Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tiếp Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Sáng 13.4, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã tiếp Phó Chủ tịch Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) khu vực châu Á – Thái Bình Dương Alfonso Garcia Mora.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao việc Phó Chủ tịch Alfonso Garcia Mora thăm Việt Nam, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác lâu dài giữa IFC và Việt Nam.
Phó Chủ tịch IFC Alfonso Garcia Mora cho biết, hiện nay, IFC đã thực hiện các hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam thay vì thông qua các nhà đầu tư nước ngoài như trước đây. Điều này cho thấy bước tiến trong sự phát triển và hợp tác giữa Việt Nam và IFC. Phó Chủ tịch IFC khu vực châu Á – Thái Bình Dương Alfonso Garcia Mora mong muốn được trao đổi thêm về tình hình xử lý nợ xấu, việc xây dựng và sửa đổi Luật Đất đai.
Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam luôn đánh giá cao sự hỗ trợ của IFC đối với Việt Nam trong thời gian qua. IFC đã và đang là nhà đầu tư lớn, người bạn đồng hành có đóng góp tích cực cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam. IFC cũng thường xuyên hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu – COP 26.
Thông tin thêm về ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu; đồng thời cũng coi đây là cơ hội để chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tuần hoàn, cacbon thấp, chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, trong đó có một chương về ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời lồng ghép những yêu cầu về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu trong các văn bản luật có liên quan. Tuy nhiên, để thực hiện những cam kết này đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Nêu rõ đây là khó khăn, thách thức đối với các nước phát triển, trong đó có Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị IFC tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Đánh giá cao IFC đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện Đề án tái cơ cấu ngân hàng và phát triển thị trường xử lý nợ xấu; phối hợp với TP. Hồ Chí Minh để tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng; quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân… Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, IFC tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực này.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị IFC hỗ trợ Việt Nam thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia về: phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Phó Chủ tịch IFC Alfonso Garcia Mora nêu rõ, các vấn đề được Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt ra trùng khớp với mục tiêu hoạt động của IFC tại Việt Nam. Trong thời gian tới, IFC sẽ tiếp tục trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn, thúc đẩy hợp tác với Ủy ban Kinh tế nói riêng, Quốc hội Việt Nam nói chung trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, trong đầu tư, hỗ trợ kinh tế tư nhân, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tạo dựng hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
IFC là một trong 5 tổ chức thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới, hiện có 184 quốc gia là thành viên, trong đó có Việt Nam, được thành lập năm 1956 nhằm hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân của các nước thành viên với các hoạt động chính bao gồm: cung cấp vốn, khoản cho vay dài hạn, bảo lãnh các khoản vay, các sản phẩm quản lý rủi ro, chia sẻ rủi ro cùng với chủ đầu tư và các đối tác tài chính khác nhưng không trực tiếp tham gia vào quản lý dự án; trợ giúp tư vấn về các lĩnh vực có liên quan.