Phó CT tỉnh Đồng Nai kiến nghị có cơ chế tuyển dụng ưu tiên với SV diện NĐ116

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Nghị định 116 hiện vẫn không giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên tại các trường công lập của địa phương.

Qua 2 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đã tạo nên nhiều chuyển biến tích cực đối với công tác tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Tuy nhiên, Nghị định này cũng đã bộc lộ một số vướng mắc cần tháo gỡ, đặc biệt, ở một số địa phương đến nay vẫn chưa quyết định đặt hàng đào tạo.

Để tìm hiểu về những khó khăn trong quá trình triển khai tại địa phương, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Phóng viên: Với vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, ông đánh giá như thế nào về sự ra đời của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm?

Ông Nguyễn Sơn Hùng: Ngày 25/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí đã tạo điều kiện hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên ngành sư phạm nên bước đầu thu hút thí sinh theo học ngành sư phạm. Đây là sự đầu tư không nhỏ để đảm bảo đội ngũ giáo viên trước thực trạng đa phần các tỉnh thiếu giáo viên như hiện nay.

Ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Mộc Trà.

Ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Mộc Trà.

Phóng viên: Thưa ông, việc triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP trong thời gian qua đã bộc lộ một số vướng mắc, nhiều địa phương đã chia sẻ những khó khăn khác nhau... Ở góc độ của Đồng Nai, hiện đang tồn tại những rào cản nào?

Ông Nguyễn Sơn Hùng: Như các địa phương khác, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, tỉnh Đồng Nai cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, việc giao nhiệm vụ đào tạo cho cơ sở giáo dục đại học trực thuộc tỉnh và để cơ sở thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội thì sinh viên đăng ký hưởng chế độ chính sách và cam kết sẽ được hưởng như nhau và thực hiện bồi hoàn kinh phí theo quy định. Trường hợp số lượng sinh viên đăng ký hưởng chế độ nhiều hơn chỉ tiêu giao nhiệm vụ của tỉnh, việc lựa chọn sinh viên thuộc trường hợp giao nhiệm vụ sẽ khó khăn.

Thứ hai, việc đặt hàng cũng còn vướng quy định. Theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, một trong những điều kiện đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước là danh mục dịch vụ sự nghiệp công có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền ban hành làm cơ sở để đặt hàng. Hiện tại, phần lớn các cơ sở giáo dục đại học đang xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật.

Thứ ba, việc sinh viên được đào tạo theo hình thức giao nhiệm vụ, đấu thầu, đặt hàng, hưởng chính sách đăng ký theo nhu cầu xã hội hay sinh viên không hưởng chính sách thì khi ra trường vẫn phải qua kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục. Trong quy định của Nghị định 116, nếu sinh viên đó tốt nghiệp mà không công tác trong ngành thì sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo.

Hơn nữa, số sinh viên này còn phải cạnh tranh với một số lượng không nhỏ sinh viên sư phạm ra trường của các năm học trước từ khắp nơi trên cả nước nộp hồ sơ dự tuyển (nếu có).

Thứ tư, có thể nói, sinh viên nhận chế độ chính sách theo Nghị định số 116 như một hình thức “vay để học” và trả khoản vay bằng “công tác trong ngành giáo dục”.

Do đó, việc sinh viên nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương theo Nghị định số 116 nhưng sau khi tốt nghiệp thì sinh viên có thể tham gia tuyển dụng viên chức hoặc tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục tư thục (không quy định phải công tác tại địa phương). Sinh viên trúng tuyển, công tác trong ngành giáo dục thì không phải bồi hoàn.

Như vậy, vẫn không giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập của địa phương.

Phóng viên: Sau một thời gian triển khai Nghị định 116, mặc dù góp phần tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm, song, hầu hết các cơ sở đào tạo vẫn ít nhận được đơn đặt hàng đào tạo từ phía địa phương. Về phía tỉnh Đồng Nai, còn điều gì băn khoăn, thưa ông?

Ông Nguyễn Sơn Hùng: Số tiền bỏ ra để giao nhiệm vụ, đấu thầu, đặt hàng đào tạo giáo viên của mỗi địa phương hàng năm sẽ chiếm một phần ngân sách không nhỏ nhưng lại đứng trước nhiều bất cập chưa có giải đáp.

Hiện tại, tỉnh đang rất thận trọng rà soát nhu cầu giáo viên còn thiếu, chứ chưa thể tiến hành đặt hàng, ký hợp đồng với các cơ sở đào tạo giáo viên.

Hiện tại, triển khai Nghị định 116 vẫn không giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập của Đồng Nai. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai cung cấp.

Hiện tại, triển khai Nghị định 116 vẫn không giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập của Đồng Nai. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai cung cấp.

Phóng viên: Một trong những vấn đề được quan tâm khi đặt hàng đào tạo giáo viên là bồi hoàn kinh phí chưa thực sự rõ ràng. Theo ông, công tác bồi hoàn kinh phí khi thực hiện Nghị định 116 cần phải lưu tâm đến những vấn đề gì?

Ông Nguyễn Sơn Hùng: Khi các sinh viên cư trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo học ngành sư phạm của các trường đại học trong cả nước, dù không do tỉnh đặt hàng, đầu thầu đào tạo vi phạm các quy định phải bồi hoàn kinh phí đào tạo thì tỉnh phải thu hồi chi phí bồi hoàn khi nhận được thông báo từ các trường đại học. Vấn đề này rất bất cập, tỉnh không nắm được danh sách, không thể theo dõi và thậm chí sinh viên đó cùng gia đình đã chuyển nơi cư trú.

Phóng viên: Từ những bất cập trong quá trình triển khai, ông có góp ý, đề xuất gì để Nghị định 116 đi vào thực tiễn phát huy hiệu quả, đặc biệt không gây khó khăn cho địa phương cũng như cơ sở đào tạo?

Ông Nguyễn Sơn Hùng: Thứ nhất, cần có cơ chế tuyển dụng ưu tiên đối với đối tượng sinh viên ngành sư phạm hưởng chế độ chính sách theo Nghị định số 116.

Thứ hai, cần quy định rõ về nhận chế độ chính sách từ nguồn ngân sách địa phương nhưng không công tác tại địa phương thì phải bồi hoàn kinh phí đào tạo cho địa phương.

Thứ ba, địa phương không có nhu cầu giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo thì cơ sở đào tạo cho sinh viên hưởng chế độ chính sách theo nhu cầu xã hội có trách nhiệm thu hồi chi phí bồi hoàn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Mộc Trà

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/pho-ct-tinh-dong-nai-kien-nghi-co-co-che-tuyen-dung-uu-tien-voi-sv-dien-nd116-post234739.gd