Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Kinh tế

Chiều 9.9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tới dự.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp. Cùng tham dự có đại diện Thường trực các Ủy ban: Pháp luật, Xã hội, Tài chính – Ngân sách; đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Kinh tế

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Kinh tế

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm 12 Chương, 117 Điều, bám sát 5 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật này. Cụ thể, dự luật mở rộng đối tượng tham gia tổ chức kinh tế hợp tác gồm cá nhân từ 15 tuổi trở lên, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân; thành viên liên kết có góp vốn, thành viên liên kết không góp vốn; đồng thời, bổ sung nghĩa vụ của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân phải kết nạp thành viên khi đủ điều kiện.

Dự án Luật cũng hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện. Trong đó, tổ hợp tác được quy định rõ sẽ không có tư cách pháp nhân, đăng ký tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện; liên đoàn hợp tác xã (HTX) là tổ chức kinh tế có quy mô cấp vùng, cấp quốc gia trong các lĩnh vực, ngành nghề, chuỗi giá trị hoạt động chuyên môn hóa cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu

Để mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển, dự thảo Luật quy định theo hướng cá nhân, tổ chức có thể góp vốn bằng quyền sở hữu, hoặc quyền hưởng dụng đối với tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất, phương tiện vận tải hay các tài sản bằng hiện vật khác cho tổ chức kinh tế hợp tác (TCKTHT) theo quy định của Điều lệ, quy định của pháp luật và quy định về định giả phần vốn góp; việc góp vốn bằng quyền hưởng dụng thì không phải chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn từ thành viên sang TCKTHT, cho phép thành viên được phép chuyển nhượng phần vốn góp và được TCKTHT xác nhận. Theo quy định tại dự thảo Luật, tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân được phép hoạt động tín dụng nội bộ theo quy định của pháp luật (dự kiến Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn để bảo đảm phù hợp với các quy định pháp luật của ngành ngân hàng).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cũng cho biết, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật, do hiện đang có hai phương án. Cụ thể, phương án thứ nhất là giữ tên gọi dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) như tại đề nghị xây dựng luật; phương án thứ hai là để tên gọi Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác – là phương án Chính phủ lựa chọn.

Các đại biểu tham dự cuộc họp cho rằng, hồ sơ dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Chính phủ chuẩn bị khá sớm trên cơ sở Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18.3.2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012. Dự thảo Luật được chuẩn bị công phu, cơ bản bảo đảm yêu cầu, tuân thủ quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư tới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến không tán thành với phương án thay đổi tên gọi thành dự án Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác như đề nghị của Chính phủ, dù mở rộng đối tượng điều chỉnh, không chỉ áp dụng với hợp tác xã như hiện nay. Có ý kiến cho rằng, với phạm vi, đối tượng điều chỉnh được Chính phủ đề xuất sẽ tương tự như xây dựng một đạo luật mới, để tên gọi là dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) không phù hợp, song phương án được Chính phủ đề xuất cũng chưa phải là phương án tốt nhất. Do vậy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có tên gọi bám sát với tinh thần Nghị quyết số 20 -NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra trong thực hiện quy trình, thủ tục để trình dự án Luật ra Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, kinh tế tập thể có nhiều loại hình, do đó, không nên khuôn vào một mô hình cụ thể mà mô hình nào phát huy hiệu quả cũng cần được khuyến khích thực hiện. Tính chất của HTX cũng khác với doanh nghiệp nên cần tránh mang mô hình công ty cổ phần, phương thức hỗ trợ tín dụng, đầu tư của doanh nghiệp đưa vào dự thảo Luật này để áp dụng với HTX. Mục tiêu bao quát khi xây dựng dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) là phải bảo đảm phát huy các nguồn lực, làm sôi động nền kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của hàng chục triệu người sản xuất nhỏ, nông dân, ngư dân…

Nhấn mạnh mô hình HTX hiện nay rất khác so với trước đây, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần chú ý rà soát, nghiên cứu để tổ chức hiệu quả các mô hình như liên minh, liên đoàn HTX, bảo đảm sử dụng vốn góp hiệu quả; kinh nghiệm thế giới đã cho thấy HTX phát triển mạnh khi thành lập được doanh nghiệp của mình; xây dựng các mô hình HTX phù hợp với sự đa dạng về tổ chức HTX ở các miền Bắc, Trung, Nam hiện nay, cũng như với từng lĩnh vực…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã hiện hành phải bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật; góp phần tháo gỡ khó khăn hiện nay của HTX về cơ sở vật chất, cán bộ quản lý, phương thức quản trị, bảo đảm sẽ hỗ trợ tổ chức được các HTX kiểu mới, tăng cường liên kết, khả năng cạnh tranh cho các đơn vị này. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần chú ý hoàn thiện các điều khoản điều chỉnh về mô hình tổ chức quản trị, điều hành HTX; cơ chế góp vốn, hỗ trợ; quyền và nghĩa vụ các thành viên; mô hình kiểm toán, các tiêu chuẩn, tiêu chí để thực hiện kiểm toán… Trong đó, phương thức quản trị với HTX cần chú ý để bảo đảm “vừa chặt, vừa lỏng”, phù hợp với tâm lý, tập quán của nông, ngư dân tại từng vùng miền trên cả nước; quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong quá trình tham gia góp vốn vào HTX.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, trong dự thảo Luật có khá nhiều nội dung cần nghiên cứu tiếp; cố gắng đưa vào tối đa các quy định tại văn bản hướng dẫn thực hiện Luật hiện hành được triển khai hiệu quả thời gian qua; tránh tình trạng giao Chính phủ, bộ, ngành quy định chi tiết quá nhiều điều khoản… Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần tiếp tục rà soát để bảo đảm sự thống nhất với các luật hiện hành, cũng như thống nhất với một số dự án Luật liên quan sẽ được trình Quốc hội tới đây.

Tin và ảnh: P.Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-duc-hai-du-phien-hop-mo-rong-cua-thuong-truc-uy-ban-kinh-te-i300347/