Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Cần đột phá về cơ chế cho ngành công nghiệp hỗ trợ
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thời gian tới cần tập trung đột phá về cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, ô tô, đường sắt.
Chiều 26-3, tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam gắn với việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam”.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Quảng Ninh đang triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia gắn với triển khai chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh.
Dự và phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển cần quyết liệt tháo gỡ về thể chế, có đột phá về cơ chế để doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp, có cơ chế chính sách mới về đất đai, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp….
Công nghiệp hỗ trợ vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng cho biết, giai đoạn 2021 - 2024, tốc độ tăng bình quân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đạt trên 21%, tổng vốn đầu tư đạt trên 8,6 tỷ USD.
Đặc biệt, Khu công nghiệp Việt Hưng (Hạ Long) đang được định hướng trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ trọng điểm trong thời gian tới.
Hiện nay, Trung ương đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP.HCM…
Bên cạnh đó, Quảng Ninh đang báo cáo Trung ương khởi động lại Dự án đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, hoàn thành trước năm 2030; đồng thời đẩy sớm lộ trình đầu tư đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái trước năm 2030.
Những dự án này không chỉ giúp giảm áp lực giao thông đường bộ mà còn mở ra cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành đường sắt, thúc đẩy sản xuất linh kiện, thiết bị đầu máy, toa xe, hệ thống điện, ray, cảm biến điều khiển…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí gắn với việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tham gia vào quá trình hình thành phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam càng trở nên cấp thiết.
Dù những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành địa phương đã chỉ đạo và thực thi nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, song ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, đường sắt nói riêng còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Công nghiệp đường sắt chỉ đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa với công nghệ cũ. Hầu hết các thiết bị, đầu máy, toa xe và hệ thống tín hiệu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển các dự án đường sắt mới.

Bộ trưởng Bộ Công thương nhận định, ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, đường sắt của Việt Nam nói riêng còn nhiều hạn chế. Ảnh: TTXVN
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp đóng góp nhiều ý kiến về xu hướng, giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp cơ khí, sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cam kết sẽ đồng hành, kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cơ chế chính sách ổn định, hạ tầng đồng bộ, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ bền vững, hiệu quả.
Cần xây dựng các dự án để phát triển công nghiệp hỗ trợ
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu thời gian tới cần tập trung, quyết liệt triển khai một số giải pháp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tạo đột phá về cơ chế chính sách để thu hút các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, ô tô, đường sắt.
Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp lớn trong nước tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia; hình thành hệ sinh thái và chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh; tiếp tục phát triển nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu phát triển.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu phải xây dựng các chương trình, dự án để phát triển công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm và có kết quả cụ thể. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải xây dựng các chương trình, dự án để phát triển công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm và có kết quả cụ thể.
Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt cho ngành công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển lĩnh vực này. Qua đó, thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo nói riêng phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.