PHÓ CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM NGỌ DUY HIỂU: GIÁM SÁT TỪ KHI KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN SẼ GIẢM THIỂU CÁC VỤ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT ĐAI

Đóng góp ý kiến vào việc cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 đối với quản lý đất đai, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu- nguyên đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội cho rằng, để giảm thiểu các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai thì không phải đợi khi dự án, công trình hoàn thiện thì mới giám sát mà phải thực hiện giám sát từ khi khởi động dự án.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Cụ thể hóa Nghị quyết TW 5 thành chương trình, có phân công, phân cấp, lộ trình rõ ràng

Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII. Hội nghị nhằm nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai các nội dung văn kiện Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII tới cấp ủy các cấp, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó định hướng cấp ủy các cấp, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và Nhân dân; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, quyết định của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần đưa Nghị quyết Hội nghị nhanh chóng đi vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII.

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe 4 chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”; “Tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”. Các chuyên đề này do các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp truyền đạt, nhằm giúp các đại biểu nắm bắt một cách đầy đủ và có hệ thống tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Để hiểu hơn về việc đóng góp ý kiến khi cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 đối với các chuyên đề trên khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống và thông qua hoạt động giám sát, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu - nguyên đại biểu Quốc hội Tp Hà Nội.

Phóng viên: Thưa ông, Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII. Xin ông cho biết những vấn đề, nội dung trọng tâm nào được ông dành sự quan tâm nhất tại Hội nghị này?

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu: Tại Hội nghị Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII đã đưa ra 4 chuyên đề tác động rất lớn đến Nhân dân và đời sống xã hội. Dưới góc nhìn cá nhân, có hai Nghị quyết mà tôi đặc biệt quan tâm liên quan đến 2 chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” và Tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Có thể khẳng định, đất đai vốn là một loại tài sản rất đặc biệt, là nguồn lực quan trọng của sự phát triển. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được thì còn có rất nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế liên quan đến đất đai. Làm thế nào để chúng ta khơi thông được nguồn lực đất đai phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, giảm bớt những bức xúc, khiếu nại, tố cáo về đất đai trong Nhân dân là kỳ vọng của nhiều đại biểu ở Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, với mong muốn sẽ giải quyết được vấn đề thể chế hóa thành các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong thời gian qua, có nhiều vấn đề liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó vấn đề được nhiều người quan tâm là chất lượng của đội ngũ cán bộ, cơ sở Đảng ở một số nơi còn hạn chế. Điều này cũng khiến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị còn hạn chế.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu - nguyên đại biểu Quốc hội Tp Hà Nội.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu - nguyên đại biểu Quốc hội Tp Hà Nội.

Phóng viên: Với những nội dung trọng tâm trên, theo ông Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 cần được thể chế hóa trong công tác xây dựng pháp luật như thế nào?

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu: Từ những vấn đề trên cho thấy, chúng ta cần quan tâm tới nội dung trọng tâm của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 là phải sớm thể chế hóa thành các quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện, chúng ta phải rất lưu lý tới tất cả những bất cập, bức xúc, những vấn đề thực tiễn cần phải được thảo luận, cân nhắc kỹ càng để chuẩn hóa thành các quy định của pháp luật nhằm định hướng, tạo hành lang pháp lý cho mọi hoạt động của Nhân dân, doanh nghiệp. Trong đó, lấy mục tiêu phát huy nguồn lực đất đai hướng tới công khai, minh bạch và đảm bảo công bằng xã hội.

Không đợi đến khi sửa đổi chính sách pháp luật mà ngay từ bây giờ, qua những tình hình thực tiễn trên thị trường đất đai trong thời gian qua, chúng ta cần thúc đẩy sự tham gia của Quốc hội, của Nhân dân trong việc giám sát các chính sách pháp luật về đất đai cũng như giám sát cán bộ, đảng viên trong việc thực thi nhiệm vụ cũng như lối sống, ứng xử văn hóa của họ.

Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong các giám sát của Quốc hội phải dựa trên cơ sở báo cáo giám sát. Theo đó, Quốc hội cần giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật trong việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm. Ngoài ra, các cơ quan của Chính phủ cần đề xuất với Quốc hội những vấn đề phải điều chỉnh chính sách. Nếu cơ quan chức năng phát hiện ra những bất cập gì thì phải tìm hướng điều chỉnh kịp thời. Tránh tình trạng như thời gian qua, vấn đề đất đai ở một số lâm trường đã được giám sát, kiểm tra nhiều nhưng đến nay việc giải quyết nó vẫn còn bế tắc. Bất cập này dẫn đến lãng phí hàng triệu m3 đất và kèm theo đó là tình trạng vi phạm, lấn chiếm, khiếu nại, tranh chấp xung quanh vấn đề đất đai ở lâm trường diễn ra phức tạp. Vì vậy, từ định hướng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 cho đến việc tổ chức xây dựng pháp luật, giám sát và xử lý các vụ việc là một quá trình làm cho Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 sát với thực tế cuộc sống như mong đợi của Đảng ta.

Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII.

Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII.

Phóng viên: Riêng đối với quản lý thị trường đất đai, theo ông, công tác giám sát của Quốc hội nên thực hiện như thế nào trong thời gian tới để giảm thiểu các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai?

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu: Trong thời gian qua, công tác giám sát đã được Quốc hội đã được quan tâm đẩy mạnh. Tuy nhiên, để giảm thiểu các vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai thì không phải đợi khi dự án, công trình hoàn thiện thì mới giám sát mà phải thực hiện giám sát từ khi khởi động dự án. Trong quá trình triển khai dự án, các cơ quan của Quốc hội có thể cảnh báo sớm, lưu ý, nhắc nhở các đơn vị triển khai để tránh được thiệt hại tài sản của Nhà nước; tránh thiệt hại về cán bộ khi họ có biểu hiện vi phạm. Sau các đợt giám sát, ngoài việc báo cáo, phát biểu, trình bày với Quốc hội thì từng kiến nghị, đề xuất cụ thể, từng thiếu sót, sai phạm vẫn phải tiếp tục được giám sát. Các cơ quan giám sát của Quốc hội vẫn phải tiến hành giám sát xem cơ quan, đơn vị, cá nhân thực hiện những kết luận của cơ quan chức năng như thế nào. Vì vậy, cần có sự phối hợp một cách nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội với cả các cơ quan Chính phủ và cơ quan kiểm tra của Đảng để phát hiện và ngăn chặn những sai phạm liên quan đến đất đai.

Hiện nay, tôi thấy là cơ quan kiểm tra của Đảng đang thực hiện rất tốt công tác giám sát. Đó là trong quá trình giám sát, các cơ quan kiểm tra của Đảng đã phát hiện ra những sai phạm thì đặt ra yêu cầu với các đơn vị, cá nhân bị giám sát trong 6 tháng đến 1 năm phải báo cáo kết quả thực hiện kết luận giám sát, kiểm tra đó. Tôi cho rằng, đối với Quốc hội cũng cần tập trung vào những vấn đề cụ thể để đưa ra các yêu cầu với đơn vị bị giám sát phải khắc phục, sửa đổi. Từ đó làm cho hiệu lực của các đợt giám sát được nâng cao hơn.

Dự kiến, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 4 (tháng 10/2022), kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Vì vậy, trên cơ sở định hướng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 đối với chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, các cơ quan chức năng phải thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết vào trong Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, những bất cập, khó khăn liên quan đến đất đai cần phải được bàn thảo kỹ lưỡng để lựa chọn, quy phạm hóa thành quy định ở trong Luật Đất đai (sửa đổi).

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=66815