Phó chủ tịch tỉnh kiêm Chủ tịch HĐT Đại học Thái Bình, chuyên gia nói gì?

Bà Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình hiện đang kiêm nhiệm Chủ tịch HĐT Trường Đại học Thái Bình.

Liên quan đến việc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình hiện đang kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thái Bình, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ cho rằng:

“Trong điều kiện chưa cử được Chủ tịch Hội đồng trường, việc để Phó chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường là giải pháp tình thế trước mắt, có thể chấp nhận”.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Vận, không thể để việc kiêm nhiệm kéo dài quá lâu. Thay vào đó, nhà trường cần sớm kiện toàn nhân sự bộ máy Hội đồng trường để điều hành các hoạt động của trường về lâu dài.

Danh sách Hội đồng trường Trường Đại học Thái Bình công khai trên website của nhà trường, ảnh chụp màn hình ngày 24/7/2023

Danh sách Hội đồng trường Trường Đại học Thái Bình công khai trên website của nhà trường, ảnh chụp màn hình ngày 24/7/2023

Nếu chiếu theo luật pháp, cụ thể tại điểm b, khoản 4, điều 16, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 (gọi tắt Luật 34) quy định:

"b) Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín và được cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận; trường hợp thành viên ngoài trường đại học trúng cử chủ tịch hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của trường đại học; chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường đại học;"

Như vậy, khi bà Trần Thị Bích Hằng đã đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng trường, nghĩa là trở thành cán bộ cơ hữu của trường đại học. Tuy nhiên, hiện bà Hằng vẫn đang là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cả hai nhiệm vụ được giao đều yêu cầu về thời gian và lượng công việc rất lớn.

Bàn luận thêm, Giáo sư Đặng Ứng Vận cho rằng, nếu xét theo luật, việc kiêm nhiệm như hiện nay có điểm chưa hợp lý. Tuy nhiên, vì tính chất vị trí Chủ tịch Hội đồng trường yêu cầu rất cao, do vậy không nên quá cứng nhắc khi điều kiện trước mắt chưa thể kiện toàn đầy đủ.

“Chủ tịch Hội đồng trường là vị trí yêu cầu người đảm nhận phải năng lực quản trị đại học tốt, các năng lực xử lý vấn đề đa dạng để quyết định các chiến lược, chính sách phát triển lâu dài của trường đại học, chứ không chỉ vấn đề giảng dạy hay nghiên cứu khoa học,... - những nội dung này đã có Hiệu trưởng phụ trách”, Giáo sư Vận nói.

Bà Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thái Bình tặng hoa chúc mừng tân hiệu trưởng, ngày 18/7/2023. Ảnh: website nhà trường

Bà Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thái Bình tặng hoa chúc mừng tân hiệu trưởng, ngày 18/7/2023. Ảnh: website nhà trường

Cũng đồng quan điểm với Giáo sư Đặng Ứng Vận, Tiến sĩ Lê Đông Phương (chuyên gia về giáo dục đại học) cho rằng, việc cử lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh kiêm nhiệm vị trí lãnh đạo trường đại học có thể được xem là giải pháp tình thế trước mắt.

Chuyên gia phân tích, thực tế, việc bổ nhiệm lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh kiêm nhiệm các vị trí lãnh đạo của trường đại học địa phương là câu chuyện đã có tiền lệ.

“Trước đây, cũng từng có Thứ trưởng kiêm nhiệm vị trí Hiệu trưởng trường đại học để giải quyết những khó khăn trước mắt của các trường, nhưng chỉ là tạm thời. Đơn cử như Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng đã có thời gian hơn 1 năm kiêm nhiệm vị trí hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân”, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho biết.

Theo chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới các trường hợp kiêm nhiệm chủ yếu do các điều kiện phức tạp bên trong trường đại học. Khi tạm thời chưa có nhân sự hội đủ các điều kiện để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, thì cơ quan quản lý trực tiếp - trong trường hợp này là Ủy ban nhân dân tỉnh, buộc phải tạm cử nhân sự đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo của trường đại học để duy trì hoạt động trước mắt của nhà trường.

Do vậy, việc phân công Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường đại học là trường hợp có thể linh hoạt xem xét. Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đông Phương nhấn mạnh, về lâu về dài, Ủy ban nhân dân tỉnh cần nhanh chóng kiện toàn bộ máy lãnh đạo trường đại học, đảm bảo tính pháp lý của Hội đồng trường (theo các quy định của Luật 34 và các quy định luật pháp liên quan).

Trường Đại học Thái Bình ngày nay tiền thân là trường Tài chính Thái Bình, được thành lập năm 1960. Trường đã trải qua nhiều lần sáp nhập, tiếp nhận các đơn vị bồi dưỡng, đào tạo như: Trường Thống kê (1973), Trường Ngân hàng (1974), Trường Kinh tế Kỹ thuật tại chức (1989), một bộ phận của Trường Dạy nghề thương nghiệp (1989) và nhiều lần đổi tên, nâng cấp: Trường Kinh tế Tài chính Thái Bình (1973), Trường Kinh - Tài Thái Bình (1974), Trường Trung học Kinh tế (1978), Trường Kinh tế Kỹ thuật (1989), Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Thái Bình (2000), Trường Đại học Thái Bình (2011). Tháng 10/2014, Trường tiếp nhận nguyên trạng Cơ sở phía Bắc tại Thái Bình của Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, ổn định và phát triển đến nay. [1]

Hiện chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thái Bình do bà Trần Thị Bích Hằng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiêm nhiệm. Được biết, bà Trần Thị Bích Hằng sinh năm 1973, quê thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Bà Hằng có trình độ Tiến sĩ Quản lý kinh tế, Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, cao cấp lý luận chính trị.

Trước đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Lý là người giữ chức vụ Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Thái Bình nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 7 vừa qua, tỉnh Thái Bình vừa có quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt. Theo đó, bà Nguyễn Thị Kim Lý, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thái Bình được bổ nhiệm công tác đến Sở Nội vụ, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nội vụ.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/1/178517/cong-bo-cac-quyet-dinh-ve-cong-tac-can-bo

Điểm c và d, Khoản 4, Điều 16, Luật 34/2018/QH14 nêu rõ:

c) Chủ tịch hội đồng trường có trách nhiệm và quyền hạn chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường; chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm; chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp của hội đồng trường; ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường; sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của trường đại học để hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường; thực hiện nhiệm vụ của thành viên hội đồng trường, nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;

d) Chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Bắc Sơn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/pho-chu-tich-tinh-kiem-chu-tich-hdt-dai-hoc-thai-binh-chuyen-gia-noi-gi-post236881.gd