Phố đi bộ - chất lượng hay số lượng?

Thành phố Hà Nội đã mở thêm không gian đi bộ ở nhiều khu vực. Tuy nhiên, muốn phố đi bộ không bị nhàm chán thì cần đầu tư không gian văn hóa bổ ích, hấp dẫn thay vì chỉ cơ học khoanh vùng các tuyến phố.

Hà Nội là thành phố dẫn đầu trong việc phát triển phố đi bộ trong không gian đô thị. Thời gian qua, thành phố đã mở không gian đi bộ ở nhiều khu vực như khu phố cổ tại quận Hoàn Kiếm, phố Trần Nhân Tông và phụ cận ở quận Hai Bà Trưng, thị xã Sơn Tây..., sắp tới là phố đi bộ hồ Ngọc Khánh ở quận Ba Đình.

Các quận, huyện tiếp tục đề xuất mở phố đi bộ tại Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 thuộc quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn chưa thực sự hiệu quả. (Ảnh: Vietnamnet)

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn chưa thực sự hiệu quả. (Ảnh: Vietnamnet)

Theo người dân, phố đi bộ đang thiếu đi sức hút. Anh Bùi Mạnh Đức (phường Khương Trung, Thanh Xuân) cho rằng: "Khi mà người ta hứng thú với phố đi bộ thì người ta sẽ rất là mong muốn thấy cái gì đó mới và cái gì đó hứng thú ở phố đi bộ. Còn kể cả nhiều số lượng, khi mà họ đến đấy không có một điều thú vị hay là có sự phát triển nào cụ thể thì sẽ làm khách du lịch giảm xuống. Vì vậy chất lượng sẽ là thứ quan trọng nhất".

Cũng có ý kiến cho rằng thành phố cần phát triển nhiều không gian cho phố đi bộ hơn nữa vì hiện nay số lượng người đông, cộng thêm nhiều người ở xa các tuyến phố đi bộ. Việc mở thêm phố đi bộ sẽ giúp cho người dân ở ngoại thành có thể trải nghiệm không gian văn hóa cộng đồng tiện lợi hơn.

Với bài toán chất lượng hay số lượng, kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết cần nâng cao chất lượng từ việc tổ chức các tuyến phố đi bộ thông qua việc chú ý khâu hạ tầng cơ sở, đi bộ vào thời gian nào, đến đó phương tiện để đâu, ô tô, xe máy, xe đạp đi tới đó gửi chỗ nào cho phù hợp. Đặc biệt, cần quản lý không để xảy ra sự tùy tiện, tự phát, gây khó khăn cho khách đến trải nghiệm.

Phố đi bộ Hồ Gươm

Phố đi bộ Hồ Gươm

Nhiều người cho rằng, để nâng cao chất lượng phố đi bộ, cần phải quản lý chặt chẽ việc kinh doanh trên phố đi bộ, đồng thời tổ chức nhiều điểm gửi xe với giá cả hợp lý, phát triển thêm nhiều trò chơi, hoạt động thu hút được người dân, khách tham quan tới trải nghiệm không gian các khu phố đi bộ.

Theo KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, lãnh đạo lắng nghe ý kiến của người dân sẽ là động lực thay đổi diện mạo mới cho từng phố đi bộ hiện tại đã được xây dựng.

Để phát huy tiềm năng du lịch của Thủ đô Hà Nội, nên quan tâm không chỉ là số lượng phố đi bộ hình thành, mà còn là chất lượng kết nối không gian và tạo ra giá trị của các tuyến phố đó. Trước khi đưa một tuyến phố đi bộ vào khai thác, cần phải tính toán đến nhiều yếu tố. Đặc biệt là mỗi tuyến phố đi bộ phải tạo được những giá trị đặc sắc riêng.

Để làm được điều này, mỗi địa phương cần phải nhận diện một cách đầy đủ, tránh bê nguyên mô hình của phố này rồi nhân rộng ra phố khác. Phố đi bộ cũng là cơ hội là đột phá trong phương pháp quản trị. Ngoài khai thác cảnh quan thiên nhiên sẵn có thì cần phải nâng cao chất lượng quản trị đô thị và phải kiểm soát chất lượng các dịch vụ.

Dương Phúc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/pho-di-bo-chat-luong-hay-so-luong-256857.htm