Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy: Đẩy mạnh liên kết, đầu tư hạ tầng để du lịch ẩm thực phát triển

Du lịch ẩm thực Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng để bứt phá chúng ta cần có quyết tâm và chiến lược cụ thể. Cùng Báo Nhà báo & Công luận tìm hiểu vấn đề này qua cuộc trò chuyện với Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy.

+ Thời gian vừa qua, ẩm thực Việt Nam liên tục được xếp hạng đầu trong các bảng xếp hạng . Theo ông, yếu tố nào đã giúp ẩm thực Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao?

- Chúng ta thực sự cảm thấy rất tự hào khi báo chí quốc tế, các tổ chức ẩm thực toàn cầu liên tục ca ngợi ẩm thực Việt Nam. Vào năm 2012, tại cuộc thi danh giá Vua đầu bếp Mỹ (MasterChef US), Christine Hà – một người Mỹ gốc Việt giành giải quán quân với các món ăn mang đậm chất Việt Nam đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng ẩm thực quốc tế. Hay như gần đây, Michelin - Danh hiệu danh giá trong ngành ẩm thực toàn cầu, đã vinh danh 42 nhà hàng Việt Nam “có chất lượng món ăn tốt với giá cả phải chăng”…

Sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về ẩm thực Việt Nam chính là sự thừa nhận nền văn hóa Việt Nam với bề dày lịch sử, minh chứng cho nỗ lực quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, tạo thêm động lực để chúng ta tiếp tục phát triển và hoàn thiện hơn nữa.

 Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy. Ảnh: Cục Du lịch

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy. Ảnh: Cục Du lịch

Có nhiều yếu tố giúp ẩm thực Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trước hết, trong từng món ăn đều có sự hào hoa phong nhã và gần gũi với con người, phù hợp với đặc điểm tự nhiên miền nhiệt đới. Tiếp đến là sự đa dạng và phong phú của nguyên liệu, từ các loại rau củ, hải sản, thịt cho đến các loại gia vị đặc trưng. Qua bàn tay chế biến tinh tế và khéo léo, món ăn vẫn giữ được hương vị tự nhiên của nguyên liệu tạo nên thương hiệu cho ẩm thực Việt.

Ngoài ra, sự cân bằng trong các món ăn không chỉ về hương vị mà còn về dinh dưỡng, giúp món ăn Việt Nam trở nên hấp dẫn và tốt cho sức khỏe. Mặt khác, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, trong đó có quảng bá văn hóa ẩm thực góp phần lan tỏa sự quyến rũ của món ăn Việt.

+ Theo ông, ẩm thực đóng vai trò như thế nào trong việc phát triển du lịch? Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã và đang thực hiện những chương trình, chiến lược gì để quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới?

- Ẩm thực không chỉ là một phần của trải nghiệm du lịch mà còn là một yếu tố thu hút du khách, bởi nó tạo ra cơ hội để khám phá bản sắc dân tộc của một quốc gia. Thông qua ẩm thực, du khách có thể hiểu hơn về lịch sử, phong tục tập quán và lối sống của người dân Việt Nam. Mặt khác, du lịch không chỉ đơn thuần là tham quan các điểm đến mà còn tạo ra những trải nghiệm độc đáo và khó quên cho du khách.

Hiện nay, du lịch ẩm thực đang trở thành một xu thế và đóng vai trò ngày càng quan trọng, vì du lịch - ẩm thực - văn hóa là 3 yếu tố luôn đồng hành, bổ trợ cho nhau để làm tăng cao giá trị của điểm đến.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định: Tập trung khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, đặc sắc của các vùng, miền để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, có lợi thế cạnh tranh, góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật cho du lịch Việt Nam. Triển khai Chiến lược, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã đưa ẩm thực thành trung tâm của một số chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch; tổ chức kết hợp ẩm thực với các chương trình du lịch; định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực theo chuyên đề…

 Món gỏi mít thanh đạm nhưng được trình bày rất tinh tế. Ảnh: Thanh Hòa

Món gỏi mít thanh đạm nhưng được trình bày rất tinh tế. Ảnh: Thanh Hòa

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực phối hợp tổ chức quảng bá các món ăn đặc sắc của Việt Nam như phở, bún chả, nem rán, bánh mì... đến với bạn bè quốc tế. Ngành Du lịch, các địa phương, doanh nghiệp đang phát triển nhiều tour du lịch ẩm thực nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm sâu sắc và thú vị. Trong đó, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong khai thác văn hóa ẩm thực phục vụ phát triển du lịch. Hiện Huế đang xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo về ẩm thực.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch ẩm thực trong thời gian tới, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp, định hướng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều hơn các sự kiện ẩm thực, hội chợ và liên hoan quốc tế để giới thiệu ẩm thực Việt Nam đến với du khách toàn cầu; Khuyến khích xây dựng các tour du lịch ẩm thực chuyên đề với các hoạt động trải nghiệm các món ăn, học nấu ăn, tham quan làng nghề và chợ địa phương; Phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo cho nhân viên nhà hàng, khách sạn và các điểm du lịch về kỹ năng phục vụ và kiến thức ẩm thực; Tăng cường ứng dụng công nghệ số quảng bá ẩm thực Việt Nam…

+ Theo ông, những thách thức và cơ hội của Việt Nam trong phát triển du lịch ẩm thực là gì?

- Du lịch ẩm thực đang đứng trước những cơ hội to lớn nhưng cũng không ít thách thức. Thách thức lớn nhất là bảo tồn và phát huy những giá trị của ẩm thực Việt Nam. Tiếp đến là sự liên kết giữa các ngành Du lịch, Nông nghiệp, Công nghiệp thực phẩm… chưa thực sự hiệu quả. Cơ sở hạ tầng du lịch, bao gồm các khu ẩm thực, chợ đêm, các điểm du lịch ẩm thực chưa được quan tâm đầu tư hiệu quả. Ngoài ra, các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore có nền ẩm thực phong phú và đang đầu tư mạnh vào du lịch ẩm thực, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt…

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều cơ hội. Sự quan tâm và yêu thích của du khách quốc tế đối với ẩm thực Việt Nam với nhiều món ăn đặc sắc từ Bắc vào Nam, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách quốc tế. Ngày càng nhiều du khách quốc tế tìm kiếm các trải nghiệm ẩm thực, muốn hiểu sâu hơn về văn hóa và con người thông qua món ăn. Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, chúng ta cần nâng cao chất lượng dịch vụ, để đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho du khách; đẩy mạnh công tác liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các ngành liên quan để tạo ra các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn; thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là các khu ẩm thực, chợ đêm và các điểm tham quan ẩm thực; tổ chức quảng bá ẩm thực Việt Nam đến du khách toàn cầu…

+ Để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của ẩm thực Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa mạnh mẽ như hiện nay, cần phải có những chiến lược như thế nào, thưa ông? Ông có nhận định gì về tương lai của du lịch ẩm thực Việt Nam cũng như những xu hướng phát triển trong lĩnh vực này?

- Để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của ẩm thực Việt Nam phục vụ phát triển du lịch, trước hết cần thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá văn hóa ẩm thực; thực hiện công tác thống kê, hệ thống hóa tư liệu về ẩm thực, cách thức chế biến đúng kiểu cách, nguyên liệu, gia vị truyền thống đối với các món ăn từ Cung đình đến các món ăn dân dã, đường phố, các món đặc sản vùng miền; ban hành các chính sách hỗ trợ cho công tác sưu tầm, phục hồi, hình thành khu ẩm thực đặc trưng…

Cần chú trọng đào tạo đội ngũ nghệ nhân, đầu bếp, nhân viên phục vụ nắm vững kỹ thuật chế biến và kỹ năng truyền cảm hứng về giá trị văn hóa của các món ăn. Đồng thời, khuyến khích các đầu bếp sáng tạo, làm mới món ăn truyền thống mà không làm mất đi bản sắc, phù hợp với nhu cầu của từng thị trường khách du lịch; Chủ động hội nhập với tinh hoa văn hóa ẩm thực thế giới.

Cần tăng cường kết hợp ẩm thực với các trải nghiệm du lịch và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan trong việc phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực. Cuối cùng, cần tập trung công tác quảng bá, tiếp thị để đưa ẩm thực ra với thế giới thông qua các sự kiện, liên hoan và hội thảo quốc tế về ẩm thực Việt Nam; đẩy mạnh khai thác tour du lịch ẩm thực chuyên nghiệp với những đặc trưng khác nhau của mỗi địa phương…

Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của ẩm thực trong bối cảnh hội nhập quốc tế là một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, với nhiệm vụ và giải pháp đề ra cùng chiến lược phát triển hợp lý, du lịch ẩm thực Việt Nam sẽ không chỉ giữ gìn được các giá trị truyền thống mà còn mở rộng và phát triển mạnh mẽ trong tương lai, góp phần đưa du lịch ẩm thực Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.

+ Xin cảm ơn ông!

Hoài Đức (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/pho-cuc-truong-cuc-du-lich-quoc-gia-pham-van-thuy-day-manh-lien-ket-dau-tu-ha-tang-de-du-lich-am-thuc-phat-trien-post309787.html