Phố chưa thành phố, làng có còn làng
Xây dựng vùng nông thôn phát triển bền vững vừa bảo tồn nét đẹp truyền thống vừa nâng tầm văn minh hiện đại là xu thế hiện nay.
Bởi lẽ đó, muốn nông thôn ngày nay trở thành một kết cấu bền vững như mong muốn thì ngoài những yếu tố như phát triển hạ tầng, kinh tế, ổn định xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân thì bảo tồn mạch nguồn di sản văn hóa, tôn tạo cảnh quan làng quê và phát huy những đạo lý tốt đẹp là một vấn đề rất quan trọng.
Văn hóa làng, cả văn hóa vật thể và phi vật thể, được nông dân Việt Nam xây dựng và đắp bồi từ ngàn đời nay. Hệ thống giá trị quý báu ấy đã nhập hòa vào máu thịt của người dân sinh ra và lớn lên trong lòng làng quê, nó góp phần quan trọng đắp bồi hồn cốt, tạo giá trị khác biệt và tỏa sáng tính đa dạng của không gian nông thôn Việt Nam.
Qua nhiều thế hệ, văn hóa làng hình thành, được lưu giữ bởi những nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng truyền đời của người dân; tồn tại một cách tự nguyện trong tình yêu của mỗi người với quê hương, với cội rễ sinh thành. Hệ thống những giá trị quý báu ấy tồn tại một cách khá ổn định bởi từng trải qua một quá trình tạo lập và sàng lọc tiếp nối nhiều thế hệ.
Trong thời đương đại, đời sống kinh tế-xã hội nông thôn mỗi ngày thêm khởi sắc, nhất là từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Làng quê bây giờ ít còn nghe chuyện đói nghèo, người quê đã giàu hơn bởi công nghiệp về làng, bởi sự năng động, bươn chải làm ăn trăm miền, trăm nghề và còn bởi đất đai tăng giá.
Nông thôn ngày nay chẳng còn thiếu thứ gì mà thành thị có. Hạ tầng đổi mới với nhiều đường làng mở rộng, thảm nhựa; nhiều biệt thự, xe hơi và phương tiện sản xuất hiện đại, internet và truyền hình cáp trở nên phổ biến. Làng có vẻ lớn hơn, khang trang và hiện đại hơn, nhưng điều đáng lo ngại là không ít làng đang nguy cơ đánh mất dần vẻ đẹp trữ tình, thanh tao truyền thống. Tệ nạn về làng đã không còn xa lạ. Môi trường bị hủy hoại, ô nhiễm trong khi các thiết chế và dịch vụ bảo vệ môi trường phát triển không theo kịp. Nhiều vấn đề nhức nhối trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội nảy sinh. Nhiều làng bây giờ trông như những chiếc hộp hổ lốn đa phong cách, xấu đi từ quy hoạch, kiến trúc, và nhất là bị phá vỡ nhiều giá trị từng đi vào tâm thức bao thế hệ người làng.
Làng phát triển theo hướng "lên đời" phố, nhưng phố chưa hẳn đã ra phố, mà làng chẳng còn dáng dấp của làng. Mái đình xưa, cây đa cũ, bến nước đẹp, cây cầu đá trăm năm trở nên lạc lõng bởi sự "sắp đặt" quy hoạch kiểu ăn xổi, ở thì. Nhiều lễ hội dân gian truyền thống, câu dân ca ngọt ngào, điệu dân vũ tình tứ có từ thuở ông bà cũng dần bị lãng quên.
Bên cạnh đó, những giá trị đạo lý vuông tròn, tình làng nghĩa xóm, cái chất phác, hồn nhiên như lúa như khoai trong tâm tính dân quê cũng có phần nhạt phai theo lối sống mỗi ngày thêm thực dụng...
Bức tranh nông thôn Việt Nam hiện nay đã có nhiều đổi thay tích cực. Tuy nhiên, sẽ đẹp hơn, sẽ giá trị hơn nếu trong những làng quê nông thôn hôm nay, những di sản truyền thống cả vật chất và tinh thần mà ông cha gìn giữ và trao truyền bao đời vẫn được trân trọng, phát huy, không để bị lãng quên và phai nhạt.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/pho-chua-thanh-pho-lang-co-con-lang-post711855.html