Phó Chánh án TAND TP.HCM chia sẻ về kỹ năng của trợ giúp viên pháp lý

Phó chánh án TAND TP.HCM Phùng Văn Hải cho biết trợ giúp viên pháp lý phải có nhiều kỹ năng; trong đó, khi tham gia phiên tòa hình sự thì cần có kỹ năng hỏi, trình bày luận cứ, bảo vệ, quản lý cảm xúc...

Hôm qua (31-5), Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng cho người tiến hành tố tụng trên địa bàn TP.HCM năm 2024.

Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Tấn Đạt (Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM), cho biết buổi hội nghị tập huấn được tổ chức với mong muốn sẽ mang lại những bài học kinh nghiệm, áp dụng giải quyết được các vướng mắc khó khăn, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ TGPL...

 Ông Huỳnh Tấn Đạt (Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: YC

Ông Huỳnh Tấn Đạt (Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: YC

Tại hội nghị, TS Phùng Văn Hải (Phó Chánh án TAND TP.HCM) trình bày tham luận về kỹ năng TGPL trong TTHS.

Về tư cách tham gia TTHS của trợ giúp viên pháp lý, ông Hải cho rằng BLTTHS 2015 quy định về người thực hiện TGPL với các tư cách người bào chữa; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: YC

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: YC

Đáng chú ý, ông Hải đã chia sẻ về nhiều kỹ năng mà trợ giúp viên pháp lý cần có. Trong đó, theo ông Hải, phiên tòa hình sự sơ thẩm giữ vai trò quan trọng trong TTHS. Đây là nơi điều tra công khai, thẩm tra các chứng cứ của vụ án với sự tham gia đầy đủ của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Thông qua phiên tòa, các bên có quyền đưa ra những tài liệu, chứng cứ mới, có quyền yêu cầu triệu tập và xét hỏi người làm chứng mới... để thực hiện việc chứng minh; thể hiện quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án.

Đối với luật sư, dù là người bào chữa hay người bảo vệ quyền lợi cho đương sự, phiên tòa sơ thẩm cũng là nơi kết tinh kết quả lao động của luật sư từ các giai đoạn trước đó, là nơi luật sư thể hiện quan điểm bào chữa, bảo vệ của mình trước HĐXX, những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và người tham dự phiên tòa.

Vì vậy, việc chuẩn bị cho phiên tòa sơ thẩm cần được tiến hành một cách chu đáo, tỉ mỉ, bởi lẽ, như mọi công việc khác, chuẩn bị tốt là đã bảo đảm cơ hội 50% thành công.

 Ông Phùng Văn Hải (Phó Chánh án TAND TP.HCM) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: YC

Ông Phùng Văn Hải (Phó Chánh án TAND TP.HCM) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: YC

Theo ông Hải, trợ giúp viên pháp lý cần có nhiều kỹ năng như kỹ năng hỏi, trình bày luận cứ, kỹ năng đối đáp, tranh luận. Trong đó, khi trình bày bản luận cứ, cần trình bày xúc tích, dễ hiểu tránh dài dòng; sắp xếp, tóm gọn trọng tâm các luận điểm và luận cứ chứng minh luận điểm của mình để trình bày. Cần lưu ý khi trình bày cần tránh đọc quá chậm hoặc quá nhanh, giọng phải dõng dạc, nói đủ nghe, có lúc phải nhấn nhá kèm ngữ điệu phù hợp đối với những vấn đề quan trọng để thu hút sự chú ý và đồng tình của HĐXX.

Còn đối đáp, tranh luận, theo ông Hải, không khí phiên tòa sẽ vô cùng căng thẳng do các bên đều muốn bảo vệ quan điểm của mình là đúng, đồng thời đối phương sẽ có những thủ thuật nhằm công kích cá nhân. Chính vì vậy, trong mọi trường hợp kỹ năng quản lý cảm xúc, bình tĩnh, sáng suốt trong mọi tình huống nhằm thể hiện sự chuyên nghiệp, tôn trọng HĐXX.

Đặc biệt đối với phiên tòa có bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì đòi hỏi người trợ giúp viên pháp lý phải chú trọng hơn nữa đến kỹ năng này. Việc đối đáp tranh luận phải tạo được không khí ôn hòa, thân thiện, tránh kích động tâm sinh lý của người chưa thành niên, cũng tránh gây tổn thương ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của người chưa thành niên phạm tội...

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/pho-chanh-an-tand-tphcm-chia-se-ve-ky-nang-cua-tro-giup-vien-phap-ly-post793430.html