Phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 phản ánh đúng chất lượng giáo dục, phân hóa tốt
Chiều 15.7, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị thông tin phổ điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Hà Nội (trực tuyến tại TP.HCM). Các chuyên gia đánh giá phổ điểm năm nay đã phản ánh đúng chất lượng giáo dục, có tính phân hóa rõ nét, đề thi cải tiến theo hướng đánh giá năng lực.

Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận định phổ điểm năm nay cho thấy rõ sự phân hóa, nhất là ở môn Toán và tiếng Anh.
Đề Toán được đánh giá tốt nhất từ năm 2018 đến nay, giúp phân loại chính xác học sinh khá, giỏi, trung bình. Đề tiếng Anh điều chỉnh chuẩn đầu ra từ A2 lên B1, phù hợp yêu cầu hội nhập.
Cũng đánh giá phổ điểm có sự phân hóa tốt, GS.TS Phạm Hồng Quang, nguyên Chủ tịch Hội đồng ĐH Thái Nguyên, khẳng định, giáo dục cần giữ nguyên tắc yêu cầu cao, tránh phổ điểm đồng đều. Ông Phạm HồngvQuang nhấn mạnh việc phân hóa giúp học sinh tự nhận diện năng lực và lựa chọn hướng đi phù hợp.

GS.TS Phạm Hồng Quang
Về phương pháp xây dựng đề thi và đánh giá, GS.TS Phạm Hồng Quang cho rằng, không cần tranh luận đề dễ hay khó, mà quan trọng là phải có một hệ thống thang đo năng lực phù hợp, giúp nhận diện chính xác tiềm năng của học sinh. Việc này sẽ đảm bảo đào tạo ra người tài thực sự, không chỉ dựa vào điểm số tuyệt đối.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận xét phổ điểm Toán và tiếng Anh “rất hài lòng”, giúp đánh giá năng lực thực chất. Ông cho rằng dữ liệu phổ điểm đã hạn chế các nhận xét cảm tính, cho thấy học sinh thích ứng tốt.
Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng cho rằng, phổ điểm rất đúng thực chất, đồ thị phân hóa đẹp, mượt mà. Nhờ sự chỉ đạo từ Bộ GD&ĐT, địa phương chuẩn bị kỹ về đề minh họa, cấu trúc đề, phân hóa đối tượng, dạy học theo năng lực nhóm học sinh nên kết quả phản ánh đúng năng lực.

TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT
Qua phổ điểm các môn, GS.TS Phạm Hồng Quang đặc biệt ấn tượng khi nhiều địa phương khó khăn có kết quả nổi bật. Điều này cho thấy học sinh vùng khó khăn vẫn có thể đạt kết quả tốt, tạo sự hưng phấn và tự tin cho người học.
TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh sự vươn lên của các tỉnh như Điện Biên, Đắk Lắk, An Giang.
Đặc biệt, An Giang từ vị trí 64 đã tiến bộ rõ nhờ quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và ngành giáo dục. Các môn thi khó như tiếng Anh, nhiều học sinh ở các tỉnh này vẫn đạt điểm cao, thậm chí điểm 10, nhờ sự đổi mới phương pháp giảng dạy và môi trường học tập tốt hơn.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức trao đổi tại Hội nghị
Về xét tuyển đại học, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức đánh giá việc quy đổi điểm giữa các phương thức xét tuyển giúp đảm bảo công bằng và tăng độ tin cậy cho các trường. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của STEM và chuẩn ngoại ngữ, đánh giá cao nỗ lực chuẩn hóa kỳ thi của Bộ GD&ĐT.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, nhận xét, đề thi buộc học sinh phải có kiến thức thật, không thể học mẹo. Đề tiếng Anh dù dài nhưng bám sát chương trình lớp 12, đòi hỏi dạy ngoại ngữ như “sinh ngữ”, rèn đủ bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đến thời điểm này, có thể khẳng định, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã thành công, đạt mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp, ghi nhận kết quả 12 năm học, đồng thời đánh giá chất lượng dạy học phổ thông và cung cấp số liệu tin cậy cho tuyển sinh đại học.
Thứ trưởng cho biết, dù áp lực lớn, Bộ và các địa phương đã nỗ lực tổ chức kỳ thi nghiêm túc, vì quyền lợi người học. Kỳ thi năm nay chuyển mạnh từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, học sinh được lựa chọn môn thi phù hợp định hướng nghề nghiệp, phát huy sở trường.
Về chất lượng và phổ điểm, Thứ trưởng khẳng định, phổ điểm năm nay không có sự "sốc" như nhiều người lo ngại. Phổ điểm, trung bình, trung vị, chuẩn lệch đều tương thích, thể hiện sự ổn định.

Các đại biểu dự Hội nghị
Thứ trưởng nhấn mạnh, giáo dục cần bỏ dần tư duy chỉ dựa vào điểm số, thay vào đó đánh giá tổng thể quá trình học tập, rèn luyện. Ông cho rằng chương trình GDPT 2018 đã giúp học sinh thích ứng nhanh, giáo viên đổi mới phương pháp, tập trung hình thành phẩm chất và năng lực.
Về tuyển sinh đại học, Thứ trưởng khẳng định kết quả kỳ thi đủ tin cậy để các trường yên tâm, lần đầu tiên quy chế thi và tuyển sinh được kết nối chặt chẽ, hướng tới đào tạo nhân tài thật, chất lượng thật.
Thứ trưởng cũng ghi nhận và cảm ơn nỗ lực của học sinh, giáo viên, các địa phương, chuyên gia, truyền thông đã đồng hành. Đồng thời khẳng định, đổi mới giáo dục phải kiên trì, đi vào thực chất, đánh giá toàn diện, hướng đến một nền giáo dục phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu xã hội và đất nước.