Phố Quảng Ngãi xưa và nay
Tuy sống ở vùng ven, nhưng phố phường Quảng Ngãi không có gì xa lạ đối với tôi. Từ thời còn học phổ thông, tôi đã quá quen với nhiều con đường, góc phố, nhất là những con phố có hiệu sách cũ và ở quanh chợ tỉnh... Bây giờ, phố phường Quảng Ngãi có nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ được chất quê, hồn quê, giống cô gái quê khoác lên mình bộ áo mới.
1. Ngày trước, Quảng Ngãi là một đô thị nhỏ buồn hiu, đi ngang dọc chỉ chừng mươi phút là trở về chốn cũ. Trục chính bắc - nam từ cầu Trà Khúc vô Cống Kiểu với điểm dừng là núi Bút, biểu tượng về “văn phong sĩ khí” của người Quảng Ngãi. Trục đông - tây kéo dài từ ngã tư Ba La đến ngã ba Thu Lộ. Phố ít nhà cao tầng, không có những công trình kiến trúc mang dấu ấn, tạo điểm nhấn cho đô thị.
Phố Quảng Ngãi bây giờ đã khác nhiều so với vài chục năm trước. Đường phố rộng hơn, có nhiều con đường mới. Hàng quán mọc lên ngày càng nhiều. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi có nhiều ở các khu dân cư. Phố Quảng Ngãi có nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ được chất quê, hồn quê, giống cô gái quê khoác lên mình bộ áo mới.
Trước năm 1975, phố Quảng Ngãi chỉ loanh quanh khu vực chợ tỉnh với chưa đến 10 con đường: Võ Tánh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học, Trần Thúc Nhẫn, Phan Thanh Giản, Hòa Bình, Trần Cao Vân và Lê Lợi. Ngày ấy, ở khu vực trung tâm là xã Cẩm Thành với 4 thôn Bắc Môn, Bắc Lộ, Nam Lộ và Thu Lộ. Chợ tỉnh trở thành trung tâm thương mại lớn cung cấp hàng hóa không chỉ cho đô thị mà còn cho các vùng quê trong tỉnh.
Đi ngược thời gian mới biết phố thị Quảng Ngãi đã hình thành từ rất lâu đời. Vào năm Gia Long thứ 8 (1807) làng Cù Mông, huyện Chương Nghĩa (nay là phường Trần Hưng Đạo) được lấy làm tỉnh lỵ. Chợ và phố Quảng Ngãi hình thành sau khi thành Quảng Ngãi xây xong vào năm 1815, lúc ấy chợ có tên là Cù Mông. Sách "Đại Nam nhất thống chí" biên soạn thời vua Tự Đức liệt kê huyện Chương Nghĩa có 9 chợ; trong đó chợ Cù Mông là lớn nhất. Thời vua Minh Mạng chợ Cù Mông được đổi thành chợ Chánh Mông. Đến năm 1934 có dụ của vua Bảo Đại thiết lập nơi đây là phố thị thay cho tên tỉnh thành Quảng Ngãi.
Từ những năm 30, 40 của thế kỷ trước, phố phường Quảng Ngãi đã là nơi đô hội đông vui. Sách "Địa dư tỉnh Quảng Ngãi" của Nguyễn Đóa và Nguyễn Đạt Nhơn soạn năm 1939 mô tả: “Khu trung tâm Quảng Ngãi là nơi hiệp hội các công sở lớn như Tòa Sứ, dinh Quan Tuần, đồn Khố xanh... dân cư trù mật khoảng trên ba ngàn người. Con đường cửa Tây phố xá đông đúc, buôn bán đồ tạp hóa, quang cảnh ngày đêm có vẻ náo nhiệt”. Trong cuốn sách này ghi rõ: “Các nhà buôn hồi này phần lớn là Hoa kiều, Ấn kiều, có các hiệu buôn nổi tiếng Quảng Đông An, Quảng Hòa Tế, Mỹ Đông An... Trong tỉnh lỵ có vài ba cửa hàng đóng bàn ghế kiểu tân thời, đánh xia bóng nhoáng trông rất đẹp”.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, phố Quảng Ngãi và Thu Xà là nơi phồn thịnh, xuất đi rất nhiều lâm, thổ sản quý của Quảng Ngãi như đường muỗng, quế, sa nhân, trầm hương, mật ong... Đến năm 1940, khi người Pháp làm tuyến đường sắt Bắc - Nam để vận chuyển hàng hóa, cửa Vực Hồng ở Thu Xà nối liền với sông Vệ bị bồi lấp, nhiều nhà buôn lớn ở Thu Xà lần lượt đi nơi khác làm ăn. Một số nhà buôn chuyển lên khu vực trung tâm tỉnh lỵ và chính họ đã góp công hình thành nên chợ tỉnh là chợ lớn nhất Quảng Ngãi cho đến tận bây giờ.
2. Theo dòng lịch sử, phố thị Quảng Ngãi đã chứng kiến không biết bao nhiêu là thăng trầm, biến động trên vùng đất này. Thời chống Pháp, Quảng Ngãi là vùng tự do nhưng bị Pháp bao vây nhiều phía nên công việc bán buôn chỉ loanh quanh nội tỉnh. Nhờ chủ trương “Nội thương tự do” năm 1951 của Liên khu 5, một số mặt hàng thiết yếu của Quảng Ngãi như gạo, vải vóc, đá lửa đã theo các con đường không chính thức “chi viện” kịp thời cho các tỉnh lân cận.
Đến thời chính quyền Sài Gòn quản lý, chợ tỉnh và phố phường Quảng Ngãi phồn thịnh trở lại với nhiều nhà buôn, kể cả các nhà buôn người Ấn, người Hoa. Hàng hóa được chuyên chở thông suốt bằng đường bộ, đường sông, đường biển nên việc bán buôn thuận lợi.
Sau ngày hòa bình, Quảng Ngãi và Bình Định sáp nhập thành tỉnh Nghĩa Bình, TP.Quy Nhơn được lấy làm tỉnh lỵ, phố thị Quảng Ngãi gần như bị lãng quên mãi cho đến khi tái lập tỉnh năm 1989.
Phố phường Quảng Ngãi sau vài lần chỉnh trang dẫu chưa bề thế, sang trọng như những đô thị lớn nhưng đã có dáng vẻ của trung tâm tỉnh lỵ. Chợ Quảng Ngãi luôn đông đúc, tấp nập người mua, kẻ bán. Trên các tuyến phố Lê Trung Đình, Nguyễn Bá Loan, Nguyễn Nghiêm, Lý Thường Kiệt, Quang Trung... rất nhiều cửa hàng, cửa hiệu bán đủ thứ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. Điều đặc biệt là, cùng với các loại hàng hóa hầu như chợ nào, tỉnh, thành phố nào cũng có, thì ở Quảng Ngãi vẫn còn nhiều mặt hàng truyền thống làm nên “bản sắc" của vùng đất này, đó là bánh thuẫn, bánh in, bánh nổ, bánh mì xốp đến kẹo gương, kẹo đậu phộng, đường phèn, mạch nha, đường phổi... Có cả những thứ ngon của vùng sông nước, biển đảo như cá bống sông Trà, mắm mực Tịnh Kỳ, Đức Lợi, mực khô Bình Sơn, hành tỏi Lý Sơn... Phố thị Quảng Ngãi rất gần với nông thôn nên có cảm giác hầu hết những thức ngon ở các vùng quê đều ra phố. Hồn quê vẫn còn đọng trong phố.
Từ khi lên thành phố loại II, Quảng Ngãi đã thoát dần cảnh chật chội để vươn về phía biển. Trong ý tưởng quy hoạch, dòng sông Trà Khúc sẽ là điểm nhấn của đô thị hướng biển. Điều ấy nếu trở thành hiện thực thì Quảng Ngãi là thành phố đẹp, hấp dẫn bên sông.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2047/202302/pho-quang-ngai-xua-va-nay-3157496/