Sự bắt đầu, kết thúc của một thương hiệu sách du lịch nổi tiếng

Lonely Planet là thương hiệu xuất bản các ấn phẩm du lịch nổi tiếng thế giới. Sự ra đời của nhà xuất bản này được bắt nguồn từ hành trình du lịch của một cặp vợ chồng trẻ.

 Các cuốn sách du lịch của Lonely Planet về Việt Nam. Ảnh: Lonely Planet.

Các cuốn sách du lịch của Lonely Planet về Việt Nam. Ảnh: Lonely Planet.

Vào ngày 4/7/1972, cặp vợ chồng trẻ mới cưới Tony và Maureen Wheeler bắt đầu cuộc hành trình từ châu Âu sang châu Đại Dương chỉ với một số tiền ít ỏi. Trong hành trình di chuyển, họ nhận thấy các ấn phẩm chỉ dẫn du lịch có quá ít thông tin dành cho những người thích khám phá. Nhu cầu này thôi thúc anh Tony và chị Maureen viết một cuốn sách mới. Đây chính là tác phẩm đầu tiên của thương hiệu xuất bản du lịch nổi tiếng, Lonely Planet.

Ý tưởng về một cuốn sách du lịch cho người thích khám phá

Khi bắt đầu chuyến đi, cặp Tony và Maureen theo chân hàng nghìn người trẻ tuổi khác đã khám phá "Con Đường Hippie" qua châu Á. Chuyến đi của họ đầy những trải nghiệm đáng nhớ: từ việc bị kẹt trong cơn bão tuyết ở dãy Alps Italy, ngủ trên bãi biển đảo Lesbos của Hy Lạp. Sau đó, tại Iran, anh Tony đã bán chiếc xe minivan và hòa nhập với nhóm người hippie ở Kabul.

Họ tiếp tục hành trình bằng xe buýt tới Pakistan, sau đó là Ấn Độ, Nepal, và bay tới Bangkok vì không thể qua Myanmar bằng đường bộ. Cuối cùng, cả hai đến Bali và thực hiện chặng cuối của chuyến đi: một tuần làm thủy thủ trên một chiếc du thuyền tới bờ biển Tây Úc. Họ đã vượt qua nhiều khó khăn và nguy hiểm, nhưng cuối cùng họ cũng đến đích, với duy nhất 27 cent còn lại trong túi.

 Cặp Tony và Maureen Wheeler, những người sáng lập nhà xuất bản Lonely Planet. Ảnh: The Sun.

Cặp Tony và Maureen Wheeler, những người sáng lập nhà xuất bản Lonely Planet. Ảnh: The Sun.

Thông tin chỉ dẫn duy nhất mà họ có là cuốn sách hướng dẫn du lịch mua ở Anh vào năm 1972. Ấn phẩm này chứa rất ít thông tin thực tế cho tuyến đường của họ. Thực tế, những cuốn sách hướng dẫn thời điểm đó, như Blue GuidesBaedeker Guides, chỉ cung cấp thông tin về các điểm tham quan lịch sử và nghệ thuật, không phù hợp với những thanh niên thế hệ Baby Boomer đang tìm kiếm những trải nghiệm văn hóa hiện đại.

Cuối cùng, họ đã tìm đến cuốn Overland to India and Australia của BIT, một dịch vụ thông tin có trụ sở chính tại London. Cuốn sách này chủ yếu là thông tin do người dùng đóng góp và không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng đó là nguồn tài liệu duy nhất mà anh Tony và chị Maureen có.

Phần lớn thông tin mà Tony và Maureen thu thập được là từ những du khách khác mà họ gặp trên đường đi. Tony, một người luôn chăm chỉ ghi chép, đã ghi lại mọi chi tiết về hành trình của họ, từ chi phí đến các mẹo vặt và thông tin văn hóa.

Chính những ghi chép này đã dẫn đến việc xuất bản cuốn sách hướng dẫn đầu tiên của họ, Across Asia on the Cheap năm 1973. Đây cũng là thời điểm Nhà xuất bản Lonely Planet được thành lập.

Cuốn sách Across Asia on the Cheap này được viết tay vào buổi tối sau giờ làm việc, với những thông tin chi tiết về cách tiết kiệm tiền, nơi cắm trại, và thậm chí là cách mua cần sa ở Kabul. Họ tự in ấn và phát hành cuốn sách, bán hết nhanh chóng và tiếp tục in thêm nhiều bản khác.

Sự phát triển vượt bậc của Lonely Planet

Cặp đôi Tony và Maureen đã không chỉ dừng lại ở đó. Cuốn sách tiếp theo của họ, South East Asia on a Shoestring, cũng thành công tương tự. Họ tiếp tục viết sách hướng dẫn cho nhiều khu vực khác, bao gồm cả trekking ở Himalayas và du lịch Nepal. Đến năm 1977, họ đã xuất bản tám cuốn sách khác nhau và đang gặp khó khăn trong việc quản lý công việc.

Bước đột phá của họ đến vào năm 1981 khi họ xuất bản cuốn sách hướng dẫn đầu tiên về Ấn Độ, cuốn sách mà Tony tin rằng sẽ thu hút được một lượng lớn du khách mới. Cuốn sách này đã đánh dấu một giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng cho nhà xuất bản.

 Cố đô Huế được bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn tại Việt Nam năm 2023. Ảnh: Lonely Planet.

Cố đô Huế được bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn tại Việt Nam năm 2023. Ảnh: Lonely Planet.

Các ấn phẩm của Lonely Planet nhanh chóng trở thành vật bất ly thân của những du khách trẻ tuổi, không chỉ ở Úc mà còn ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Đến năm 1996, Lonely Planet đã trở thành nhà xuất bản sách du lịch lớn nhất thế giới nói tiếng Anh với doanh thu hàng năm lên tới 15 triệu đôla và danh tiếng của họ lan rộng khắp nơi.

Khi số lượng người du lịch quốc tế tăng lên, Lonely Planet cũng phát triển. Vào năm 2007, vợ chồng nhà Wheeler đã bắt đầu quá trình bán Lonely Planet cho đài truyền hình BBC. Số lượng du khách quốc tế đã vượt quá 913 triệu người, và sự phát triển của tầng lớp trung lưu toàn cầu cùng sự dễ dàng trong việc đặt chỗ trực tuyến đã thúc đẩy xu hướng du lịch.

Sự ảnh hưởng của Lonely Planet không kéo dài mãi mãi khi thế giới kỹ thuật số phát triển, không thể phủ nhận rằng Lonely Planet đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử du lịch toàn cầu. Những cuốn sách của họ đã mở ra thế giới cho hàng triệu người, khuyến khích hình thức du lịch khám phá và trải nghiệm những điều mới lạ mà trước đây chưa từng có.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/su-bat-dau-ket-thuc-cua-mot-thuong-hieu-sach-du-lich-noi-tieng-post1482959.html