Phó Thủ tướng: Bộ Nông nghiệp và Môi trường là 'mô hình bộ lớn' đáng tự hào

Bộ Nông nghiệp và Môi trường là 'mô hình bộ lớn', mạnh mẽ và có đủ năng lực để quản lý đất đai, phát triển nông nghiệp và kinh tế tài nguyên hiệu quả nhất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, sau khi hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tạo nên một thể thống nhất hoàn chỉnh, một “mô hình bộ lớn,” mạnh mẽ và có đủ năng lực để quản lý đất đai, phát triển nông nghiệp hiệu quả nhất.

Vì vậy, tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành tài nguyên và môi trường,” diễn ra sáng nay, 21/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt ra yêu cầu sau khi hai bộ hợp nhất cần phải giải quyết được bài toán kinh tế-xã hội và môi trường, xem môi trường là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Đặt môi trường làm trung tâm phát triển

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những kết quả nổi bật mà ngành tài nguyên và môi trường đã đạt được trong năm 2024. Đây cũng là năm mà Bộ Tài nguyên và Môi trường không chỉ vượt qua nhiều thách thức, mà còn chỉ rõ những hạn chế, cũng như đưa ra định hướng phát triển cho giai đoạn tới.

Đặc biệt, trong năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện, đóng góp, sửa đổi các luật và ban hành các văn bản dưới luật (như Luật Đất đai, Luật Địa chất và Khoáng sản, Luật Tài nguyên Nước).

Vì vậy, Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành tài nguyên và môi trường” được tổ chức vào thời điểm này có ý đặc biệt quan trọng. Đây là thời điểm có tính lịch sử bởi ngành tài nguyên và môi trường sắp chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.

Cụ thể, đầu năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ chính thức hợp nhất, thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đánh giá ở thời kỳ Chuyển đổi Số, chuyển đổi xanh thì việc hợp nhất hai bộ có mối quan hệ gắn bó như “môi và răng” sẽ tạo ra cơ hội phát triển rất lớn. Thực tế cho thấy nếu như trước đây “phần tâm hồn” ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn “phần thể xác” ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thì sau khi hợp nhất sẽ tạo nên một thể thống nhất hoàn chỉnh. Nếu bộ này làm tốt thì bộ kia sẽ hưởng lợi và ngược lại. Từ góc độ này có thể thấy hai bộ hợp nhất sẽ thành một “mô hình phát triển đáng tự hào.” Đây cũng là một triết lý phát triển mới, đặt môi trường làm trung tâm cho mọi định hướng phát triển.

“Chúng ta đang xây dựng một mô hình bộ lớn, mạnh mẽ và có đủ năng lực để quản lý đất đai, phát triển nông nghiệp và kinh tế tài nguyên hiệu quả nhất. Khi còn chia cắt, tư duy phát triển không thể xuyên suốt và hài hòa, dẫn đến lãng phí tiềm năng. Do đó, bộ mới sẽ giải quyết vấn đề này, đưa môi trường trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững,” Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh thêm.

Bộ mới sẽ dẫn dắt các mô hình kinh tế xanh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng lưu ý sự hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường không đơn thuần là phép cộng cơ học, mà là bước chuyển mang tính đột phá để dẫn dắt các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế phát thải thấp, góp phần làm sạch môi trường sống, cải thiện đời sống nhân dân.

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chụp ảnh cùng ban lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các đại diện một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chụp ảnh cùng ban lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các đại diện một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Sự giàu có sẽ không có ý nghĩa, nếu đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm,” Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Với kỳ vọng và mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh năm 2025 được xem là cột mốc quan trọng. Ngay từ đầu năm, bộ máy mới sẽ đi vào vận hành với yêu cầu phải bảo đảm tính liên tục trong công việc, tránh sự đình trệ. Do vậy, bộ máy mới cần phải mang tư duy đổi mới, tinh gọn và hiệu quả, tạo điều kiện để lãnh đạo, cán bộ phát huy tối đa sáng tạo, trách nhiệm; giải quyết được bài toán kinh tế, xã hội và môi trường, làm sao để môi trường là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

“Chúng ta phải đặt môi trường vào vị trí trung tâm để phát triển. Môi trường quyết định đến sự tồn vong và phát triển, do đó, chúng ta phải thay đổi về nhận thức và luật pháp trong cách quản lý, cần đẩy mạnh về kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn,” Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh Chuyển đổi Số là yêu cầu tất yếu để bộ mới phát triển mạnh mẽ hơn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng tin tưởng với sự đoàn kết và kế thừa truyền thống tốt đẹp, “mô hình bộ lớn” tới đây (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) sẽ tạo ra những bước đột phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển xanh, bền vững; nơi người dân hạnh phúc và nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc.

Trước mắt, Phó Thủ tướng đề nghị ngành tài nguyên và môi trường cần tập trung đầu tư tư duy, tổ chức lại mô hình quản lý bởi “dường như càng xuống cấp xã chúng ta càng ít quan tâm, đầu tư nên cần phải thay đổi lại.” Cùng với đó, bộ máy, trang thiết bị cần phải hiện đại để làm sao mỗi người trong ngành có thể làm việc bằng hai, bằng mười - điều này rất quan trọng trong công tác phát triển bền vững.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết năm 2025 toàn ngành tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật bao quát toàn diện các lĩnh vực; kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Các chỉ tiêu nổi bật ngành đặt ra, gồm: 92% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn; thu gom và xử lý 95% chất thải rắn đô thị, 80% chất thải rắn nông thôn; hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu đất đai theo mục tiêu Nghị quyết 18-NQ/TƯ; tự động hóa 65% trạm quan trắc khí tượng thủy văn; 100% thiên tai được giám sát, cảnh báo kịp thời; hình thành mạng lưới quan trắc hiện đại, kết nối quốc tế; 80% diện tích lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000; 90-100% hồ chứa lớn hoàn thành cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/pho-thu-tuong-bo-nong-nghiep-va-moi-truong-la-mo-hinh-bo-lon-dang-tu-hao-post1003429.vnp