''Phố'' lạc xoong ở Biên Hòa
'Phố' lạc xoong nằm dọc quốc lộ 1, chạy dài từ cầu Suối Linh đến khu vực ngã ba Phát Triển nổi tiếng ở TP.Biên Hòa suốt mấy chục năm qua. Gọi là 'phố' lạc xoong vì nơi đây tập trung nhiều cửa hàng bày bán đủ loại sản phẩm cũ từ máy móc công nghiệp, ngư cụ đến những phụ tùng phục vụ sửa chữa ô tô, xe máy, điện thoại…
Đặc biệt, vào thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, “phố” lạc xoong càng nhộn nhịp hơn khi có nhiều khách hàng tìm đến mua máy móc, thiết bị, phụ tùng cũ... để tiết kiệm chi phí.
* Hàng gì cũng có
Theo những người buôn bán ở đây, “phố” lạc xoong buôn bán quanh năm, lúc nào cũng thu hút đông khách cả trong và ngoài tỉnh. Giá bán hàng lạc xoong rất đa dạng, tùy độ mới - cũ và thương hiệu của mặt hàng mà có mức chênh lệch khác nhau. Đặc biệt là mỗi khu vực chuyên bán một mặt hàng riêng biệt, từ phụ tùng, thiết bị điện tử đến các loại máy móc cũ.
Ông Lê Văn Tài (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, đoạn từ cầu Suối Linh đến ngã tư Amata chuyên bán phụ tùng ô tô. Đoạn từ Nhà máy Bia Đồng Nai đến cầu Sập chỉ bán máy móc, dụng cụ phục vụ ngành Xây dựng. Riêng khu vực từ chợ Tân Biên đến ngã ba Phát Triển chuyên bán các mặt hàng liên quan đến đồ điện, máy nông nghiệp.
Mặt hàng ông Tài buôn bán hơn 30 năm nay là phụ tùng xe ô tô trở thành nơi lui tới thân quen của nhiều thợ chuyên làm nghề sửa chữa ô tô tải, xe cuốc, máy xúc. Hầu hết phụ tùng buôn bán ở đây đều được rã từ các bộ phận xe ô tô đã qua sử dụng được chủ cũ bán đi. Hàng hóa đa dạng từ cầu xe, hộp số, cần gạt thắng, đến những bu-loong, con vít nhỏ. Nguồn gốc có cả hàng sản xuất trong nước hoặc đến từ các nước Trung Quốc, Nhật, Hàn…
Ông Tài bộc bạch, trước kia, khi chưa có vòng xoay Tam Hiệp, “thủ phủ” đồ lạc xoong phụ tùng ô tô nằm ở đó. Theo thời gian, nghề này thu hút nhiều người làm, với đủ chủng loại hàng lớn, nhỏ khác nhau nên kéo về đây và trở thành “phố” lạc xoong mua bán phụ tùng ô tô lúc nào chẳng hay.
“Sau khi nhập hàng về, chúng tôi thuê thợ rã các bộ phận ra rồi lau chùi vết dầu nhớt, mỡ bò đặc quánh để những chi tiết trở nên sạch sẽ, “mới” với người cần mua. Hàng đã “lên đời” thì sẽ bán được giá hơn so với nguyên khối, nhưng công sức bỏ ra cũng không hề ít” - ông Tài nói.
Qua khỏi khu vực ngã tư Amata là đến “phố” lạc xoong chuyên kinh doanh các mặt hàng máy móc, dụng cụ phục vụ ngành Xây dựng. Những cửa hàng nằm san sát nhau, tồn tại đã hàng chục năm nay không chỉ người dân quanh đây mà nhiều nơi khác cũng đều biết đến. Đến đây, loại hàng nào cũng có, từ máy phát điện, máy hàn, máy khoan đến máy dầm, máy cắt.
Ông Bảy Thành (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) kể, từ lúc ông bắt đầu chập chững vào nghề thì khu vực này đã nhộn nhịp, đông đúc. Từ vài món đồ lẻ tẻ, chọn lề đường làm mặt bằng buôn bán; đến nay, ông đã mua được cửa hàng cho riêng mình để đứng ra làm chủ.
Với những người trong nghề, ở TP.Biên Hòa khó tìm nơi nào khác mà chuyên bán các mặt hàng đã qua sử dụng có nguồn gốc, đa dạng mẫu mã và bảo hành chu đáo như nơi đây. Vì giữ chữ tín trong làm ăn nên các cửa tiệm thu hút cả những khách hàng là chủ thầu xây dựng công trình lớn. Với khách quen, khi tiệm nhập về đợt hàng mới, chất lượng tốt họ sẵn sàng để lại với giá rẻ để giữ mối.
“Thực ra bán đồ secondhand (đã qua sử dụng) thì chất lượng hên, xui với phương châm tiền nào của đó, nhưng chịu khó lùng kỹ sẽ kiếm được đồ “ngon”. Không chỉ bán cho những ai cần mà những năm trở lại đây, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều người còn mở ra “dịch vụ” mới là cho thuê máy móc. Vì thế mà các tiệm gần đây chưa khi nào phải đóng cửa hoặc sang tiệm” - ông Bảy Thành tâm sự.
* Kinh doanh tấp nập, không ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Dịp cuối tuần, nếu ghé vào những tiệm bán đồ cơ khí, thiết bị điện tại khu vực ngã ba Phát Triển (đoạn qua P.Tân Biên) mới thấy sức hút từ các món đồ cũ như thế nào. Những người buôn bán thâm niên nhất ở đây cho biết, nghề này đã thu hút nhiều người, kinh doanh nhiều chủng hàng lớn, nhỏ khác nhau.
Đến “phố” lạc xoong, mặt hàng nào cũng có, chất lượng “thượng vàng hạ cám” từ cũ lẫn mới, đồ xịn lẫn dỏm. So với đồ mới, đồ secondhand có khi giá chỉ bằng 1/3 nên nhiều người chọn mua đồ cũ cũng là điều dễ hiểu. Bởi phần đông người tìm đến đây mua hàng đều là những người khó khăn, eo hẹp về tiền bạc.
Ông Nguyễn Đức Cương, chủ tiệm Nhất Cương ở “phố” lạc xoong cho biết, trong khi nhiều cửa tiệm bán hàng mới, nguyên thùng nguyên đai gặp khó do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì những nơi bán máy móc, đồ cũ lại ăn nên làm ra. Khoảng 4 tháng trở lại đây, các mặt hàng trong tiệm trở nên đắt khách, lượt hàng này vừa nhập về là vài hôm sau đã có khách đặt mới.
“Nhiều người không có tiền mua đồ mới đều đến đây để lấy hàng, thậm chí còn quay lại những lần tiếp theo. Hàng có giá rất rẻ, chỉ cần vài chục ngàn đồng là người mua cũng có thể chọn cho mình những món ưng ý. Mọi thứ đều có thể trở thành hàng để buôn bán, nhiều khi chỉ là một cái đinh vít nhỏ tưởng như bỏ đi nhưng nếu gặp phải khách cần mua thì cũng bán được” - ông Cương nói.
Các cửa hàng trong khu vực bán đồ cơ khí, thiết bị điện trên “phố” lạc xoong hoạt động từ sáng đến chiều, đông nhất là khoảng thời gian vào những ngày cuối tuần. Khách hàng chủ yếu thường là thợ sửa chữa đi tìm kiếm linh kiện, phụ tùng thay thế.
Anh Dương Ngọc Đại (ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) làm nghề cơ khí cho biết, vào thời điểm kinh tế khó khăn thì mỗi khi có nhu cầu thường ra đây kiếm đồ về để sửa chữa máy móc, chỉ khi nào không kiếm được thứ ưng ý mới vào những cửa hàng đồ mới để mua. Giá cả ở chợ hầu như rẻ hơn nhiều so với đồ mới ngoài tiệm. Một số máy tiện, máy cắt dù cũ nhưng vẫn có chất lượng tốt bởi là hàng Mỹ, Nhật...
Theo anh Đại, người mua, người bán đều dễ chịu. Các mặt hàng đã qua sử dụng nên chủ tiệm cũng không “hét” giá cao. Mua nhiều dễ thành khách quen nên sau khi thỏa thuận nếu vài ngày sau phát hiện hàng bị hư người mua vẫn có thể đổi, trả hàng bình thường.
“Bây giờ trên mạng cũng có chợ lạc xoong nhưng nếu đã mua đồ cũ thì phải đến tận nơi xem tận mắt, chạm tay vào mới biết được chất lượng, khả năng sử dụng bao lâu. Có rất nhiều linh kiện máy móc nhỏ, lặt vặt không thể tìm thấy ở đâu khác ngoài ở đây” - anh Đại chia sẻ kinh nghiệm mua hàng ở “phố” lạc xoong.