Phổ cập bơi trẻ em
Việc phổ cập bơi và trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản phòng, chống đuối nước là giải pháp hết sức cấp thiết hiện nay được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện.
Với đặc thù là vùng sông nước, các cấp, ngành và chính quyền địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát, giảm tai nạn đuối nước ở trẻ em. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp các sở, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình phổ cập bơi phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em năm 2021, đặc biệt chủ điểm trong dịp sinh hoạt hè. Đồng thời, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các trường có đủ điều kiện để tổ chức mô hình “Học sinh toàn trường biết bơi”, tiến tới thực hiện đồng loạt việc đưa môn bơi lội vào dạy học chính khóa (phần thể thao tự chọn) và ngoại khóa tại các trường học có điều kiện.
Các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước trẻ em cụ thể và phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo tính thiết thực, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và tạo được khí thế sôi nổi, hào hứng của toàn dân và trẻ em tham gia học bơi. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội; đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn.
Chị Lê Thị Hương (ngụ xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành) cho biết: "Khi biết tin xã tổ chức lớp dạy bơi miễn phí, tôi đưa con đến học 3 buổi/tuần. Nhờ các thầy hướng dẫn nhiệt tình, con tôi đã biết bơi và được trang bị nhiều kỹ năng an toàn dưới nước, tôi cảm thấy an tâm hơn”.
Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của bơi lội, nhất là những người thường xuyên sống ở vùng sông nước với nhiều khẩu hiệu, như: “Toàn dân tham gia phòng, chống đuối nước trẻ em”, “Học bơi để phòng, chống đuối nước”, “Học bơi để nâng cao sức khỏe và phát triển thể lực tầm vóc”... Đồng thời, phát động toàn dân tích cực tập luyện môn bơi nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực để phòng, chống bệnh tật và tai nạn đuối nước cho trẻ em. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường và toàn thể xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước.
Sở VH,TT&DL phối hợp với ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật cơ bản của bơi lội và phương pháp cấp cứu cho hướng dẫn viên cơ sở, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em. Đặc biệt, quan tâm các vùng trọng điểm có khả năng trẻ em đuối nước cao. Ngoài ra, tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở hoạt động thể thao dưới nước; kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em. Qua đó, rút kinh nghiệm, học tập, triển khai cách làm hiệu quả của các đơn vị điển hình để nhân rộng các xã, phường, trường học trong phạm vi toàn tỉnh…
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang phối hợp UBND huyện Chợ Mới tổ chức Lễ phát động phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh An Giang năm 2024.
Tham gia lớp học bơi khoảng 1 tháng, em Lê Nguyễn Khánh My (9 tuổi, ngụ phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) đã tự bơi được hơn 10m mà không cần áo phao hay dụng cụ hỗ trợ. “Lúc mới học bơi, em còn sợ nước, nhưng được cô chỉ dạy, dần quen với môi trường nước và có thể tự bơi được. Em sẽ cố gắng để bơi tốt hơn trong thời gian tới”.
Để công tác phổ cập bơi được triển khai thực hiện hiệu quả, Sở VH,TT&DL tăng cường phối hợp các cấp, ngành và địa phương đổi mới nội dung tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em. Trong đó, chú trọng lồng ghép tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em với các chương trình quốc gia về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/pho-cap-boi-tre-em-a401995.html