Phố cổ Hà Nội còn lại bao nhiêu ngôi đình?

Thời thế biến đổi, đình làng dần biến mất trước sự ngơ ngác của phố thị.

Tour đi bộ nghệ thuật 'Chuyện Đình trong phố' nhằm kể những câu chuyện văn hóa cho những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, di sản.

Tour đi bộ nghệ thuật 'Chuyện Đình trong phố' nhằm kể những câu chuyện văn hóa cho những người trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, di sản.

Văn hóa đình làng từng đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong đời sống người Thăng Long – Kẻ Chợ. Nhưng rồi thời thế biến đổi, đình làng dần biến mất trước sự ngơ ngác của phố thị.

Đình là trung tâm văn hóa

Vậy đến nay, phố cổ Hà Nội thực sự còn lại bao nhiêu ngôi đình? Những ngôi đình ấy còn đúng chức năng thờ Thành hoàng, tổ nghề như lúc mới lập? Và giá trị văn hóa tín ngưỡng có bị biến đổi như cách mà nhiều ngôi đình đã từng biến mất?

Hoàn thành và ra mắt công chúng với các triển lãm độc đáo, dự án “Chuyện Đình trong phố” do nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn - giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) làm giám tuyển đã kể về những câu chuyện đặc sắc về đình làng trong phố cổ.

Với mong muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa kinh kỳ Thăng Long – Kẻ Chợ, nhóm nghệ sĩ đã tiến hành dự án với sự nghiêm túc, ngay từ việc khảo sát, kiểm kê, phân tích cho đến trình bày, hệ thống hóa các điểm di tích phục vụ công tác phát huy giá trị di sản.

Sau các triển lãm vào năm 2023, mới đây nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn tổ chức tour đi bộ nghệ thuật “Chuyện Đình trong phố” để chia sẻ với các giảng viên Khoa Công nghiệp văn hóa và di sản cùng các học viên cao học (Đại học Quốc gia Hà Nội) những câu chuyện về nghệ thuật, văn hóa để mỗi người thêm một trải nghiệm về di sản đô thị đặc biệt.

“Rất nhiều người dù sống ở Hà Nội, ở phố cổ nhiều năm nhưng rất hiếm ai biết được trong khu vực ấy còn bao nhiêu ngôi đình. Theo thống kê của chúng tôi, hiện phố cổ chỉ còn 63 ngôi đình, và thực sự chỉ còn 20 ngôi đình nguyên vẹn, số còn lại đã bị thay thế hoàn toàn bằng một công trình khác”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay.

Theo ông Sơn, phố cổ được hình thành từ hệ thống các bến chợ nằm xen lẫn với các làng nông nghiệp. Theo dấu vết cũ, có thể thấy rất nhiều ao hồ, kênh rạch với các công trình tín ngưỡng như đình, chùa, đền đã được xây dựng xung quanh đó. Ngôi đình làng trở thành một trung tâm không thể thiếu trong không gian cộng đồng làng nghề quần tụ với nhau trong suốt nhiều thế kỷ.

Chức năng chính của các ngôi đình trong khu phố cổ là thờ Thành hoàng – vị thần bảo hộ cho người dân trong khu vực. Có nhiều ngôi đình thờ chính các vị thần được tôn vinh là Thành hoàng của kinh thành Thăng Long như: Thần sông Tô Lịch, thần rừng Thiết Lâm… lại có những ngôi đình thờ nhân thần là các vị vua, quan hay những người có công cai quản, trị vì đất nước như: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, nhà khoa bảng Nguyễn Trung Ngạn, tướng quân Trần Lựu… Ngoài ra, một phần rất lớn các ngôi đình được lập để thờ tổ nghề.

Tour đi bộ nghệ thuật với hành trình qua 7 ngôi đình: Hà Vỹ (11 phố Hàng Hòm, thờ tổ nghề sơn Trần Lư), đình Tú Thị (2A phố Yên Thái, thờ tổ nghề thêu Lê Công Hành), đình Yên Thái (số 8 ngõ Tạm Thương, thờ Nguyên phi Ỷ Lan), đình Nam Hương (75 phố Hàng Trống thờ thần Long Đỗ, Linh Lang, Cao Sơn), đình Trúc Lâm (40 phố Hàng Hành, thờ tổ nghề da giầy Nguyễn Thời Trung), đình Trung Yên (số 10 ngõ Trung Yên, thờ ông Mỗ - Tiến sĩ thời Mạc), đình Phúc Kiến (vốn là Hội quán Phúc Kiến, số 40 Lãn Ông thờ Thiên Hậu).

Mỗi ngôi đình ở phố cổ Hà Nội là những câu chuyện liên quan đến nghề nghiệp của cư dân xưa.

Mỗi ngôi đình ở phố cổ Hà Nội là những câu chuyện liên quan đến nghề nghiệp của cư dân xưa.

Danh tích dễ thành… phế tích

Qua sự dẫn dắt và thuyết minh của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, có thể thấy 7 ngôi đình là 7 không gian sáng tạo mang hơi thở đương đại nhưng vẫn kết nối một cách tinh tế với hồn xưa phố cổ. Nét đặc trưng xuyên suốt ở các không gian tái sáng tạo trong đình là việc sắp đặt một cách tinh tế các tác phẩm nghệ thuật dựa vào đặc điểm không gian có sẵn của ngôi đình để vừa hài hòa vừa mới mẻ.

Đình Hà Vỹ thờ tổ nghề sơn nằm trong con phố vốn là nơi bán các vật liệu và công cụ liên quan đến nghề sơn, bán đồ gỗ sơn, chủ yếu gồm hòm đựng quần áo và tráp đựng giấy bút.

Cái tên phố Hàng Hòm phát xuất từ đặc thù công việc mà thành, giờ đây đã có thêm các dụng cụ làm sơn, các minh họa cho việc làm tranh sơn mài và 2 cây sơn được mang từ Phú Thọ về trồng ở cổng đình.

Đình thờ ông tổ nghề thêu đã được xử lý một cách khéo léo các khoảng không gian trống, có ánh sáng trời để treo các mẫu thêu và mẫu vẽ. Đình Yên Thái với không gian sáng tạo “Đường tơ” nhằm tạo một cách ăn ý với truyền thuyết bà Nguyên phi Ỷ Lan trên cánh đồng Dâu làng Sủi vào ngày vua đi kén vợ.

Đình Nam Hương nổi bật với việc trưng bày các tác phẩm sơn mài và lụa được lấy cảm hứng từ dòng tranh dân gian Hàng Trống, đối thoại và viết tiếp giá trị từ dòng tranh truyền thống bằng các chất liệu truyền thống khác trong nền hội họa Việt Nam như sơn mài và lụa.

Đặc biệt, ở không gian đình Nam Hương, người xem được mãn nhãn khi chiêm ngưỡng các bức tranh là sản phẩm của dự án “Đối thoại với dòng tranh Ukiyo-e” là sản phẩm của đối thoại liên văn hóa Việt - Nhật.

Cũng là chủ đề hoa điểu nhưng các bức vẽ từ khắc gỗ của Nhật Bản vốn nổi tiếng thế giới mấy trăm năm qua đã được tiếp thu và chuyển hóa mềm mại trong các bức vẽ về chủ đề văn hóa Việt Nam.

Dường như thời gian ngưng đọng một cách tích tụ các giá trị truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế trong một không gian thơ mộng bên Hồ Gươm và đang được mở rộng đến vô cùng. Di sản vốn có sức sống mãnh liệt, nhưng sự tái tạo di sản lại đòi hỏi những nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ.

Bỏ qua những mất mát biến đổi của thời cuộc, công chúng dễ thấy 20 ngôi đình còn nguyên vẹn chính là những báu vật cuối cùng của văn hóa Thăng Long. Tuy nhiên, nếu không bảo vệ hoặc không có những phương cách hữu hiệu trong việc phát huy giá trị, thì danh tích cũng dễ biến thành phế tích trước sự áp đảo của thời buổi “mặt tiền thành tiền mặt”.

“Hơn 60 ngôi đình còn lại, trừ một số ít ngôi đình vẫn giữ được vẻ cổ kính xưa thì phần lớn đã bị biến đổi hình thù và công năng. Có ngôi đình chỉ còn lại một phần trên tầng hai, có ngôi đình chỉ còn lại phần hậu cung, hoặc có ngôi đình đã bị gộp chung vào không gian của đền, chùa. Sự biến hình của những ngôi đình, nếu không thực hiện dự án nghệ thuật này, tôi cũng khó mà hình dung ra được muôn vàn hình trạng. Chỉ còn khoảng hơn 20 ngôi đình có thể nhận ra bằng mắt thường với những dấu hiệu về kiến trúc đặc trưng” - Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/pho-co-ha-noi-con-lai-bao-nhieu-ngoi-dinh-post686591.html