Phổ điểm phân tích là 'những hình ảnh biết nói'

Nhìn vào phổ điểm phân tích đã thấy được độ chụm, phản ánh học vấn cấp phổ thông đã được coi trọng và không có độ lệch lớn.

GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên - Ảnh: VGP/NN

GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên - Ảnh: VGP/NN

GS.TS Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên đánh giá Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi nghiêm túc, chất lượng.

Kết quả khoa học và tin cậy

Theo GS. Quang, nhìn vào phổ điểm phân tích, đã thấy được độ chụm, phản ánh học vấn cấp phổ thông đã được coi trọng và không có độ lệch lớn.

"Điều này chứng tỏ trong quá trình tổ chức dạy học ở các địa phương, các thầy cô giáo đã quan tâm đến nền tảng căn cốt của học vấn phổ thông, tạo nền cho học sinh bước vào đời một cách chắc chắn và tạo cơ hội để các em tiếp tục tham gia giáo dục sau phổ thông. Đây là những hình ảnh biết nói và tôi đánh giá rất cao về cách phân tích dữ liệu của Bộ GD&ĐT, đã tạo ra một cái kết quả khoa học và tin cậy", Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên nói.

Cũng theo GS.TS Phạm Hồng Quang, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã thực hiện mục tiêu kép. Một là xác nhận quá trình 12 năm học tập của học sinh, đề thi đã bao phủ những nội dung toàn diện và đã được đánh giá với kết quả tốt đẹp. Với độ tin cậy của học vấn phổ thông sẽ là nền tảng để các trường đại học xét tuyển dựa trên các tổ hợp.

Kết quả cũng phản ánh cách thức tổ chức Kỳ thi. Kỳ thi này mặc dù để kết thúc một chương trình nhưng mở ra một xu hướng mới, các em có thể tiếp cận giáo dục sau phổ thông một cách chắc chắn, GS. Quang chia sẻ.

"Từ kết quả phổ điểm, tôi thấy mừng bởi từ vùng sâu, vùng xa cho đến vùng phát triển, độ chụm của học vấn phổ thông thể hiện ở tất cả điểm số các môn, độ chênh lệch nhau không nhiều và không đáng kể. Với một đồ thị phân bổ như vậy chứng tỏ rằng quá trình tổ chức giảng dạy, quá trình ra đề, phân tích dữ liệu đã đạt được yêu cầu", ông Quang nhận định.

Coi trọng giảng dạy tích hợp không những trong nhà trường mà ngoài phạm vi nhà trường

Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai và sang năm các em sẽ được đánh giá theo tiêu chí của Chương trình này, GS. Quang cho rằng trong quá trình tổ chức dạy học cần hết sức coi trọng học vấn nền tảng, cân bằng giữa các lĩnh vực và coi trọng tính chất tổ hợp, coi trọng tính chất liên ngành, coi trọng tính chất tích hợp.

Như vậy quá trình đánh giá học sinh ở Kỳ thi sang năm, việc ra đề cũng sẽ coi trọng nội dung này, đánh giá năng lực học vấn tổng hợp của người học và khi đó giúp ích cho các em có được tư duy, có được phương pháp để sau này vào đời giải quyết được những vấn đề của thực tiễn một cách chắc chắn.

Điều đó cũng sẽ khích lệ, tác động trở lại quá trình dạy học của các thầy cô giáo. Các thầy cô sẽ coi trọng tổng hợp, coi trọng tổ hợp và coi trọng giảng dạy tích hợp không những trong nhà trường mà ngoài phạm vi nhà trường.

"Phải làm sao để học vấn phổ thông trở thành một nền tảng giúp cho học sinh vào đời, dù tham gia lao động sản xuất hay học sau phổ thông đều có một độ chắc chắn, thích nghi tốt với sự thay đổi trong môi trường hiện nay", GS.TS Phạm Hồng Quang nhấn mạnh.

Phương Liên

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/pho-diem-phan-tich-la-nhung-hinh-anh-biet-noi-102240717092741399.htm