Phố nghề hòa nhịp với nghệ thuật đương đại

Nằm ngay trong lòng khu phố cổ Hà Nội, hai trong số những công trình kiến trúc truyền thống đặc biệt là Đình Hà Vĩ và Đình Tú Thị những ngày gần đây lại trở nên thu hút hơn khi trở thành 'nhân vật chính' trong câu chuyện mang tên 'Chuyện Đình trong phố' kể về sự đối thoại giữa nghề truyền thống với nghệ thuật đương đại, giữa nghệ thuật đương đại với nơi chốn.

Được tổ chức tại đình Hà Vĩ và đình Tú Thị, triển lãm “Chuyện Đình trong phố” kể những câu chuyện về sự độc đáo của những nghề truyền thống như sơn ta, thêu tay, múa rối nước...

Được tổ chức tại đình Hà Vĩ và đình Tú Thị, triển lãm “Chuyện Đình trong phố” kể những câu chuyện về sự độc đáo của những nghề truyền thống như sơn ta, thêu tay, múa rối nước...

Sợi dây liên kết lịch sử nghề truyền thống với nghệ thuật đương đại

Dự án nghệ thuật Chuyện Đình trong phố với các hoạt động triển lãm, tương tác trong không gian văn hóa, sáng tạo tại hai ngôi đình là hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, những giá trị văn hóa tinh thần, tín ngưỡng dân gian, nét đẹp văn hóa truyền thống của khu phố cổ Hà Nội.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Khoa các Khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội – giám tuyển triển lãm, chia sẻ những ngôi đình trong phố rất khác với những ngôi đình ở quê, nó gần như thu gọn công năng của mình nhưng vẫn giữ được giá trị là trung tâm của một cộng đồng.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn giới thiệu về triển lãm.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn giới thiệu về triển lãm.

Qua thời gian bị vùi dập bởi những định kiến khi được nhìn nhận như di sản của chế độ phong kiến, qua thời kỳ dài bị xâm lấn, nhiều ngôi đình dù đã được tu bổ nhưng lại rơi vào hiện trạng bỏ không, chỉ mở cửa mùng 1, ngày Rằm để hương khói và ít được người dân biết tới.

Để tiếp nối những thực hành cá nhân, những dự án nghiên cứu về mặt tiền đô thị, các kiến trúc đô thị từ nhiều năm trước đây, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cùng các cộng sự của mình dưới sự hỗ trợ của quận Hoàn Kiếm đã thực hiện những dự án dài hơi hơn, vừa mang tính giáo dục, vừa hướng tới cộng đồng.

Chuyện Đình trong phố được thực hiện bằng cách đưa những dự án nghệ thuật đối thoại với những ngôi đình, với hy vọng chúng sẽ trở thành không gian kết nối cộng đồng theo một cái cách thức mới hơn. Tại đây, không chỉ kết nối với cộng đồng của những người làm nghề ở trong một cộng đồng hẹp, mà còn hướng tới trở thành một kết nối cộng đồng lớn hơn, đó là những du khách, thậm chí là những du khách quốc tế.

Trong đó, Đình Hà Vĩ (số 11 Hàng Hòm, Phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) là ngôi đình thờ ông tổ nghề sơn tên Trần Lư. Đầu thế kỷ XVI, ông đi sang Trung Quốc học nghề sơn về dạy lại nghề làm sơn cho làng Bình Vọng, Hà Vĩ, Yên Thái, Hạ Thái, phố hàng Hòm.

Tác phẩm sơn mài “Vinh hoa phú quý”(60x120cm) của tác giả Bùi Kim Hiền trưng bày tại triển lãm.

Tác phẩm sơn mài “Vinh hoa phú quý”(60x120cm) của tác giả Bùi Kim Hiền trưng bày tại triển lãm.

Bằng việc trưng bày câu chuyện từ nghề sơn ta cho tới những sản phẩm thiết kế sơn mài mỹ nghệ, trưng bày các tác phẩm hội họa tranh sơn mài của các họa sĩ trẻ kết hợp với hệ thống đèn chiếu, tại không gian Đình Hà Vĩ, các nghệ sĩ đã đưa nghệ thuật đối thoại với ngôi đình thờ tổ nghề sơn, làm sống dậy một niềm tự hào cho chính cộng đồng người dân ở đó.

Việc làm này cũng thu hút đông đảo học sinh trong các trường tiểu học, trung học trên địa bàn đến tham quan, tiến tới đưa không gian này trở thành không gian tổ chức lớp học cho các học sinh học giờ mỹ thuật.

Du khách cũng có thể đến đây để tìm hiểu về dòng tranh sơn mài, những sản phẩm thủ công làm từ sơn mài truyền thống của Việt Nam. Thông qua câu chuyện cây sơn ta và ngôi Đình Hà Vĩ, du khách có thể vừa hiểu lịch sử, vừa hiểu về nghệ thuật truyền thống cũng như nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Trưng bày các tác phẩm sơn mài tại Đình Hà Vĩ.

Trưng bày các tác phẩm sơn mài tại Đình Hà Vĩ.

Nghệ nhân đánh sơn sống tại Đình.

Nghệ nhân đánh sơn sống tại Đình.

Lan tỏa giá trị giáo dục từ dự án "Chuyện Đình trong Phố" cho học sinh.

Tại Đình Tú Thị (2A phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) ngôi đình thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành diễn ra hoạt động trình diễn thời trang áo dài và trưng bày sản phẩm, tác phẩm tranh lụa kết hợp kỹ thuật thêu tay của nghệ nhân tại khu giếng trời trong không gian đình.

Đặc biệt, tại đây còn trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ kết hợp với nghệ nhân là cháu nhiều đời của ông Lê Công Hành để làm chung tác phẩm, những tác phẩm này giống như sự đối thoại mở với cả ngôi đình.

“Thầy trò chúng tôi dựa vào chính địa hình cụ thể của từng ngôi đình, nó sẽ không có một đáp số cụ thể hay phương án chung cho tất cả các ngôi đình. Cái điều chung ở đây là sự tương tác, tương tác với bối cảnh, không gian, quan trọng nhất là tương tác với nghệ nhân, người còn giữ lửa của nghề”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay.

Trưng bày các tác phẩm tranh lụa kết hợp kỹ thuật thêu tay tại Đình Tú Thị.

Trưng bày các tác phẩm tranh lụa kết hợp kỹ thuật thêu tay tại Đình Tú Thị.

Tác phẩm sắp đặt Giao hòa của tác giả Trần Thị Hội tương tác với câu chuyện nghề thêu, tương tác với nghệ nhân thêu tay hậu duệ nhiều đời của ông tổ nghề thêu Lê Công Hành được trưng bày ở hai cánh trái và cánh phải trong không gian Giếng trời của ngôi đình.

Triển lãm Chuyện Đình trong phố như một sợi dây liên kết lịch sử nghề truyền thống với nghệ thuật đương đại, mang đến những tác phẩm nghệ thuật từ tranh vẽ sơn mài, lụa, sắp đặt, nhiếp ảnh, màu nước, tạo dựng nên câu chuyện phố nghề của Hà Nội 36 phố phường.

Đây là một dự án tiếp nối trong chuỗi những dự án của nhóm nghệ sĩ. Trước đó, có thể kể đến dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, dự án Từ truyền thống đến truyền thống… đã góp phần đưa những di sản kiến trúc bị lãng quên hàng chục năm “sống dậy” để thực hiện chức năng kết nối cộng đồng thông qua nghệ thuật.

Xây dựng bản đồ nghệ thuật gắn kết với di sản đô thị

Dự án Chuyện Đình trong phố đạt được hai mục tiêu. Thứ nhất là biến những không gian di tích lịch sử thành không gian sáng tạo, bằng cách tích hợp thêm cho những ngôi đình một chức năng mới - địa điểm sáng tạo nghệ thuật. Nó mở rộng định nghĩa về không gian sáng tạo, bởi trước đây người ta cho rằng chỉ bảo tàng, gallery mới làm được điều đó.

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Chúng tôi vừa là người thực hành nghệ thuật và cũng cố gắng giải bài toán tích hợp những không gian di sản trở thành những không gian sáng tạo, độc đáo có một không hai. Mỗi không gian lại có tính riêng biệt, nó không giống những không gian truyền thống, nó có tính ứng biến, độc đáo, mang tới những nét mới lạ cho phố cổ Hà Nội”.

Hoạt động trưng bày triển lãm các tác phẩm, sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo sẽ tạo nên câu chuyện phố nghề của Hà Nội 36 phố phường.

Hoạt động trưng bày triển lãm các tác phẩm, sản phẩm thủ công truyền thống độc đáo sẽ tạo nên câu chuyện phố nghề của Hà Nội 36 phố phường.

Thứ hai, Chuyện Đình trong phố đích thị là câu chuyện về những động lực sáng tạo cho các nghệ sĩ trẻ. Tạo “đất” để cho các nghệ sĩ sáng tạo và họ tỏ ra thích thú khi được đi khám phá về những ngôi đình, tìm hiểu về chính giá trị tiềm ẩn của nơi họ đang sinh sống, làm việc.

Bên cạnh đó, nó còn ấp ủ giấc mơ biến khu phố cổ trở thành một bản đồ nghệ thuật với những ngôi đình được kết nối với nhau thông qua những dự án nghệ thuật. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn kỳ vọng, bản đồ nghệ thuật ấy sẽ đưa phố cổ trở thành một “quận nghệ thuật” với điểm độc đáo là sự gắn kết với di sản.

Một bản đồ nghệ thuật đang dần được hình thành nơi phố cổ.

Một bản đồ nghệ thuật đang dần được hình thành nơi phố cổ.

Cũng theo nghệ sĩ, những bản đồ nghệ thuật sẽ được gửi đến các khách sạn, các hệ thống du lịch, khi du khách đến với thành phố, ngoài việc được phát một bản đồ thông thường họ sẽ nắm trong tay những địa điểm lý tưởng, cho phép họ khám phá, trải nghiệm nghệ thuật tại chính đô thị họ đang dừng chân.

Bản đồ nghệ thuật sẽ níu chân du khách, khi họ đi xem những câu chuyện nghệ thuật đang đối thoại với từng câu chuyện lịch sử của những ngôi đình là một điều mang lại nhiều ý nghĩa, họ sẽ cảm thấy hứng thú và dành thêm thời gian ở lại để tìm hiểu về thành phố này.

Khởi đầu từ nhiều dự án nhỏ, kinh phí ít nhưng dần dần khi chứng minh được sức sống của mình, những dự án mà nhóm nghệ sĩ đang thực hiện lại trở thành nhu cầu của chính địa phương, bởi các nhà quản lý đô thị đã thấy được giá trị của những ngôi đình trên địa bàn và chú trọng đến phát huy các giá trị của chúng.

Hà Nội vẫn còn nhiều ngôi đình đang “chờ đợi” để được đối thoại với nghệ thuật đương đại, còn nhiều công việc để thực hiện trong dự án dài hơi này bởi điểm độc đáo của khu phố cổ là hệ thống dày đặc các di sản nhưng thường chưa được tiếp cận ở câu chuyện về sự sáng tạo, hay thành phố sáng tạo.

Những giá trị văn hóa xưa được tôn vinh bằng nghệ thuật đương đại hứa hẹn thu hút sự quan tâm của nhiều thế hệ.

Những giá trị văn hóa xưa được tôn vinh bằng nghệ thuật đương đại hứa hẹn thu hút sự quan tâm của nhiều thế hệ.

Với tâm niệm để di sản không bị "đóng gói", nó phải được tiếp nối, viết tiếp bởi các sáng tạo khác trẻ hơn, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn bày tỏ: “Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ thực hiện được nhiều dự án nghệ thuật hơn để có thể kết nối các địa điểm, các ngôi đình, tuyến phố để chúng trở thành những điểm đến, những không gian sáng tạo. Qua việc tiếp nối câu chuyện sáng tạo của các nghệ nhân cho thấy, chính họ đã truyền lửa để cho các nghệ sĩ như chúng tôi, để chúng tôi được kết nối và đưa ra những dự án, ý tưởng của mình”.

Nhìn rộng hơn, đây là câu chuyện gìn giữ truyền thống, làm sống lại vẻ đẹp của phố nghề, đưa những không gian cổ xưa ấy trở thành không gian sáng tạo, thu hút công chúng, chính quyền, giúp mọi người nhìn nhận lại về khái niệm nghệ thuật công cộng, không gian sáng tạo những di sản, di tích trong đời sống đương đại. Và đây là câu chuyện mà chỉ riêng phố cổ Hà Nội mới có, nó đang dần hiện thực hóa câu chuyện nghệ thuật có thể đóng góp cho cả đời sống vật chất và tinh thần.

Huyền Thương

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/pho-nghe-hoa-nhip-voi-nghe-thuat-duong-dai-41880.html