Phó bí thư TP.HCM: Cần có chính sách hỗ trợ cơ quan báo chí, xuất bản
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các cơ quan của TP cùng đồng hành, hỗ trợ báo chí, xuất bản trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền.
Ngày 17-3, tại TP.HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác báo chí, xuất bản năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Hoạt động báo chí, xuất bản đáp ứng nhu cầu đọc
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Lê Hồng Sơn khẳng định năm 2022 Ban Tuyên giáo Thành ủy đã bám sát kế hoạch công tác, tích cực triển khai các đầu việc. Trong đó tập trung biểu dương những thông tin tích cực, lưu ý những nội dung chưa đúng, có biểu hiện vi phạm.
Việc phối hợp với các cơ quan chức năng để chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí được thực hiện nhanh chóng, liên tục, đúng yêu cầu. Công tác tham mưu, bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo cơ quan báo chí cũng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Năm qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP đã phối hợp với Sở TT&TT, Trung tâm Báo chí TP tổ chức họp báo định kỳ về tình hình TP và việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí.
Các cơ quan báo chí, xuất bản TP.HCM cần đầu tư nhiều hơn nguồn lực về con người, ứng dụng công nghệ 4.0, nguồn lực tài chính, ngân sách.
“Nhìn chung, hoạt động báo chí, xuất bản của TP năm 2022 đảm bảo nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao kiến thức trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân và thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh” - ông Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhìn nhận trong năm qua công tác báo chí, xuất bản còn nhiều hạn chế như chưa chủ động, chặt chẽ trong theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản của TP để tham mưu, chấn chỉnh các sai sót; số bài viết về thành tựu trong công tác xây dựng Đảng còn ít.
Ngoài ra, việc xuất bản phẩm điện tử phát triển còn chậm; hoạt động xuất bản, in và phát hành chưa có bước phát triển mang tính đột phá…
Khen thưởng tác phẩm xuất sắc về xây dựng Đảng
Dịp này, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã khen thưởng, biểu dương các tác giả có tác phẩm đoạt giải tại Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng lần thứ VII năm 2022.
Các tác phẩm được khen thưởng gồm: Loạt bài “Những nữ đảng viên chân đất” của nhóm tác giả báo Phụ Nữ TP.HCM; phóng sự truyền hình “Trên con đường đi tới” của nhóm tác giả Đài Truyền hình TP.HCM; tác phẩm “Cán bộ nghĩ đúng, làm trúng phải được bảo vệ” của nhóm tác giả báo Sài Gòn Giải Phóng...
Cần đầu tư nguồn lực về con người
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được của các cơ quan báo chí, xuất bản trong năm 2022. “Sự đồng hành của các cơ quan báo chí, xuất bản với TP là rất chủ động, sáng tạo, có tính trách nhiệm” - ông Hiếu nhận định.
Ông Hiếu yêu cầu các cơ quan báo chí, xuất bản TP tiếp tục bám sát chủ đề năm 2023 và các nhiệm vụ, giải pháp Đảng bộ, chính quyền TP đã đề ra. Để làm được điều đó, các cơ quan báo chí, xuất bản phải luôn là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, thực hiện tốt nhiệm vụ đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.
Phó Bí thư TP Nguyễn Văn Hiếu cũng kiến nghị các cơ quan báo chí, xuất bản cần đầu tư nguồn lực về con người, ứng dụng công nghệ 4.0, nguồn lực tài chính, ngân sách.
“Nguồn lực con người là yếu tố quyết định nên cần chú trọng công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, phát triển đảng viên; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ nghiệp vụ ngày càng cao, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đa phương tiện trong thời đại báo chí mới” - phó bí thư TP nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở TT&TT cùng các cơ quan, đơn vị liên quan phát huy trách nhiệm trong việc đồng hành, hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản.
Cụ thể, nhanh chóng tham mưu phương án tổ chức ký kết Chương trình phối hợp truyền thông giữa TP.HCM với các cơ quan báo chí năm 2023; nhanh chóng xây dựng, triển khai và thực hiện chuyển đổi số. Hỗ trợ hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản trong thực hiện giai đoạn 2 của Đề án sắp xếp, phát triển, quản lý báo chí TP.HCM đến năm 2025 và đề án hợp nhất nhà xuất bản của TP.
Nghiêm túc rà soát, kiểm tra, củng cố, chấn chỉnh hoạt động của một số cơ quan báo chí, xuất bản, khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, nâng cao chất lượng hoạt động và đảm bảo định hướng...•
Đầu tư có trọng điểm cho các tác phẩm báo chí
Các cơ quan báo chí, xuất bản cần tiếp tục quan tâm, đầu tư chiều sâu và có trọng điểm cho các tác phẩm báo chí chất lượng cao để tham gia giải hằng năm.
Cùng với đó là mở lớp chuyên đề bồi dưỡng những hạt nhân nhà báo có kỹ năng viết báo tốt, có nhiệt huyết thực hiện những tác phẩm báo chí chất lượng cao, đặc biệt là những tác phẩm về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Ông NGUYỄN TẤN PHONG, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM
Phát huy thế mạnh về tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Từ khi thành lập đến nay, báo Pháp Luật TP.HCM luôn theo đuổi và kiên trì thực hiện những nội dung trong tôn chỉ, mục đích của báo; phát huy thế mạnh về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phản biện chính sách.
Với mỗi sự kiện, những người làm báo Pháp Luật TP.HCM luôn trăn trở, tìm tòi, phát hiện những khía cạnh pháp lý để lồng ghép, tuyên truyền pháp luật đến bạn đọc.
Báo cũng đặc biệt quan tâm tuyên truyền những chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến phát triển TP như Nghị quyết 54/2017; những cơ chế, chính sách về xây dựng và phát triển TP Thủ Đức; xây dựng và phát triển chính quyền đô thị tại TP.HCM...
Ông MAI NGỌC PHƯỚC, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM