PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN LƯU QUANG: LIÊN QUAN ĐẾN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC DÙ CHỈ MỘT ĐỒNG CŨNG PHẢI ỨNG XỬ HẾT SỨC CÓ TRÁCH NHIỆM
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16/01, thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ đề xuất, đồng thời nhấn mạnh bảo đảm tuân thủ các quy định trong quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công.
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu tập trung cho ý kiến đối với nội dung đề xuất cho phép sử dụng 63.725 tỷ từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ và dự án đầu tư công; về sự phù hợp, về tính cấp thiết và hiệu quả, khả năng cân đối vốn đối với các dự án; việc bổ sung vốn cho các dự án vượt tỷ lệ quy định tại Khoản 2, Điều 89 của Luật Đầu tư công; về cơ chế ủy quyền trong thời gian giữa hai kỳ họp giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đối với số vốn còn lại dự kiến bố trí cho các dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư và việc phân bổ vốn hàng năm cho các dự án; việc bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đó, các ý kiến phát biểu đều bày tỏ thống nhất việc trình Quốc hội cho phép sử dụng với 63.725 tỷ đồng Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công vì việc Chính phủ trình là phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 51 của Luật Đầu tư công, khoản 6 Điều 6 của Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội và điểm c khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 40/2023/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đó, nhất trí giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 là 33.156,987 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đối với các dự án theo Tờ trình của Chính phủ đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.
Đối với số vốn còn lại 30.568,013 tỷ đồng dự kiến bố trí cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định, nhiều ý kiến cơ bản thống nhất chủ trương giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật. Trường hợp cấp bách, giữa 02 kỳ họp Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Riêng đối với dự án có tổng mức vốn thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư của dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu đánh giá cao Chính phủ và cho rằng đây là quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc đề xuất sử dụng nguồn tăng thu năm 2022 để tập trung cho một số dự án sớm hoàn thành và phát huy hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn chỉ rõ nội dung đề xuất của Chính phủ đáp ứng điều kiện của Luật Đầu tư công và Nghị quyết 29/2021/QH15 khi sử dụng dự phòng phải bảo đảm được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng cho rằng Tờ trình của Chính phủ cũng đã đề xuất cơ chế linh hoạt đối với các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư là “giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi đủ thủ tục; trong trường hợp giữa hai kỳ họp mà cấp thiết thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phân bổ, giao vốn và triển khai thực hiện” là kịp thời và hợp lý.
Trong khi đó, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu bày tỏ băn khoăn đối với các dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư. Đại biểu cho biết đây là tồn tại đã có từ lâu và kéo dài, do đó, đại biểu mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, hướng dẫn các địa phương để thúc đẩy hoàn tất các thủ tục đầu tư đối với các dự án chưa hoàn thành.
Làm rõ nội dung các đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho biết theo thông lệ khi có nguồn tăng thu thì Chính phủ đề xuất phân bổ bảo đảm hợp lý, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước. Việc bố trí vốn lần này ưu tiên mạnh cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và lĩnh vực an ninh quốc phòng cùng với một số nhiệm vụ khác để đảm bảo giải quyết được những vướng mắc hiện nay. Qua thảo luận cho thấy các đại biểu đồng tình cao với đề xuất của Chính phủ.
Trước ý kiến đại biểu đề xuất có cơ chế mạnh mẽ để bố trí vốn ngay những dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu rõ số vốn còn lại 30.568,013 tỷ đồng dự kiến bố trí cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư không phải là khoản tiền nhỏ. Mà đã liên quan đến ngân sách nhà nước cho dù chỉ là một đồng cũng phải ứng xử hết sức có trách nhiệm và tuyệt đối không để thất thoát. Do đó, đòi hỏi các dự án phải bảo đảm đủ hồ sơ, thủ tục, đáp ứng các yêu cầu điều kiện thì trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu bày tỏ ủng hộ việc phân bổ vốn thực hiện dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến làm rõ đây là dự án hết sức cấp thiết và đặc thù. Đại biểu cho biết, hiện nay, điện của Côn Đảo không ổn định, phải chạy bằng dầu Diesel, trường hợp phải cải tạo, nâng cấp thì cả huyện đảo không có điện để dùng. Việc thực hiện dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo, thực hiện định hướng phát triển huyện Côn Đảo trở thành huyện du lịch đẳng cấp quốc tế theo như là phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2030; đồng thời, đảm bảo được an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo của quốc gia.
Do đó, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến bày tỏ mong muốn Quốc hội ủng hộ việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện Dự án Cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đại biểu cũng đề nghị giao cho Bộ Công thương thống nhất thẩm quyền quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo được cái tiến độ, chất lượng thực hiện dự án.
Nhất trí với sự cần thiết bố trí vốn cho dự án kéo điện ra Côn Đảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cho biết thêm, trước đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã dự kiến có khoản cho dự án này. Thực tế, Côn Đảo là một trong 3 huyện đảo còn lại không có điện lưới quốc gia. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã cân nhắc các phương án để sử dụng có hiệu quả, đảm bảo nguồn năng lượng cho cho Côn Đảo trình Quốc hội xem xét quyết định là cần thiết./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=84094