Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh:Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, song sản xuất công nghiệp của Hà Nội vẫn tăng trưởng 5,86%, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng kinh tế của Thủ đô năm 2024.

Bước sang năm 2025, tình hình địa chính trị, kinh tế thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, đầu tư, giao thương... Phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh về các giải pháp của thành phố hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh.

Tăng trưởng trong khó khăn

- Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu và giá nhiều loại hàng hóa. Trong bối cảnh đó, sản xuất công ngiệp Hà Nội phát triển như thế nào, thưa đồng chí?

- Năm 2024, nhiều địa phương phía Bắc trong đó có thành phố Hà Nội chịu ảnh hưởng của bão, lũ gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhiều cơ sở hạ tầng thương mại bị hư hỏng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân, doanh nghiệp.

Với những nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai nhiệm vụ, ngành Công Thương thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sự phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng kinh tế Hà Nội năm 2024.

Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,86% so với năm 2023. Đáng chú ý, hầu hết các ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 26,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,8%; sản xuất trang phục tăng 8,6%; chế biến thực phẩm tăng 8,1%; sản xuất điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,7%...

- Đồng chí có thể cho biết về những giải pháp ngành Công Thương Hà Nội đã triển khai?

- Ngành Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá, thực hiện quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ, xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ; tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ khởi công, đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn, góp phần tạo mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng đề ra các giải pháp hỗ trợ giảm lượng hàng tồn kho, tăng chỉ tiêu xuất khẩu thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp qua sàn thương mại điện tử...

- Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ phải đối diện với nhiều khó khăn. Theo đồng chí, những vấn đề khó khăn nổi lên của doanh nghiệp là gì?

- Những khó khăn về mặt bằng sản xuất, mặt bằng kinh doanh ngày càng đè nặng trên vai các doanh nghiệp nhỏ, do giá đất tăng cao trong khi nguồn lực tài chính có hạn. Thiếu mặt bằng sản xuất khiến doanh nghiệp mất đi những cơ hội để mở rộng quy mô nhà xưởng, xây dựng chiến lược phát triển... để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn bị đứt gãy từ đại dịch Covid-19 đến nay. Thực tế, trong nhiều năm qua, việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó, trong khi hạ tầng các cụm công nghiệp đang hoạt động chưa đồng bộ, xuống cấp; tiến độ giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp đang đầu tư xây dựng còn chậm, thủ tục tiếp nhận nhà đầu tư thứ phát chưa thống nhất…

Mặt khác, do chưa kêu gọi được những dự án đầu tư sản xuất lớn, có tính dẫn dắt các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, nên công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ chưa tương xứng với tiềm năng của Hà Nội. Các chính sách hỗ trợ của thành phố đối với các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực chưa thực sự rõ nét...

- Ngoài những khó khăn trên, thực tế cho thấy, tính liên kết trong phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ còn chưa cao. Nguyên nhân là do đâu, thưa đồng chí?

- Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do quy mô chủ yếu của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế… dẫn tới khó có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá thành, thời gian giao hàng…

Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm tới 88%), lại thiếu thông tin thị trường và cơ hội tiếp cận khách hàng. Bên cạnh đó, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng đang kìm hãm sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của các doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

- Hà Nội xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực là một trong những giải pháp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng chí có thể cho biết, ngành Công Thương sẽ triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp?

- Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hà Nội đã được Sở Công Thương chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ liên tục tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng.

Thành phố đang tập trung lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển căn cứ lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu, đóng góp giá trị gia tăng cao vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; từng bước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số ngành, sản phẩm công nghiệp ưu tiên có lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và giá trị cao trong chuỗi sản xuất…

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng cho khách hàng trong và ngoài nước, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất…

Đối với lĩnh vực sản phẩm công nghiệp chủ lực, Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư... Đồng thời, tiếp tục phối hợp, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thành lập và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập nhằm tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy hiệu quả sử dụng đất.

- Bước sang năm 2025, thế giới tiếp tục đối mặt với các bài toán lớn về địa chính trị, kinh tế; áp lực lạm phát toàn cầu được đánh giá sẽ chậm lại nhưng vẫn ở mức cao…, ngành Công Thương sẽ triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa đồng chí?

- Thành phố Hà Nội phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, thành phố chú trọng triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên... Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa; theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng; hướng dẫn, hỗ trợ các hiệp hội và doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng; đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do, giúp doanh nghiệp nắm rõ cơ hội để thúc đẩy đầu tư sản xuất, liên kết chuỗi.

Thành phố đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước. Việc kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác, đơn hàng, thị trường thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm... cũng là những giải pháp quan trọng được thành phố Hà Nội triển khai quyết liệt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ trên thị trường nội địa, giảm hàng tồn kho.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thanh Hiền thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/pho-giam-doc-phu-trach-so-cong-thuong-ha-noi-nguyen-kieu-oanh-tiep-tuc-trien-khai-cac-giai-phap-ho-tro-doanh-nghiep-689511.html