hộ dân trong xã. Anh Sùng A Tủa, cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Phình Hồ là người tích cực quảng bá, xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết kết hợp với làm du lịch cộng đồng.
Bên ấm trà thơm ngát, anh Sùng A Tủa cho biết: "Chè Shan Phình Hồ được đánh giá là một trong 10 vùng chè nguyên liệu ngon nhất Việt Nam với hơn 300.000 cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Nơi đây 4 mùa mây mù che phủ, khí hậu mát mẻ quanh năm, thuận lợi cho cây chè Shan phát triển tự nhiên, tạo nên một loại chè thơm ngon tinh khiết”. Được biết, anh Sùng A Tủa đã thành lập một tổ hợp tác sản xuất chè Shan tuyết với 11 hộ, đặt ra quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đã và đang cung cấp sản phẩm cho khách du lịch tại địa phương.
Tuy còn khiêm tốn về sản lượng nhưng chè Shan tuyết đang là cây trồng mang lại giá trị kinh tế ngày càng cao, tạo thu nhập và việc làm ổn định cho đồng bào vùng cao ở Phình Hồ.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/318701/phinh-ho-phat-huy-gia-tri-che-shan-tuyet.aspx