Phó Giám đốc CA Nghệ An nói về việc 8 con hổ bị chết sau khi tiêm thuốc mê

Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã giải thích cặn kẽ lý do vì sao công an phải tiêm thuốc mê đưa hổ đi nơi khác thay vì giữ tang vật tại chỗ.

Chiều ngày 9/8, Đại tá Nguyễn Đức Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã trả lời câu hỏi của các phóng viên tại cuộc họp báo về việc tại sao cơ quan công an lại tiêm thuốc mê, đưa 17 cá thể hổ đi nơi khác thay vì giữ tang vật tại hiện trường, dẫn đến 8 con hổ sau khi giải cứu bị chết.

Đại tá Nguyễn Đức Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An giải thích vì sao phải tiêm thuốc mê chuyển 17 cá thể hổ đi nơi khác.

Theo Đại tá Nguyễn Đức Hải, hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã, quý hiếm trái phép là hành vi phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 - BLHS). Riêng với hành vi nuôi nhốt Hổ, theo khung hình phạt của Bộ luật Hình sự, người nuôi nhốt trái phép từ 6 con Hổ trở lên sẽ phải chịu hình phạt tù từ 10 - 15 năm.

"Có thể nói rằng chuyên án vừa rồi thể hiện sự quyết liệt và quyết tâm của lực lượng công an trong việc đấu tranh với loại tội phạm này. Trong chuyên án này, các cá thể hổ được xem là vật chứng của vụ án và phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật về vật chứng.

Nếu bàn giao vật chứng này cho chủ nhà thì không thể được vì bản thân chủ nhà chính là đối tượng phạm tội. Khi đó sẽ dễ dẫn đến hành vi tiêu hủy, tẩu tán vật chứng, làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xét xử sau này", ông Hải nói.

Quá trình điều tra, xác lập chuyên án, công an tỉnh cũng đã mời các chuyên gia, người có chuyên môn về động vật hoang dã về hỗ trợ. Việc có 8 cá thể bị chết sau quá trình gây mê vận chuyển là nằm ngoài ý muốn của tất cả các lực lượng chức năng tham gia phá án...

Đặc biệt, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, động vật học, việc đưa các cá thể hổ từ nơi nuôi nhốt ẩm thấp, đóng khung chuồng trại chật hẹp, về nơi cư trú được cấp phép với điều kiện tốt hơn là hoàn toàn cần thiết. Việc di chuyển các cá thể Hổ tới nơi đó là một trong những giải pháp nhân văn nhất trong điều kiện hiện nay lực lượng thực thi pháp luật có thể thực hiện.

>>> Video ghi lại quá trình công an ập 2 hộ dân thu giữ 17 cá thể Hổ

Trả lời về việc 9 cá thể hổ còn lại sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng ở đâu, như thế nào? Đại tá Hải cho biết: Việc tìm kiếm nơi có đủ điều kiện chăm sóc, bảo tồn, nuôi dưỡng các cá thể hổ này là hết sức khó khăn.

Hiện tại vẫn chưa tìm được. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực tìm kiếm, nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các cá thể hổ còn sống. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng không thể vì những khó khăn gặp phải, mà chúng ta chùn bước trước loại tội phạm này.

“Qua đây, Công an tỉnh Nghệ An mong muốn bà con và các hộ dân trên địa bàn phải chấm dứt các hành vi vi phạm này (nếu có). Đồng thời, tiếp tục phối hợp giúp đỡ lực lượng chức năng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm”, Đại tá Hải nhấn mạnh.

Trước đó như Báo Giao thông đã đưa tin vào ngày 4/8, lực lượng Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ 17 cá thể hổ nuôi nhốt trái phép trong nhà 2 hộ dân ở xã Đô Thành.

Chủ cơ sở thứ nhất là anh Nguyễn Văn Hiền (SN 1982) và chị Hồ Thị Thanh (SN 1990), ở xóm Nam Vực, nuôi 14 cá thể hổ đã trưởng thành. Chủ cơ sở thứ hai là bà Nguyễn Thị Định (SN 1971, xóm Phú Xuân), nuôi nhốt 3 cá thể hổ. Bà Định đã xây dựng hệ thống tầng hầm nuôi hổ với diện tích 120m2. Mỗi cá thể hổ ở đây nặng từ 225kg đến 265kg.

Sau khi công an tiêm thuốc mê đưa về Khu du lịch sinh Thái Mường Thanh (Diễn Lâm, Diễn Châu) để chăm nuôi thì có 8 con bị chết. 9 con còn lại tuy đã hồi phục nhưng thể trạng còn yếu.

Văn Thanh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/pgd-ca-nghe-an-giai-thich-vi-sao-phai-van-chuyen-ho-dan-den-8-con-bi-chet-d519931.html