Phổ cập hạ tầng số và ứng dụng số để phát triển kinh tế số Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024, Bộ TT&TT sẽ lấy chủ đề phổ cập hạ tầng số, ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo động lực tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Hoạt động đơn vị phải bám sát các định hướng mới của Bộ
Ngày 7/12, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 11/2023 của Bộ. Cùng dự còn có các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng và Bùi Hoàng Phương.
Tại hội nghị, từ việc tổ chức giải thưởng Sách quốc gia do Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) cùng Hội Xuất bản Việt Nam triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý từng cơ quan, đơn vị khi triển khai các hoạt động cần lưu ý, thể hiện định hướng mới của Bộ với lĩnh vực đó. Đơn cử như, về sách và văn hóa đọc, cần lưu ý đến xu hướng sách ngắn và sách điện tử, cần thiết có hình thức tôn vinh cho những loại sách này.
Bộ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải hiểu kỹ việc của tổ chức mình và đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc. Trường hợp gặp việc khó hay vướng mắc, lãnh đạo đơn vị cần báo cáo, xin ý kiến Lãnh đạo Bộ để tìm hướng giải quyết.
Học hỏi kinh nghiệm hay của quốc tế để làm tốt hơn công tác quản lý là điều đã được người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh nhiều lần. Trong báo cáo hàng tháng, hàng quý và sơ kết, tổng kết của Bộ TT&TT những năm gần đây luôn có một mục về thông tin mới của thế giới để lãnh đạo các đơn vị tham khảo, nghiên cứu áp dụng cho các lĩnh vực quản lý của ngành.
Bộ trưởng chỉ rõ, mỗi năm Bộ TT&TT có nhiều đoàn công tác nước ngoài. Sau mỗi chuyến công tác, các đoàn cần tổng kết những tri thức, kinh nghiệm hay của quốc tế để áp dụng tại Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển ngành, đất nước.
Nhiều bài học hay từ chuyến công tác Trung Quốc
Từ ngày 26/11 đến ngày 2/12, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ thăm và làm việc song phương tại Trung Quốc.
Với phương châm ‘làm gương’, tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 11/2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý của Bộ TT&TT những bài học kinh nghiệm mà ông đúc kết được qua chuyến công tác, từ viễn thông, bưu chính, đô thị thông minh, kinh tế số, đại học số... đến báo chí, truyền thông.
Về viễn thông, nhận thức mới từ chuyến thăm Trung Quốc là "5G thì ứng dụng cho công nghiệp là chính". Trường hợp của China Mobile, khi phát triển 5G, nhà mạng này đã phát triển 30.000 ứng dụng cho 5G trong lĩnh vực công nghiệp, và tính rộng ra cả Trung Quốc thì có khoảng 60.000 ứng dụng 5G cho các ngành công nghiệp. Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, tạo ra ứng dụng chuyển đổi số trong công nghiệp là việc của doanh nghiệp viễn thông.
"Các nhà máy sản xuất của Trung Quốc trước kia dùng người để kiểm tra mạch in, phân loại. Bây giờ có camera lắp SIM, chụp mạch in, dùng 5G chuyển về cloud để so sánh mẫu xem có lỗi gì không, năng suất nhờ vậy tăng đáng kể, độ chính xác còn tăng hơn nữa. Đó là một ứng dụng của 5G, ngoài ra còn rất nhiều "use case" khác", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu dẫn chứng về ứng dụng 5G trong ngành công nghiệp.
Một thông tin từ China Mobile mà người đứng đầu Bộ TT&TT đặc biệt tâm đắc, đó là 5G tạo ra mức tăng trưởng 10%, nhưng "tăng 10% không phải là do riêng 5G mà là một hệ sinh thái 5G”. Khi Trung Quốc phát triển 5G, thì ngành di động đã tạo ra một ngành công nghiệp khác có doanh thu gấp 6 lần doanh thu di động.
Từ bài học phát triển viễn thông của nước bạn, Bộ trưởng đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cần tăng đầu tư cho cho nghiên cứu, phát triển, tạo ra các ứng dụng 5G để thúc đẩy chuyển đổi số công nghiệp nước nhà.
Thực tế thành công của Trung Quốc cho thấy, động lực tăng trưởng của kinh tế số là hạ tầng và ứng dụng. Trong đó, hạ tầng số chính là mạng viễn thông, 5G, cloud, computing, cung cấp công nghệ như dịch vụ. Các ứng dụng chính là những “use case”, muốn đẩy nhanh kinh tế số phải đưa ứng dụng 5G vào các ngành công nghiệp. Năm 2024, Bộ TT&TT sẽ lấy chủ đề phổ cập hạ tầng số, ứng dụng số để phát triển kinh tế số, động lực tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Về thành phố thông minh, Bộ trưởng nhấn mạnh, dữ liệu gốc là quan trọng và dữ liệu này phải sống. Trung tâm điều hành thông minh dựa trên dữ liệu gốc để hiển thị, phân tích. Đặc biệt, nhận thức mới thu nhận được từ chuyến công tác Trung Quốc là "hiệu quả của thành phố thông minh không đơn thuần là giảm nhân lực, mà quan trọng nhất là vận hành thành phố tốt lên, giúp giảm tỷ lệ tội phạm, không còn dự án chậm tiến độ".
Phát triển đại học số là một lĩnh vực Việt Nam đang quan tâm. Từ kinh nghiệm hợp tác với các doanh nghiệp để hình thành các trung tâm đào tạo của Trường Đại học Bách khoa Thâm Quyến, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nghiên cứu, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Theo đó, các doanh nghiệp ngoài việc cung cấp thiết bị, còn chịu trách nhiệm đào tạo giảng viên, cung cấp học liệu và cam kết tiếp nhận sinh viên ra trường.
Đối với bưu chính, từ cách làm của Trung Quốc, Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Bưu chính lưu ý việc ban bố tiêu chuẩn và giám sát, đánh giá và công bố chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp tham gia thị trường chuyển phát.
Kinh nghiệm của bưu chính Trung Quốc là "các sàn thương mại điện tử được tổ chức công ty chuyển phát, song không được độc quyền mà người dùng phải được lựa chọn đơn vị phát hàng cho họ".
Đối với lĩnh vực báo chí, PTTH, Trung Quốc coi internet là mặt trận chính, vì thế phải chiếm lĩnh, làm chủ mặt trận này. Đối với các tin tức quan trọng, Trung Quốc duy trì đồng thời 2 phương thức là nhanh và sâu. Nhanh là trên các kênh đa phương tiện, sâu là trên các kênh truyền thống. “Ngắn” cũng là một đặc tính của truyền thông Trung Quốc, khi các phim ngắn đang được phát triển rất mạnh và phù hợp với xu thế của các nền tảng số.
Từ đó, người đứng đầu ngành TT&TT giao Cục PTTH&TTĐT hướng dẫn các cơ quan truyền thông áp dụng cách làm này để tuyên truyền những sự kiện lớn.
“Chúng ta cần tư duy theo hướng, cái mới là công cụ để làm tốt việc của mình, không phải là kẻ thù”, Bộ trưởng lưu ý.
Đối với lĩnh vực báo chí, Trung Quốc xây dựng mô hình tập đoàn báo chí ở cấp tỉnh và hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp, có sự hỗ trợ của Nhà nước theo phương thức đặt hàng từ 10 - 20%. Vì vậy Bộ trưởng đã giao Cục Báo chí nghiên cứu và chỉ ra mô hình tập đoàn cho các cơ quan báo chí lớn với quan điểm có thể phát triển từ 8 -10 tập đoàn báo chí trong cả nước.
Chia sẻ kết quả làm việc Bộ Công nghiệp và CNTT nước bạn - đây là cơ quan quản cả ICT và các ngành công nghiệp, bao gồm cả công nghiệp quốc phòng. Việc Trung Quốc gộp 2 lĩnh vực này là nhằm thúc đẩy chuyển đổi số các ngành công nghiệp. Trung Quốc dùng ICT làm động lực, làm lực lượng vật chất để chuyển đổi số các ngành công nghiệp.
Từ thực tế hơn 3 năm triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia và kinh nghiệm từ Trung Quốc, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị trong Bộ TT&TT phải coi chuyển đổi số các ngành công nghiệp là việc của mình, từ đó chủ động làm việc với các bộ như Công Thương, NN&PTNT, VHTT&DL..., kéo các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện chuyển đổi số các lĩnh vực.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng yêu cầu, các cơ quan, đơn vị khi đi công tác nước ngoài phải nghĩ sâu, tìm hiểu kỹ để mang về những bài học, cách làm giá trị có thể áp dụng cho Việt Nam.
Bộ trưởng cũng hướng dẫn cụ thể cách làm, các đơn vị công tác về có báo cáo, các thứ trưởng cần làm sâu, tìm nội dung có thể ứng dụng và dự thảo Chỉ thị của Bộ trưởng về việc ứng dụng kinh nghiệm đó vào thực tế, giao nhiệm vụ cho các một số nơi về những việc cần làm ngay.