Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 24.7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ trì Phiên họp thứ 10 của Hội đồng.

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Cùng dự có: Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các thành viên Hội đồng; đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số cơ quan liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì Phiên họp Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên họp này, Hội đồng khoa học sẽ tiến hành góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Đây là dự luật tương đối khó, mang tính pháp lý rất cao, vì có nhiệm vụ thể chế hóa các nghị quyết của Đảng từ nhiệm kỳ khóa XII đến nay và có tính chính trị - xã hội lớn. Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, thì yêu cầu về hệ thống công đoàn, tổ chức đại diện của công nhân... cũng rất khác so với trước.

“Các ý kiến góp ý của Hội đồng khoa học nhằm tăng thêm tố chất khoa học trong quyết định của Quốc hội. Thời gian qua, các thành viên Hội đồng đã tích cực đóng góp ý kiến vào nhiều dự án luật khó, như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)... và đều là những ý kiến rất quan trọng, có giá trị cao về mặt lý luận khoa học và thực tiễn, là nguồn tài liệu tham khảo quý báu đối với đại biểu Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên họp Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên họp Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Các thành viên Hội đồng khoa học tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi) để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 và khắc phục hạn chế, bất cập trong các quy định pháp luật về công đoàn, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp

Các đại biểu cũng cho ý kiến về việc tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 trong dự thảo Luật; bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam; tài chính công đoàn; quản lý, phân bổ, sử dụng tài chính công đoàn và công khai tài chính công đoàn và các vấn đề khác từ thực tiễn thi hành Luật Công đoàn trong thời gian qua.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu quy định cụ thể hơn những vấn đề nào về cơ cấu tổ chức bộ máy và chức danh cán bộ công đoàn phải trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định, những vấn đề nào giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định theo thẩm quyền để thể hiện rõ tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thi hành luật.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học phát biểu tại phiên họp

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học phát biểu tại phiên họp

Cũng tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã cho ý kiến về kết quả triển khai Đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” trong quý II.2024 và dự kiến công việc triển khai trong quý III.2024.

Báo cáo kết quả triển khai Đề tài, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ, các cơ quan, đơn vị và thành viên Đề tài đều cố gắng triển khai thực hiện, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng; có cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện bài bản, khoa học, sớm hơn so với tiến độ trong kế hoạch.

Các thành viên luôn tích cực, chủ động hoàn thành công việc đúng tiến độ; giữ vai trò nòng cốt, chủ trì tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu đối với các nhiệm vụ giao cho các cơ quan. Trong quá trình triển khai các nội dung công việc, các cơ quan, đơn vị, thành viên Đề tài đã có sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin tốt hơn so với thời gian trước đây, bảo đảm hoàn thành tốt công việc của mình.

Trong quý III.2024, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tiếp tục xin ý kiến chuyên gia đối với các báo cáo tổng hợp chương của Đề tài theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội - Chủ nhiệm đề tài; thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chủ nhiệm Đề tài, thực hiện đúng quy định với vai trò là cơ quan chủ quản và tổ chức chủ trì.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các ý kiến hết sức tâm huyết, trí tuệ, thẳng thắn, chứa đựng hàm lượng khoa học cao của các thành viên Hội đồng. Thường trực Hội đồng khoa học sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ và xây dựng báo cáo gửi Ủy ban Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; biên tập thành các tài liệu chuyên đề để cung cấp cho các đại biểu Quốc hội tham khảo trong quá trình cho ý kiến vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Đối với Đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan và các thành viên Đề tài trong hoàn thành các công việc của quý II cũng như 6 tháng đầu năm. Viện Nghiên cứu lập pháp thời gian vừa qua cũng đã có nhiều đổi mới, tiếp tục thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực của Ban Chủ nhiệm Đề tài.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, những cơ quan còn chậm tiến độ cần tập trung huy động lực lượng để thực hiện nhiệm vụ theo đúng kế hoạch; các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và thành viên Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban Chủ nhiệm và Viện Nghiên cứu lập pháp trong quá trình triển khai thực hiện.

Về phía Viện Nghiên cứu lập pháp, thời gian tới cần tích cực phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổ chức nghiên cứu “từ sớm, từ xa” đối với các dự án Luật khó, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau để nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn và tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tin và ảnh: Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-khac-dinh-chu-tri-phien-hop-hoi-dong-khoa-hoc-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-i381920/