Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng trung ương:Xác định 'tấm gương' để đảng viên tự soi, tự sửa

Quy định số 144-QĐ/TƯ ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới chỉ rõ những quy định cụ thể để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, xứng đáng với vai trò tiên phong, gương mẫu.

Làm rõ hơn nội dung của quy định này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng trung ương. Ảnh: HNM

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng trung ương. Ảnh: HNM

Cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ hơn những việc cần làm

- Quy định số 144-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Bác Hồ và Đảng ta rất quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức. Xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng được nêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư... Thực tiễn đã chứng minh, dù ở giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta cũng luôn đặc biệt quan tâm, coi trọng việc xây dựng Đảng về đạo đức. Đây cũng là cơ sở quan trọng, cụ thể để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, tự rèn luyện, phấn đấu trong công tác và sinh hoạt.

Trong bối cảnh công tác xây dựng Đảng về đạo đức được Đảng ta đặc biệt coi trọng, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TƯ sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn những việc cần làm, những mục tiêu cần phấn đấu để có được sự tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân. Thực hiện tốt Quy định này cũng là làm theo những nội dung căn cốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng.

- Tại Điều 1, Quy định số 144-QĐ/TƯ, Bộ Chính trị yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ông nhận xét thế nào về vấn đề này?

- Yêu cầu về việc mỗi cán bộ, đảng viên phải gắn bó với nhân dân trong Quy định số 144-QĐ/TƯ bắt nguồn từ những vấn đề cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về “dân là chủ”, “dân làm chủ”. Trong đó, mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân; phải tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Bởi lẽ, nhân dân là người chủ thực sự của đất nước, là lực lượng lao động cơ bản của xã hội, chủ thể sáng tạo lịch sử; là lực lượng quyết định sự thành bại của cách mạng.

Mỗi buổi sinh hoạt chi bộ giúp cán bộ, đảng viên nhận thức rõ ưu, khuyết điểm, ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong ảnh: Buổi sinh hoạt chuyên đề “Tự soi, tự sửa” của Chi bộ Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình). Ảnh: Thu Trang

Mỗi buổi sinh hoạt chi bộ giúp cán bộ, đảng viên nhận thức rõ ưu, khuyết điểm, ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong ảnh: Buổi sinh hoạt chuyên đề “Tự soi, tự sửa” của Chi bộ Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình). Ảnh: Thu Trang

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu mỗi tổ chức Đảng và từng cán bộ, đảng viên phải gần dân, lắng nghe dân, thấu hiểu dân để đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân và tổ chức, lãnh đạo, động viên nhân dân thực hiện. Khi trở thành đảng cầm quyền, tất cả đường lối, chủ trương của Đảng đều phải nhằm nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, trước hết là làm cho dân có ăn, có mặc, có chỗ ở, được học hành.

Bác Hồ cũng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải lấy việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là mục đích, lẽ sống, niềm vui, hạnh phúc của mình, “tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” ra lệnh ra oai”. Có như vậy, “gốc” mới vững, mới bảo đảm cách mạng đi đến thắng lợi.

Từ tư tưởng “dân là chủ”, “dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quy định số 144-QĐ/TƯ đã yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ thực sự trong sạch, vững mạnh. Thực hiện tốt điều này cũng sẽ giúp Đảng ta xây dựng một gốc rễ bền chặt, đồng thời củng cố mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng với nhân dân.

Động lực để nhân lên khát vọng cống hiến

- “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân” là một trong những quy định về phẩm chất của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới được nêu tại Quy định số 144-QĐ/TƯ. Theo ông, liệu có khó khăn khi hiện thực hóa quy định này?

- Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, "vì nhân dân phục vụ" của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Từ Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng đã nêu rõ, cần loại bỏ tư tưởng “trông chờ, ỷ lại vào tập thể, sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán”. Đây là tinh thần của đổi mới, khơi dậy, động viên, khích lệ cán bộ mang hết tài năng, sức lực để cống hiến thật nhiều cho đất nước.

Đến Đại hội lần thứ V của Đảng, tinh thần đổi mới được xác định một cách cụ thể hơn, rõ hơn, là cần đặc biệt coi trọng việc phát hiện và đưa vào đội ngũ cán bộ những người “trung thực đã dám vì sự nghiệp chung mà vạch trần khuyết điểm bảo vệ chân lý”, cần phải tập hợp được những cán bộ có tinh thần “dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ”.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định, một trong những nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là “khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Nội dung trên chính là sự đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ của Đảng, thể hiện nhận thức mới, cao hơn, cụ thể hơn với cụm từ “khuyến khích”, “bảo vệ”. Bảo vệ ở đây chính là bảo vệ cái đúng của cán bộ, đảng viên và chính là bảo vệ Đảng.

Khi Đảng đã xác định rõ việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, vì lợi ích chung, tôi tin tưởng rằng, việc cụ thể hóa những quy định này sẽ không khó khăn trong thực tiễn, mà là cơ sở, là động lực mạnh mẽ để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung.

- Ông đánh giá thế nào về tính thời sự của Quy định số 144-QĐ/TƯ?

- Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam 10 cán bộ nguyên là bộ trưởng, nguyên bí thư tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND tỉnh… Đây đều là những cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Đảng ta đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng…

Những con số này cho thấy công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đang được thực hiện một cách quyết liệt, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Đảng, hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TƯ trong bối cảnh hiện nay không chỉ mang tính thời sự mà còn thể hiện rõ quan điểm: "Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".

- Theo đánh giá của ông, những quy định rõ ràng của Quy định số 144-QĐ/TƯ sẽ tạo ra những chuyển biến như thế nào về nhận thức và hành động cũng như tác dụng nhân lên ý chí, khát vọng cống hiến của mỗi cán bộ, đảng viên trong thời gian tới?

- Tại quy định mới ban hành, cùng với việc đề ra những quy định rõ ràng, cụ thể về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, Bộ Chính trị cũng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng nỗ lực, rèn luyện, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; kiên quyết đấu tranh, phê phán mọi hành vi né tránh, đùn đẩy, hoặc có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm...

Tôi tin tưởng rằng, với những quy định rõ ràng, cụ thể để đảng viên soi chiếu, nỗ lực rèn luyện phấn đấu được nêu tại Quy định số 144-QĐ/TƯ mới ban hành của Bộ Chính trị cùng với Kết luận số 14-KL/TƯ của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung sẽ tạo động lực để mỗi cán bộ, đảng viên nhân lên khát vọng cống hiến, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, từ đó đóng góp một phần cho công cuộc phát triển và chấn hưng đất nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/pho-giao-su-tien-si-vu-van-phuc-pho-chu-tich-hoi-dong-khoa-hoc-cac-co-quan-dang-trung-uong-xac-dinh-tam-guong-de-dang-vien-tu-soi-tu-sua-669398.html