Phố đi bộ - Thương hiệu văn hóa của Thủ đô
Sau ba năm thí điểm hoạt động, phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận trở thành không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trở thành 'sàn diễn' cho nhiều hoạt động văn hóa, du lịch lớn của Việt Nam cũng như quốc tế, tạo nên sức hút với khách du lịch đến Thủ đô. UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu quận Hoàn Kiếm tổ chức giao thông, bảo đảm an ninh trật tự để phát huy giá trị không gian đi bộ, chuyển sang giai đoạn hoạt động chính thức; đồng thời, nghiên cứu mở rộng thêm không gian đi bộ phía nam khu phố cổ hiện nay.
Sau ba năm thí điểm hoạt động, phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận trở thành không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trở thành “sàn diễn” cho nhiều hoạt động văn hóa, du lịch lớn của Việt Nam cũng như quốc tế, tạo nên sức hút với khách du lịch đến Thủ đô. UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu quận Hoàn Kiếm tổ chức giao thông, bảo đảm an ninh trật tự để phát huy giá trị không gian đi bộ, chuyển sang giai đoạn hoạt động chính thức; đồng thời, nghiên cứu mở rộng thêm không gian đi bộ phía nam khu phố cổ hiện nay.
Không gian văn hóa sáng tạo
Trước đây, đến với không gian hồ Hoàn Kiếm, khách du lịch chỉ được tham quan cảnh quan, di tích. Từ tháng 9-2016 trở lại đây, vào dịp cuối tuần, khách tham quan được hòa mình vào một sân khấu ngoài trời khổng lồ, với rất nhiều hoạt động văn hóa. Chỉ tính những sự kiện văn hóa lớn, trong ba năm qua, đã có 410 sự kiện được tổ chức. Không chỉ là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa lớn của thành phố, đây còn diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, quảng bá du lịch của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước như: Không gian văn hóa dân tộc Mông - Hà Giang tại Hà Nội; Quảng Bình trong lòng Hà Nội; Festival Di sản và quảng bá du lịch Quảng Nam; hoạt động giới thiệu quảng bá văn hóa của các tỉnh Điện Biên, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Lạng Sơn... và nhiều hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế như: Lễ hội hoa Anh đào tại Hà Nội, Ngày hội Hữu nghị Việt - Hàn, Festival thiếu nhi ASEAN, chương trình “Ngôi làng châu Âu”... hay các hoạt động quảng bá văn hóa du lịch của Thái-lan, Xin-ga-po...
Đến với phố đi bộ, người ta không chỉ là “khách tham quan”. Bất cứ ai cũng có thể trở thành “diễn viên” trong không gian ấy. Thành phố đã kiến tạo không gian để mọi người có thể phát huy khả năng sáng tạo của mình. Ngoài những không gian biểu diễn văn hóa, nghệ thuật do các cơ quan chức năng như Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức, bất cứ ai có nhu cầu, chỉ cần đăng ký với cơ quan quản lý là có thể thực hiện những chương trình biểu diễn ở những không gian bên hồ. Đây là lý do nhiều nhóm nhạc jazz, nhóm nhạc dân tộc... từ chuyên nghiệp đến không chuyên nghiệp chọn hồ Hoàn Kiếm làm không gian biểu diễn. Điều này góp phần nuôi dưỡng sáng tạo văn hóa, nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật của nhiều người.
Sức hút của phố đi bộ thể hiện rõ ở số lượng khách du lịch đến với quận Hoàn Kiếm. Trung bình, ban ngày, phố đi bộ thu hút khoảng từ ba nghìn đến năm nghìn lượt người. Buổi tối từ 15 nghìn đến 20 nghìn người. Lượng khách du lịch đến với quận Hoàn Kiếm (có lưu trú) tăng mạnh liên tục qua các năm. Năm 2016 có hơn 1,3 triệu lượt khách, năm 2017 là hơn 1,9 triệu lượt, năm 2018 là gần 2,2 triệu lượt. Tính đến hết tháng 9-2019, quận Hoàn Kiếm đã đón 1,2 triệu lượt. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch cũng phát triển theo. Địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện thu hút 176 công ty lữ hành; 528 khách sạn, cơ sở lưu trú với 12.404 phòng. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm tăng thêm khoảng 60 cơ sở lưu trú. Hàng trăm hộ gia đình chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ gắn với nhu cầu của khách du lịch. Nhờ đó, thu ngân sách trên địa bàn tăng mạnh. Năm 2016, thu ngân sách đạt 5.215 tỷ đồng, đến năm 2018 đạt 7.718 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2019, quận Hoàn Kiếm thu ngân sách đạt khoảng 9.500 tỷ đồng.
Phát huy giá trị văn hóa
Trước hiệu quả rõ rệt của phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp các cơ quan nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội đường phố; tiếp tục củng cố các hoạt động trông giữ xe, bảo đảm an ninh, trật tự, phân luồng giao thông để chuyển từ hoạt động thí điểm sang hoạt động chính thức. Đồng thời, triển khai xây dựng không gian văn hóa trên tuyến phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí để mở rộng không gian phố đi bộ; bổ trợ cho các tuyến phố chung quanh hồ Hoàn Kiếm; quy hoạch và quản lý việc tổ chức các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố. Điều này sẽ tạo đà để phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, kinh tế của phố đi bộ.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hoạt động của phố đi bộ vẫn còn không ít vướng mắc. Chị Phạm Minh Nguyệt (đường Trần Phú, quận Hà Đông) cho biết: “Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm có nhiều hoạt động ngoài trời thú vị. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn bị làm phiền bởi hàng rong đeo bám. Nhiều khách vẫn xả rác bừa bãi, gây mất mỹ quan”. Một vấn đề gây bức xúc khác là tình trạng trông giữ xe tự phát, thu giá cao vẫn diễn ra trên các con phố quanh khu vực phố đi bộ. Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Hoàn Kiếm Đặng Sỹ Đạt chia sẻ một khó khăn khác là do lực lượng của cơ quan chức năng mỏng, cho nên thi thoảng vẫn diễn ra tình trạng “diễn chui” hoặc biểu diễn văn nghệ có thu tiền.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm dự kiến mở rộng hoạt động phố đi bộ sang năm tuyến phố, gồm: Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu và hai ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên. Việc mở rộng không gian đem lại lợi ích, song, cũng đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của cơ quan chức năng trong công tác quản lý các hoạt động văn hóa, an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông. Quận Hoàn Kiếm đã xây dựng dự thảo Quy chế quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và đang chuyển Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình UBND thành phố Hà Nội thông qua. Hy vọng, quy chế này sẽ tạo hành lang pháp lý để thực hiện tốt hơn công tác quản lý phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm trong thời gian tới.