Phô diễn sức mạnh siêu vũ khí chuyên dùng để 'nướng' UAV

Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng chương trình sản xuất vũ khí laser để nhắm vào các mối đe dọa lớn hơn nhiều so với UAV, bao gồm máy bay và tên lửa đạn đạo.

Trong ngày 30/7, Cục Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) đã giới thiệu khả năng tấn công của một loại vũ khí laser mới được "xứ sở kimchi" phát triển, chuyên vô hiệu hóa máy bay không người lái (UAV/drone) của đối phương.

Theo hãng thông tấn Yonhap, cuộc trình diễn này, được tổ chức cho một nhóm phóng viên, đánh dấu lần đầu tiên Hàn Quốc công khai hệ thống phòng thủ tiên tiến này. Sự kiện diễn ra tại một địa điểm thử nghiệm vũ khí lớn ở khu vực Taean, cách Seoul 108 km về phía Tây Nam.

Trong cuộc trình diễn, một drone đa cánh quạt nhỏ DJI Phantom 4 đang lượn lờ trên vùng nước ven biển, cách một container màu xanh lá cây sẫm đồ sộ chứa hệ thống vũ khí laser khoảng 1 km.

Chỉ trong vài giây, chiếc drone đã bị nhấn chìm trong biển lửa, rung lắc dữ dội, rồi lao xuống từ độ cao 20 m trên nóc tòa nhà ven biển gần đó, va chạm và gây ra một tiếng động lớn.

Hệ thống vũ khí laser mới được phát triển của Hàn Quốc tiêu diệt UAV tại một cơ sở thử nghiệm ở khu vực Taean, cách Seoul 108 km về phía Tây Nam, ngày 30/7/2024. Ảnh: DAPA

Hệ thống vũ khí laser mới được phát triển của Hàn Quốc tiêu diệt UAV tại một cơ sở thử nghiệm ở khu vực Taean, cách Seoul 108 km về phía Tây Nam, ngày 30/7/2024. Ảnh: DAPA

Cuộc trình diễn bao gồm 3 lần khai hỏa, trong đó hệ thống vũ khí có kích thước tương tự như một container vận tải biển, đã hạ gục thành công mục tiêu bằng một chùm năng lượng định hướng vô hình.

Hệ thống được vận hành bởi một nhóm 3 thành viên ngồi bên trong container trong bầu không khí im lặng tuyệt đối, cũng không phát ra bất kỳ tia ánh sáng nào. Tuy nhiên, hiệu quả của nó là không thể phủ nhận: Chiếc drone DJI Phantom 4 "rụng như sung" sau khi bị tia laser "nướng".

Vũ khí laser hoạt động bằng cách tạo ra chùm tia laser sử dụng sợi quang. Chùm tia này làm nóng bề mặt mục tiêu đến nhiệt độ vượt quá 700 độ C, vô hiệu hóa hoàn toàn các thành phần bên trong như pin.

Mặc dù các quan chức Hàn Quốc không tiết lộ thông số kỹ thuật chính xác, nhưng họ xác nhận rằng vũ khí này có công suất dưới 100 kW và tầm bắn dưới 10 km.

Ông Seo Yong-seok, nhà nghiên cứu chính tại DAPA, nói với các phóng viên rằng hệ thống này đã đạt công suất 30 kW trong quá trình thử nghiệm, có khả năng hạ gục UAV nhưng không bắn hạ được tên lửa hoặc đạn pháo.

Hôm 11/7, DAPA đã công bố kế hoạch sản xuất hàng loạt loại vũ khí laser giá rẻ, gọi là Block-I, và dự kiến triển khai trong năm nay. Điều này sẽ đưa Hàn Quốc ngang hàng với các quốc gia đang thúc đẩy việc sử dụng vũ khí laser trong thực chiến, bao gồm Mỹ, Israel và Vương quốc Anh.

Block-I do công ty Hanwha Aerospace của Hàn Quốc và DAPA phối hợp sản xuất theo chương trình laser đầy tham vọng của "xứ sở kimhi" được gọi là "Dự án StarWars".

Trong khuôn khổ hợp đồng trị giá 70 triệu USD, việc chuyển giao "Vũ khí Phòng không Dựa trên Laser Block-I" cho Các lực lượng Vũ trang Hàn Quốc bắt đầu vào cuối năm 2024. Mặc dù số lượng chính xác các hệ thống sẽ được chuyển giao vẫn chưa được tiết lộ, nhưng tất cả các đợt chuyển giao dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2026.

DAPA có kế hoạch mở rộng chương trình laser để nhắm vào các mối đe dọa lớn hơn, bao gồm máy bay và tên lửa đạn đạo, có khả năng cách mạng hóa khả năng phòng thủ của Hàn Quốc. Tầm nhìn dài hạn thậm chí bao gồm việc triển khai các chùm tia laser trong không gian để tấn công mục tiêu. Và đây hứa hẹn sẽ là một tiến bộ công nghệ đáng kể.

Trên toàn cầu, vũ khí laser đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng. Các quốc gia như Israel, Trung Quốc, Nga, Pháp, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Hàn Quốc và Nhật Bản đang đầu tư vào các chương trình quốc gia để phát triển vũ khí năng lượng định hướng (DEW).

Sự quan tâm của quốc tế đối với DEW bắt nguồn từ tiềm năng thay đổi đáng kể động lực quân sự và kinh tế có lợi cho các quốc gia nắm vững công nghệ này.

RAND, một tổ chức nghiên cứu nổi tiếng, lưu ý rằng các quốc gia đang chạy đua đổ rất nhiều tiền đầu tư vào DEW vì nếu công nghệ này có thể hoàn thiện, các hệ thống như vậy có tiềm năng làm thay đổi cả phép tính quân sự và kinh tế của chiến tranh hiện đại theo hướng có lợi cho người dùng.

Minh Đức (Theo Eurasian Times, Yonhap)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/pho-dien-suc-manh-sieu-vu-khi-chuyen-dung-de-nuong-uav-204240803162745333.htm