PHÓ CHỦ TỊCH HỘI VÔ TUYẾN-ĐIỆN TỬ ĐOÀN QUANG HOAN: DỰ ÁN LUẬT VẪN CÒN NHIỀU VẤN ĐỀ CẦN CÓ NGHỊ ĐỊNH HƯỚNG DẪN

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) ủng hộ việc xây dựng và xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện để đáp ứng với sự phát triển của thị trường và công nghệ, cũng như để tháo gỡ một số vướng mắc trong việc thực thi.

Tai Hội nghị thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Mội trường tổ chức gần đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn khẳng định: Việc ban hành Luật nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của Nghị quyết về chỉ số đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, về phát triển khoa học – công nghệ; khai thác hiệu quả tài nguyên, nguồn lực, trong đó có tài nguyên tần số. Đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật nói chung và để kịp thời giải quyết những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nói riêng.

Tuy nhiên, so với dự án Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, trong hồ sơ Chính phủ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này, vẫn còn một số nội dung cần bổ sung, chỉnh sửa để phù hợp so với thực tiễn cuộc sống, sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện; đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tần số vô tuyến điện.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, ông Đoàn Quang Hoan - Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) ủng hộ việc xây dựng và xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện để đáp ứng với sự phát triển của thị trường và công nghệ cũng như để tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc trong việc thực thi.

Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam đánh giá cao sự chuẩn bị rất bài bản và công phu của cơ quan chủ trì soạn thảo. Dù chỉ là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật 2009 nhưng một khối lượng công việc rất lớn đã được thực hiện, bao gồm cả các dự thảo Nghị định, quyết định của Thủ tướng đã được chuẩn bị rất công phu.

Về cơ bản, Hội nhất trí cao với dự án Luật được đưa ra thảo luận tại cuộc họp, cũng như các ý kiến giải trình của Bộ Thông tin và Truyền thông về ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và doanh nghiệp. Tuy nhiên, dự án Luật vẫn còn nhiều vấn đề cần có Nghị định hướng dẫn. Trong khi Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 không cần Nghị định hướng dẫn nên đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật xem xét lại.

Ông Đoàn Quang Hoan - Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Ông Đoàn Quang Hoan - Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Cho ý kiến về quy định đấu giá tần số và nội dung cụ thể của Điểm b, khoản 3, điều 18 sửa đổi đối với băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng quy định tại điểm a khoản này, áp dụng phương thức cấp giấy phép thông qua đấu giá, chỉ thi tuyển trong trường hợp cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng, trong thời gian nhất định hoặc cần thúc đẩy cạnh tranh, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan cho rằng, một trong những chính sách quan trọng nhất thể hiện trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 là áp dụng cơ chế thị trường trong việc cấp phép băng tần có giá trị cao thông qua đấu giá hoặc thi tuyển. Chính sách này nhằm vào các băng tần dành cho thông tin di động trong bối cảnh thị trường thông tin di động nở rộ trong thời gian trước năm 2009 với nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch cổ phần hóa.

Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách này là minh bạch hóa quy trình cấp phép để cấp phép tài nguyên tần số cho những doanh nghiệp thực sự có năng lực phát triển hạ tầng viễn thông và cung cấp dịch vụ viễn thông, sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số. Mục tiêu thứ hai mới là thu tiền sử dụng tài nguyên cho ngân sách. Thế nhưng, từ ngày ban hành đến nay, chính sách này chưa được thực hiện thành công. Hơn chục năm qua, chúng ta không cấp phép được băng tần nào cho thông tin di động, trong khi nhu cầu của thị trường rất lớn.

Theo Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan, quy định đấu giá tần số đã làm cho việc cấp phép băng tần trở nên khó khăn, phức tạp và kéo dài. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đâu là nguyên nhân trực tiếp. Khi thực thi chính sách này gặp khó khăn vì 2 nguyên nhân chính là khó áp dụng các quy định của Luật Đấu giá tài sản cho việc đấu giá tần số và vẫn xảy ra chuyện bàn cãi trong quá trình thực thi. Vì vậy, trong dự án Luật sửa đổi lần này cần tháo gỡ những khó khăn này.

Khó khăn trong việc áp dụng việc áp dụng Luật Đấu giá tài sản là có thật, đến nỗi trong dự thảo đầu tiên cơ quan soạn thảo đã đưa vào dự thảo một điều là không áp dụng Luật Đấu giá tài sản cho việc đấu giá tần số. Khó khăn này đã được tháo gỡ bằng một Nghị định của Chính phủ.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan vẫn băn khoăn nếu quy định như điểm b, khoản 3 điều 18 sửa đổi thì liệu có thể xảy ra việc bàn cãi, tranh luận trong quá trình thực thi, một trong những nguyên nhân dẫn đến chưa cấp phép băng tần cho dịch vụ di động băng rộng 4G cho đến bây giờ hay không?

Dự án sửa đổi, một mặt khẳng định áp dụng phương thức đấu giá tần số khi cấp phép băng tần cho dịch vụ thông tin di động, nhưng mặt khác vẫn quy định phương thức thi tuyển trong trường hợp cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng, trong thời gian nhất định hoặc cần thúc đẩy cạnh tranh. Tiêu chí này hoàn toàn có thể áp dụng cho các băng tần 4G, 5G sẽ phải cấp phép trong thời gian tới để đáp ứng với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan đề nghị, chỉ nên quy định một hình thức cấp phép băng tần đối với thông tin di động, hoặc nếu chọn đấu giá là ưu tiên sửa đổi tiêu chí cho thi tuyển để tránh chuyện bàn cãi trong quá trình thực thi. Luật quy định hình thức gì thì Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông phải quyết tâm thực hiện hình thức đó.

Về bổ sung khoản 4 của điều 45: Trường hợp cần thiết, căn cứ các quy định của Luật này, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh để kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điên tử Việt Nam Đoàn Quang Hoan đề nghị cân nhắc việc sửa đổi này trên hai khía cạnh là sự cần thiết và tính khả thi.

Ưu tiên cho mục tiêu đảm bảo quốc phòng, an ninh là ưu tiên cao nhất trong sử dụng tần số nên trong Luật 2009 đã có điều 45, khoản 3 quy định: Trường hợp có tình huống ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được phép sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài các tần số vô tuyến điện đã được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh, đồng thời thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông và điều 9, khoản 2 quy định cấm sử dụng tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích quốc phòng, an ninh vào mục đích khác. Liệu dự án Luật sửa đổi bổ sung khoản 4 như vậy có làm giảm nhẹ yêu cầu ưu tiên cho mục đích quốc phòng an ninh hay không? Nhất là trong tình hình vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp khó lường của tình hình thế giới như hiện nay.

Ngoài ra, về tính khả thi của điều khoản này cũng cần có sự cân nhắc thấu đáo. Khi dự thảo phân bổ tần số cho quốc phòng, an ninh trình Thủ tướng phê duyệt, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong Ủy ban Tần số vô tuyến điện phải xem xét rất chi tiết tất cả các yếu tố chiến thuật, kỹ thuật và công nghệ, xem xét kỹ mục đích sử dụng và yêu cầu về băng thông cần thiết để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia, gần như không sử dụng băng tần và công nghệ thông tin thương mại cho mục đích quốc phòng an ninh để đảm bảo tính bảo mật, an toàn cho các hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng anh ninh. Vì thực tế khó có thể sử dụng tần số phân bổ cho quốc phòng an ninh vào mục đích phát triển kinh tế xã hội nên tính khả thi của điều này không cao, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cân nhắc kỹ lưỡng./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=63621