Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời kiến nghi của cử tri
Tại kỳ họp lần thứ 16, HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa IX, cử tri trong tỉnh đã có nhiều kiến nghị trên các lĩnh vực đời sống xã hội gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết. Liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hoàng Dân đã có văn bản trả lời những kiến nghị của cử tri.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hoàng Dân: Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND cấp tỉnh chỉ được ban hành các nội dung quy định pháp luật trên cơ sở các điều trong luật, nghị định của Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh quy định cho phù hợp với thực tế tại địa phương.
Trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013, các văn bản của Trung ương quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, Sở Tài nguyên và Môi trường được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 34/2014/QĐ-UBND, ngày 31-12-2014 ban hành quy định một số chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Nội dung Quyết định số 34/2014/QĐ-UBND đã thể hiện đầy đủ các chính sách mà Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai giao cho UBND tỉnh quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh Sóc Trăng.
Về nội dung trước khi thực hiện thu hồi đất, có thông báo cho người dân biết để sắp xếp các loại hoạt động chuyển dịch kinh doanh; quy định cụ thể đối với từng loại đất thu hồi (đất phi nông nghiệp thời gian tối thiểu là 6 tháng và đất nông nghiệp thời gian tối thiểu 3 tháng).
Nội dung này đã được Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể tại Điều 67 về Thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng:
"1. Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
2. Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.
3. Người có đất thu hồi có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong quá trình điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
4. Khi quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được công bố công khai, người có đất thu hồi phải chấp hành quyết định thu hồi đất”.
Nội dung về quan tâm giải quyết ưu tiên về thời gian đối với việc áp dụng thực hiện giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Sóc Trăng.
Theo quy định tại Điểm đ, Khoản 4, Điều 114 Luật Đất đai 2013: "Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; giá đất tính tiền bồi thường là giá đất cụ thể. Trình tự tiến hành xác định giá đất cụ thể theo quy định tại Khoản 3, Điều 114 Luật Đất đai: UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.
Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình UBND cùng cấp quyết định.
Hội đồng thẩm định giá đất gồm chủ tịch UBND cấp tỉnh làm chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất”.
Theo quy định trên, trình tự, thủ tục xác định giá đất cụ thể hiện nay phức tạp do thị trường giá đất luôn luôn biến động; người chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng không khai giá trị thực; để bảo đảm khách quan, các trường hợp định giá đất cụ thể phải thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá chuyên ngành thực hiện; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thường ghi giá thấp hơn hoặc bằng giá trong bảng giá đất, mục đích để tránh thuế thu nhập; trường hợp lấy kết quả theo giá trong hợp đồng chuyển nhượng là không sát thị trường, người có đất bị thu hồi không chấp nhận. Mặt khác, trình tự, thủ tục trình UBND tỉnh ban hành quyết định giá đất cụ thể tốn nhiều thời gian, phải thông qua Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh và thường có nhiều ý kiến khác nhau về giá đất cụ thể, yêu cầu đơn vị tư vấn, phải điều tra, bổ sung nhiều lần.
* Cử tri huyện Mỹ Xuyên kiến nghị nhà máy xử lý của Công ty Công trình đô thị phát sinh mùi hôi, nước thải làm ảnh hưởng sinh hoạt và sản xuất của người dân xung quanh.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hoàng Dân: Nhà máy đi vào hoạt động thu gom, xử lý rác từ ngày 7-1-2017, với tổng diện tích mặt bằng 27,37ha, trong đó diện tích khu vực nhà máy khoảng 5ha, khu vực bãi chôn lấp 20ha và đất giao thông đối ngoại 2,27ha. Lượng rác thu gom đưa vào nhà máy khoảng 125 tấn/ngày; lượng rác trơ đã đổ tại bãi chôn lấp rác đến nay trên 20.000 tấn rác. Trong quá trình vận hành nhà máy làm phát sinh nước rỉ rác chảy ra kênh Sóc Xoài, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc đối với người dân xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) và xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên) cũng như chính quyền của hai xã này.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các ngành chức năng đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, cụ thể: Ngày 9-11-2017, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành và địa phương phát hiện nước thải từ nhà máy xử lý, tại ô chôn lấp rác chảy ra hệ thống nước mưa thoát ra kênh Sóc Xoài; theo kết quả phân tích nước thải, các thông số môi trường đều vượt quy chuẩn nhiều lần. Sở Tài nguyên và Môi trường đã mời công ty đến nhắc nhở, yêu cầu khắc phục và công ty cam kết khắc phục.
Ngày 8-2-2018, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức buổi đối thoại giữa công ty với 17 người dân hai xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) và xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên). Tại buổi đối thoại, hầu hết các hộ dân rất bức xúc việc nhà máy xử lý rác đã thải nước có màu đen vào kênh và hôi thối, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân xung quanh; theo đó công ty đã thừa nhận tình hình ô nhiễm mùi hôi, nước thải từ hoạt động của nhà máy là có cơ sở. Công ty xin tiếp thu và sẽ sớm thực hiện các giải pháp khắc phục, ngăn nước thải rò rỉ ra kênh Sóc Xoài; tăng cường phun xịt xử lý mùi hôi. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tiếp tục nhắc nhở, yêu cầu công ty thực hiện ngay các biện pháp khắc phục ô nhiễm nêu trên, thực hiện đúng nội dung báo cáo ĐTM và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM; đảm bảo không làm phát tán mùi hôi và nước thải gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.
Tháng 6-2018, cử tri huyện Mỹ Xuyên có phản ảnh việc gây ô nhiễm môi trường tại nhà máy xử lý rác và đề nghị có giải pháp xử lý.
Ngày 28-6-2018, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra đột xuất tại nhà máy và đã phát hiện nước rỉ rác đang thải ra kênh Sóc Xoài có màu đen (tổ công tác đã thu mẫu nước thải để phân tích); bên cạnh đó còn phát hiện tại bãi chôn lấp rác của nhà máy có nhiều rác thải chưa qua quy trình xử lý (nhiều túi nilon chứa đựng rác còn nguyên); không thực hiện phủ lớp đất lấp phần rác trơ đã đổ mà để lộ thiên là không đúng với nội dung ĐTM đã được phê duyệt, từ đó dẫn đến việc phát sinh mùi hôi thối. Theo kết quả phân tích nước thải có chứa thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1.5 lần đến dưới 3 lần trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05m3/ngày (24 giờ).
Trên cơ sở vi phạm hành chính của công ty, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 24/QĐ-XPVPHC, ngày 17-8-2018 về xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty với số tiền 80 triệu đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn môi trường; thực hiện không đúng nội dung ĐTM. Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần đôn đốc, yêu cầu công ty chấp hành nhưng đến nay công ty vẫn chưa chấp hành nộp tiền phạt theo quy định; hiện nay, công ty đang kháng cáo bản án sơ thẩm tại Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 18-6-2019, Đoàn kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra, đánh giá công tác quản lý chất thải tại nhà máy. Qua kiểm tra, đoàn yêu cầu công ty khắc phục các tồn tại như: lập hồ sơ xin xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trình Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác nhận; lắp đặt hệ thống thu gom khí tại bãi chôn lấp số 02; xây dựng bể chứa bùn được nạo vét từ các cống nước mưa trong thành phố...
Hiện nay, công ty đang đề xuất xin chủ trương của UBND tỉnh cho phép đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải với công suất 200m3/ngày đêm để xử lý lượng nước thải phát sinh và đang xin điều chỉnh nội dung báo cáo ĐTM.
Vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 2-12-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường, UBND xã Đại Tâm tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế tại nhà máy cho thấy nước kênh Sóc Xoài (phía trước nhà máy) không có ô nhiễm; nước thải từ các ao của nhà máy có rò rỉ qua ruộng của các hộ dân, tuy công ty có khắc phục là đào chấn màng cao su dọc bờ bao nhưng vẫn còn rò rỉ; có phun xịt mùi hôi tại ô chôn lấp rác nhưng mùi hôi vẫn còn phát sinh; có phủ bạt bề mặt đối với lượng bùn tiếp nhận từ nhà máy xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp; có phủ lớp đất tại ô đang chôn lấp rác; trồng cây xanh xung quanh bãi rác; riêng lượng rác thải thu gom từ các cơ sở y tế không đưa qua quy trình phân loại mà đổ trực tiếp vào ô chôn lấp rác.
Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng theo dõi, kiểm tra tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn tại nhà máy để yêu cầu công ty khắc phục kịp thời; đồng thời phát hiện, xử lý theo quy định.
* Cử tri huyện Kế Sách kiến nghị có giải pháp xử lý khói bụi làng nghề hầm than Xuân Hòa.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hoàng Dân: Sóc Trăng có làng nghề hầm than củi tại xã Xuân Hòa (Kế Sách) với quy mô hoạt động trên 1.000 lò. Trong quá trình hoạt động liên tục của các lò hầm than đã phát sinh ra khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và sản xuất nông nghiệp trong khu vực. Đây là làng nghề thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được tỉnh ban hành.
Việc xử lý ô nhiễm do khí thải làng nghề hầm than củi gặp rất nhiều khó khăn do làng nghề được hình thành cách đây hơn 50 năm, sản xuất theo quy mô hộ gia đình, các hộ làm nghề không có kinh phí để đầu tư thiết bị xử lý khí thải, việc đầu tư xử lý khí thải cho làng nghề đòi hỏi nguồn kinh phí khá lớn, tỉnh chưa có nguồn bố trí vốn.
Trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng sở, ngành liên quan, địa phương đã phối hợp với các đơn vị khoa học nghiên cứu giải pháp xử lý khí thải lò hầm than. Điển hình, Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng thực hiện Đề tài “Giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề hầm than xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách” do Viện Công nghệ Hóa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, trong đó khảo sát hiện trạng và thiết kế hệ thống xử lý khí thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho làng nghề hầm than; Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kế Sách phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đề tài nghiên cứu “Xử lý khí thải lò hầm than bằng phương pháp phun sương”...
Để xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu đề xuất dự án xử lý khí thải làng nghề. Năm 2012, sở đã lập Dự án Xử lý khí thải các cơ sở hầm than củi tại xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng và trình UBND tỉnh phê duyệt (Quyết định số 1388/QĐHC-CTUBND, ngày 25-12-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 27.900.000.000 đồng); đồng thời có văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ 50% kinh phí. Tuy nhiên, theo Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 1206/QĐ-TTg, ngày 2-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ) không có làng nghề hầm than củi tại xã Xuân Hòa (Kế Sách) do đó Trung ương không hỗ trợ kinh phí. Mặt khác, nguồn kinh phí tỉnh còn khó khăn chưa đủ cân đối để thực hiện dự án này.
Đây là nghề truyền thống, mọi hoạt động sản xuất đều bằng phương pháp thủ công ảnh hưởng khói bụi vào môi trường và được liệt vào danh mục ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định ngành nghề hầm than Xuân Hòa là nghề không khuyến khích phát triển. Tuy nhiên về quy mô hiện tại khá lớn, sử dụng nhiều lao động tại địa phương nếu cắt giảm hoặc không cho phép hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân. Để ngăn chặn không làm gia tăng ô nhiễm, trước mắt địa phương nên tuyên truyền để người dân không tiếp tục mở rộng; đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân chuyển nghề cho phù hợp với xu thế phát triển của địa phương; mặt khác sở cũng sẽ tiếp tục tranh thủ Trung ương giúp để việc sản xuất của làng nghề giảm ô nhiễm môi trường mức thấp nhất (nếu được).