Phổ biến, triển khai Luật Giá và các văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá

Nhiều điểm mới của Luật Giá 2023 về thẩm định giá được thông tin tại Hội nghị triển khai Luật Giá về thẩm định giá và các văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá do Bộ Tài chính tổ chức ngày 21/8 tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Ảnh: HD

Ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Ảnh: HD

Hội nghị thu hút sự quan tâm tham dự từ đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thẩm định giá.

Ông Phạm Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 19/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giá số 16/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Thực hiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và Bộ Tài chính, trong thời gian 1 năm kể từ khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành 3 nghị định, 13 thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.

Với riêng lĩnh vực thẩm định giá, Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành 1 nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giá về thẩm định giá, 1 nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá và ban hành theo thẩm quyền 10 thông tư hướng dẫn các nội dung Luật Giá.

“Đây là khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, nhiều nội dung mang tính chuyên môn sâu nhưng đã được Lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo xây dựng bảo đảm chất lượng và đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, ông Phạm Văn Bình cho biết.

Bà Dương Lan Anh - Phó Trưởng Phòng Quản lý thẩm định giá (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) trình bày tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Dương

Bà Dương Lan Anh - Phó Trưởng Phòng Quản lý thẩm định giá (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) trình bày tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Dương

Ngoài việc gửi xin ý kiến rộng rãi bằng văn bản và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong xã hội, Bộ Tài chính cũng tổ chức 2 hội thảo lấy ý kiến tham gia trực tiếp của các bộ, ban, ngành, sở tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp thẩm định giá tại TP. Cần Thơ và TP. Đà Lạt (Lâm Đồng).

Phát biểu tại Hội nghị, bà Dương Lan Anh - Phó Trưởng phòng, Phòng Quản lý thẩm định giá (Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính) thông tin, Bộ Tài chính đã ban hành 10 thông tư liên quan đến lĩnh vực thẩm định giá, gồm: 4 thông tư quy định các nội dung về quản lý hoạt động thẩm định giá và 6 thông tư quy định 11 chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.

Hội thảo được các doanh nghiệp thẩm định giá quan tâm tham dự Hội nghị. Ảnh: Hoàng Dương.

Hội thảo được các doanh nghiệp thẩm định giá quan tâm tham dự Hội nghị. Ảnh: Hoàng Dương.

Liên quan tới hoạt động thẩm định giá, Luật Giá 2023 sửa đổi, bổ sung quy định về chứng thư thẩm định giá là văn bản do doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá phát hành sau khi kết thúc hoạt động thẩm định giá để thông báo cho khách hàng, các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá về giá trị tài sản thẩm định giá và những nội dung chính của báo cáo thẩm định giá.

Luật Giá 2023 bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong thẩm định giá như: Ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không duy trì các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá quy định…

Luật Giá 2023 cũng quy định cụ thể về: Doanh nghiệp thẩm định giá, Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá; Chứng thư thẩm định giá và báo Báo cáo thẩm định giá; Quyền, nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá và tổ chức, cá nhân có liên quan được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; Xác định giá dịch vụ thẩm định giá; Phương thức giải quyết tranh chấp về hợp đồng thẩm định giá...

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá phải đảm bảo đảm nguyên tắc: Thực hiện theo kế hoạch, hoặc theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện vi phạm, dấu hiệu vi phạm; Không trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, thời gian với hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm tra cùng lĩnh vực đối với một đơn vị; Khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; Hạn chế cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động của đối tượng được kiểm tra…

Huyền Châm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/trien-khai-luat-gia-va-cac-van-ban-quy-pham-phap-luat-ve-tham-dinh-gia.html