Phổ biến những điểm mới của Luật Tài nguyên nước

Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 (Luật Tài nguyên nước năm 2023) được thông qua ngày 27/11/2023, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Đây là một bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá 'quá thừa, quá thiếu, quá bẩn'.

Khoan giếng lấy nước sinh hoạt phục vụ người dân tại xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Khoan giếng lấy nước sinh hoạt phục vụ người dân tại xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Luật Tài nguyên nước năm 2023, gồm 10 chương, 86 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ nước Việt Nam.

Đáng chú ý, luật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước thông qua bốn nhóm chính sách, gồm: Bảo đảm an ninh nguồn nước, xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra.

Bốn nhóm chính sách được thể hiện xuyên suốt trong Luật Tài nguyên nước năm 2023, đã được cụ thể hóa qua 10 điểm mới. Đầu tiên là, nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra. Hai là, điều tra cơ bản tài nguyên nước, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước. Ba là, quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước. Bốn là, điều hòa, phân phối tài nguyên nước. Năm là, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Sáu là, phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra. Bảy là, công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Tám là, hợp tác quốc tế về tài nguyên nước. Chín là, thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước. Mười là, quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về tài nguyên nước.

Đáng chú ý, trong các điểm mới nêu trên, luật đã quy định về nguyên tắc quản lý và trong số các nguyên tắc quản lý, có nguyên tắc "bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý", "ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Luật tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác".

Ngoài ra, các chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước quốc gia cũng đã được thể hiện xuyên suốt trong các chương, điều của Luật Tài nguyên nước năm 2023. Mục tiêu hướng tới nâng cao mức bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia bảo đảm an ninh tài nguyên nước hiệu quả trong khu vực Đông Nam Á và tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới; bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường và giảm rủi ro tác hại từ các thảm họa do con người và thiên nhiên gây ra. Đây là bước thay đổi lớn và kịp thời, nhất là trong bối cảnh nguồn nước đang ngày càng có nguy cơ bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm.

Theo Phó Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Minh Khuyến, nhằm sớm đưa Luật Tài nguyên nước năm 2023 đi vào cuộc sống, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan đã và đang tích cực hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật và xây dựng các văn bản dưới luật, trong đó tập trung nguồn lực xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước 2023; dự thảo Nghị định quy định về trình tự, thủ tục trong kê khai đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Ngoài ra, ngành tài nguyên và môi trường phối hợp các địa phương để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến sâu rộng những điểm mới, quy định mới của luật để góp phần nâng cao ý thức pháp luật của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Đây là nền tảng cơ bản để giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách tại các địa phương có đầy đủ thông tin để ra quyết định điều hòa phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông.

Mặt khác, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng tăng cường làm việc với các địa phương, nhất là trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong thực thi luật và công tác quản lý tài nguyên nước; thúc đẩy việc triển khai các nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước; chủ động chuẩn bị hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, kết quả kiểm kê tài nguyên nước và kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh để triển khai và công bố vào năm 2025 bảo đảm việc kết nối với hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường, theo dõi biến động nguồn nước, trong đó có nguồn nước liên quốc gia trong việc xây dựng kịch bản nguồn nước…

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/pho-bien-nhung-diem-moi-cua-luat-tai-nguyen-nuoc-5010363.html