Phổ biến, giáo dục pháp luật: Chuyển đổi số để tiếp cận người dân

Trong bối cảnh cần có sự đổi mới công tác tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), các giải pháp chuyển đổi số được kỳ vọng giúp cho hoạt động PBGDPL không bị giới hạn về không gian, tạo sự lan tỏa rộng lớn và nhanh chóng các thông tin pháp luật chính thống.

Hiệu quả tuyên truyền pháp luật trên không gian mạng

Chỉ mất vài phút tìm kiếm trên Facebook, Lê Thị Thảo N. (sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM) đã nắm được thông tin “24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam”, đăng tải trên fanpage Facebook có tên “Cột cờ Thủ Ngữ”, để dẫn chứng trong bài tập của mình. N. chia sẻ, với tôi, thông tin trên mạng xã hội là dễ tiếp cận nhất vì vừa giải trí vừa học tập. Thông tin về pháp luật đăng tải trên các fanpage này được thể hiện bằng hình ảnh thú vị, rất thu hút và dễ nhớ. Còn với nhà báo Hữu Đăng (phóng viên lĩnh vực pháp đình của Báo Pháp luật TPHCM), trang web tuyentruyenphapluat. tphcm.gov.vn là một địa chỉ quen thuộc mà anh thường tìm đến mỗi khi cần tra cứu văn bản pháp luật. Theo anh Đăng, mục “Chủ trương, chính sách” trên web cập nhật rất nhanh các văn bản pháp luật mới, phục vụ việc tra cứu kịp thời cho công việc.

 Sinh viên tiếp cận tuyên truyền pháp luật qua mạng xã hội

Sinh viên tiếp cận tuyên truyền pháp luật qua mạng xã hội

Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, hiện 100% sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã xây dựng, vận hành trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương, thu hút một lượng lớn người truy cập thường xuyên. Nhiều nơi đã xây dựng trang mạng xã hội tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật thu hút nhiều lượt truy cập, chia sẻ. Điển hình như: quận 4 có trang Facebook “Đất cảng quận 4”, quận 1 với trang “Cột cờ Thủ Ngữ”; quận 7 với trang “Nam Sài Gòn”…

Ông Nguyễn Văn Vũ cho biết thêm, thời gian tới ngành tư pháp thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu thông tin pháp luật trên Cổng thông tin tuyên truyền của thành phố và các trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Hiện sở đang rà soát và đề xuất tiếp tục hoàn thiện các nội dung trên Cổng thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật thành phố theo hướng phù hợp với khung kiến trúc chính phủ điện tử, có thể tích hợp, kết nối, sử dụng chung với Cổng thông tin điện tử PBGDPL của Trung ương do Bộ Tư pháp xây dựng.

Ông Lê Tấn Hoàng, Chủ tịch Hội Luật gia quận 6 đánh giá, ngoài các hình thức tuyên truyền pháp luật như tọa đàm, trao đổi, phiên tòa giả định... thì ứng dụng các công nghệ số là một giải pháp đổi mới phương thức PBGDPL hướng về cơ sở. Trong giai đoạn từ 2019-2024, hội đã phối hợp tổ chức 118 hội thi tìm hiểu pháp luật; 116 tin, 24 bài trên tuần tin, Trang thông tin điện tử quận 6.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Theo các chuyên gia, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể là một giải pháp hữu hiệu, giúp tự động hóa công tác phổ biến pháp luật đến với người dân, đồng thời giúp người dân tiếp cận các kiến thức, thông tin pháp luật một cách nhanh chóng, chính xác và dễ hiểu.

Ông Trần Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông quốc tế Incom - đơn vị phát triển và vận hành trang web LuatVietnam.vn, nêu giải pháp, các cơ quan nhà nước có thể ứng dụng chatbot AI (trợ lý ảo) hỗ trợ giải đáp pháp luật tự động. Câu trả lời của chatbot AI luôn kèm theo căn cứ pháp lý chi tiết đến từng điều, khoản, điểm liên kết đến văn bản pháp luật liên quan. Mỗi cơ quan hành chính nên có 1-2 máy tính phục vụ cho việc hỏi đáp, tra cứu tự động. Chatbot này có thể tích hợp vào website dưới hình thức box chat hay trên ứng dụng di động của cơ quan nhà nước để cán bộ, nhân viên hay người dân thuận tiện tra cứu.

Ông Phạm Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp, cho biết, Bộ Tư pháp đang xây dựng Đề án Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025-2030. Theo đó, đề án đưa ra giải pháp ứng dụng các công nghệ cốt lõi của chuyển đổi số để xây dựng các ứng dụng PBGDPL, trọng tâm là nghiên cứu, thí điểm ứng dụng AI thực hiện giải đáp, tư vấn pháp luật trực tuyến và các hình thức phù hợp khác để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong một số lĩnh vực và đối tượng cụ thể. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức tham mưu quản lý nhà nước về PBGDPL, báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn về chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng, số hóa các tài liệu PBGDPL trên môi trường số…

Từ năm 2015 đến nay:

* Sở Tư pháp TPHCM đã đăng tải 3.623 tin, bài, văn bản, tài liệu PBGDPL ngắn, bài giảng, hình ảnh, video clip… trên Cổng thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến pháp luật thành phố (http:// tuyentruyenphapluat.tphcm.gov.vn)

* Công an TPHCM đăng tải 781 phóng sự, 734 tin thời sự, 760 hình ảnh, 3.285 bài viết, 20 video clip tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử và website xuất nhập cảnh của Công an TPHCM.

* Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM đăng tải 796 video clip chuyên đề về kiến thức gia đình, quy định pháp luật có liên quan đến hội viên trên trang tin điện tử, Facebook của hội.

Nguồn: SỞ TƯ PHÁP TPHCM

THÀNH TRỌNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/pho-bien-giao-duc-phap-luat-chuyen-doi-so-de-tiep-can-nguoi-dan-post760734.html